Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - Ngân hàng Trung ương của nước này- từ ngày 25/8 đã hạ lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại. Ngay sau động thái này, trang web của tờ “Nhân dân Nhật báo” - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã giải thích về việc Bắc Kinh nới lỏng chính sách tiền tệ.
Nới lỏng sức ép lãi suất
Theo Báo này, do việc giảm vốn dành cho hoạt động mua ngoại tệ và tình trạng thoái vốn ra nước ngoài sau khi đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá trong thời gian qua, quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp cải thiện khả năng thanh toán tiền mặt và nới lỏng sức ép đối với lãi suất. Báo này thừa nhận tình trạng đồng NDT mất giá ngày 11/8 đã làm tăng hoạt động thoái vốn ra khỏi Trung Quốc khiến cho thị trường tài chính trong nước gặp khó khăn hơn khi huy động vốn.
Theo ước tính của Societe Generale ngày 27/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bán ít nhất 106 tỷ USD tài sản dự trữ trong vòng hai tuần, bao gồm cả trái phiếu Chính phủ Mỹ. Một điều đáng ngạc nhiên là tổng mức sở hữu trái phiếu của Trung Quốc không giảm nhiều, nước này vẫn là quốc gia sở hữu trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều nhất, xếp trên Nhật Bản.
Lời giải đáp cho bí mật này là sự giảm sút lượng tài sản của Trung Quốc tại Bỉ và Thuỵ Sĩ. Trung Quốc đã bán gần hết các trái phiếu ủy thác tại Euroclear, một tổ chức thanh toán quốc tế đặt tại Bỉ cũng như nhiều tổ chức tài chính khác.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm từ mức 3,99 nghìn tỷ USD cuối tháng 6/2014 xuống còn 3,65 nghìn tỷ USD cuối tháng 7/2015. Sự giảm sút này là điều mà Chính phủ Trung Quốc không mong đợi vì Bắc Kinh xem dự trữ ngoại tệ là một biểu tượng cho uy tín của quốc gia. Bắc Kinh đang hy vọng sẽ gỡ thể diện bằng cách duy trì tài sản trái phiếu.
Có mục đích khác?
Trung Quốc hiện vẫn đang là quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất, vậy tại sao tình trạng thoái vốn ra nước ngoài lại được bàn thảo trên truyền thông nước này? Câu trả lời nằm trong hoạt động sắp xếp tài sản dự trữ nói trên.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, tài sản trái phiếu của Trung Quốc là 1,82 nghìn tỷ USD, tức là khoảng 45% tổng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc (kể cả khi đạt mức kỷ lục vào cuối tháng 6/2014). Nếu tính cả trái phiếu gửi tại Euroclear và các tổ chức tài chính khác thì tổng tài sản trái phiếu cũng chỉ chiếm một nửa tổng dự trữ ngoại tệ.
Trung Quốc dành một khoản trong số tiền trên đầu tư vào một số loại trái phiếu euro Nhật Bản và một số cổ phiếu của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, giới đầu tư chứng khoán đang tỏ ra nghi ngờ vì không biết Trung Quốc sẽ làm thế nào để quản lý khoản dự trữ ngoại tệ ít nhất là 1 nghìn tỷ USD.
Một điều khó hiểu là mặc dù dự trữ ngoại tệ đạt 3,65 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 7/2015 song các tài sản ngoại tệ Ngân hàng Trung ương nắm giữ lại ở mức 27,4 nghìn tỷ NDT, tương đương 4,31 nghìn tỷ USD. Như vậy, có vẻ như số tiền mà Ngân hàng Trung ương nắm giữ lại cao hơn cả mức dự trữ ngoại tệ của nước này, dù sự chênh lệch này là do sự biến động giá trị của đồng NDT.
Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có thể đã được chuyển cho các quỹ đầu tư nhà nước hoặc các cơ quan tài chính khác vì những mục đích bí mật. Dự trữ ngoại tệ cũng đã được dùng để đầu tư cho Quỹ Con đường Tơ lụa hoặc Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á, hai thể chế tài chính do Trung Quốc lãnh đạo. Trung Quốc khá nôn nóng đầu tư phát triển tài nguyên tại châu Á và Mỹ Latinh trong nhiều năm qua, và đây cũng có thể là nguyên nhân làm giảm nguồn tiền mặt của nước này.
Tình trạng sụt giá tiêu dùng trên toàn cầu đang đe dọa đến khả năng sinh lợi của các dự án tại châu Phi và Mỹ Latinh nói trên. Một khoản đầu tư lớn chắc chắn đã bị lãng phí. Điều này đặt ra câu hỏi liệu con số dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc và tài sản được định giá bằng ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương có phải là chuyện dối trá.
|
Trung Quốc đề ra việc nâng gấp đôi GDP và thu nhập của người dân thành thị và nông thôn vào năm 2020 so với năm 2010 |
Ngày 3/11, Trung Quốc đã chính thức công bố bản “Kiến nghị của Trung ương về xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13”. Giới thiệu tình hình liên quan trong việc soạn thảo đề cương Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13”, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước Trung Quốc Từ Thiệu Sử cho biết, bản kiến nghị chủ yếu có nội dung cốt lõi về ba mặt, đồng thời cho biết Trung Quốc có quyết tâm cũng như có điều kiện để duy trì kinh tế tăng trưởng trung cao tốc:
Một là, đề ra năm quan niệm phát triển lớn là sáng tạo, nhịp nhàng, xanh, mở cửa và cùng chia sẻ. Đây là kim chỉ nam cho việc soạn thảo Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 và sự phát triển trong thời kỳ thực hiện quy hoạch này.
Hai là, đề xuất nguyên tắc phát triển “6 kiên trì”, tức kiên trì vị thế chủ thể của nhân dân, kiên trì phát triển một cách khoa học, kiên trì sâu sắc cải cách, kiên trì quản lý đất nước theo pháp luật, kiên trì tính toán tổng thể hai đại cục trong nước và quốc tế và kiên trì sự lãnh đạo của Đảng.
Ba là, đề xuất yêu cầu mục tiêu mới về hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả là duy trì kinh tế tăng trưởng trung cao tốc, trình độ và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, nâng cao rõ rệt tố chất dân trí và văn minh xã hội, cải thiện về tổng thể chất lượng môi trường sinh thái và, và định hình và hoàn thiện chế độ về các mặt.
Yêu cầu mục tiêu về tăng trưởng kinh tế trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 là một trong những vấn đề được báo giới đặc biệt quan tâm. Ông Từ Thiệu Sử cho biết, Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 đề ra việc nâng gấp đôi GDP và thu nhập của người dân thành thị và nông thôn vào năm 2020 so với năm 2010 và điều này đòi hỏi phải duy trì mức tăng trưởng trung cao trong thời kỳ thực hiện quy hoạch này.
Theo ông Từ Thiệu Sử, xét từ điều kiện trong và ngoài nước, việc duy trì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung cao tốc là có thể thực hiện được. Xét từ toàn cầu, hoà bình và phát triển vẫn là chủ thể của thời đại và hơn thế, Trung Quốc vẫn đang có cơ hội chiến lược có thể thực hiện các mục tiêu lớn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân rất quan trọng nữa là sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế giai đoạn mới được quyết định bởi cuộc cách mạng công nghệ và cách mạng ngành nghề, mà nhờ đó hình thành sự giao thoa lịch sử với chiến lược thúc đẩy bằng sáng tạo của Trung Quốc.
Ông Từ Thiệu Sử nhận định bối cảnh kinh tế toàn cầu là có lợi cho sự phát triển của kinh tế Trung Quốc và với tình hình trong nước hiện nay, Trung Quốc có không gian phát triển khu vực rất rộng mở, đô thị hoá kiểu mới tạo ra nhu cầu thị trường to lớn, hơn thế nữa vai trò thúc đẩy bằng sáng tạo ngày càng được tăng cường.
Ông Từ Thiệu Sử còn đề cập đến một yếu tố rất quan trọng nữa là Trung Quốc có 1,3 tỷ dân, với 900 triệu lao động. Do đó nền kinh tế có tiềm năng và dư địa phát triển rất lớn. Bởi vậy có quyết tâm, Trung Quốc cũng có điều kiện duy trì mức tăng trưởng trung cao tốc.
Lại phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng
Trong một động thái khác, ngày 6/11 Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thông báo sẽ cho phép các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi tạm ngưng hoạt động này vào đầu tháng 7 vừa qua do những biến động của thị trường chứng khoán.
Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn của CSRC cho biết, có 28 công ty được phép phát hành cổ phiếu trước cuối năm nay. Trước đó, những biến động trên thị trường chứng khoán đã khiến Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải (Shanghai) và Thâm Quyến (Shenzen) tuyên bố hoãn việc phát hành cổ phiếu của 28 công ty này, trong số này có 10 công ty đã chấp nhận các đăng ký mua cổ phiếu và bị yêu cầu hoàn tiền cho nhà đầu tư.
Những công ty này sẽ phát hành cổ phiếu ra thị trường đầu tiên, trong khi 18 công ty còn lại sẽ phát hành trước cuối năm nay. Theo người phát ngôn, CSRC cũng sẽ tiếp tục các cuộc họp thông qua IPO với nhịp độ hợp lý.
Ngày 8/7/2015, CSRC đã cấm các cổ đông lớn và quan chức điều hành cấp cao của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán bán cổ phần trong vòng 6 tháng nhằm ngăn chặn đà lao dốc của thị trường chứng khoán nước này. Theo CSRC, động thái trên nhằm “duy trì sự ổn định của thị trường vốn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư”. Lệnh cấm được áp dụng đối với các cổ đông lớn – được xác định là những người sở hữu cổ phần trên 5% - như các giám đốc và quan chức điều hành cấp cao của công ty.
Con số dự trữ ngoại tệ cũng như thực tế và phương hướng tăng trưởng của Trung Quốc cho đến lúc này vẫn khiến dư luận quốc tế sôi nổi bàn luận. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu từ những cố gắng của Hy Lạp nhằm che giấu thâm hụt tài chính của mình, những nghi ngờ về dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính. Các nhà phân tích thị trường tài chính hiện vẫn theo dõi chặt chẽ để xem liệu Trung Quốc có tiếp tục bán tháo trái phiếu Mỹ hay không…