Trung Quốc còn ít hy vọng cứu 11 thợ mỏ

Hôm qua (17/10), lực lượng cứu hộ Trung Quốc cho biết có ít hy vọng cứu sống được 11 thợ mỏ bị kẹt dưới lòng đất sau một vụ nổ xảy ra hôm 16/10 tại một mỏ than ở tỉnh Hà Nam.

Hôm qua (17/10), lực lượng cứu hộ Trung Quốc cho biết có ít hy vọng cứu sống được 11 thợ mỏ bị kẹt dưới lòng đất sau một vụ nổ xảy ra hôm 16/10 tại một mỏ than ở tỉnh Hà Nam.

Một số thợ mỏ đã kịp thoát ra ngoài sau vụ nổ xảy ra tại mỏ Yuzhu, Hà Nam. Ảnh: AFP

Còn ít hy vọng?

Đội phó đội cứu hộ Du Bo tuyên bố : «Có ít cơ hội cứu sống 11 thợ mỏ bị kẹt và sẽ mất từ 3 đến 4 ngày mới có thể tìm thấy họ”. Có khả năng những thợ mỏ mất tích bị vùi lấp dưới hơn 2.500 tấn bụi bít kín miệng giếng mỏ sau khi vụ nổ xảy ra và làm ngạt đa số các nạn nhân, ông Du giải thích.

Mỏ than nói trên nằm ở huyện Yuzhu, tỉnh Hà Nam, thuộc sở hữu chung của một doanh nghiệp Nhà nước và một công ty khác. Lúc xảy ra vụ nổ, có 276 người đang làm việc dưới mỏ và 239 người đã ra ngoài, Cơ quan An toàn lao động quốc gia Trung Quốc cho biết.

Những thợ mỏ mất tích bị kẹt ở độ sâu từ 50 đến 80 mét dưới miệng giếng. Tuy nhiên, chiến dịch cứu hộ rất khó khăn vì lớp bụi than dày đặc trong giếng cản trở việc cứu hộ.

Các mỏ ở Trung Quốc được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới. Theo con số thống kê chính thức, hồi năm ngoái, có tới 2.631 người đã thiệt mạng vì các sự cố hầm, mỏ. Con số này trên thực tế còn cao hơn nhiều, một số tổ chức độc lập cho biết. 

Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố rất tiếc về tình hình tai nạn lao động “nghiêm trọng” và thường xuyên xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp ở nước này. Ông đã ra lệnh cho các quan chức mỏ Trung Quốc phải xuống giếng với các thợ mỏ để tìm các biện pháp tránh tai nạn xảy ra.

Chính phủ nước này cũng vừa thông báo một chiến dịch thanh sát 10 ngày vào cuối tháng 10 tới tất cả các mỏ trên khắp đất nước để kiểm tra điều kiện làm việc của thợ mỏ.

Hồi tháng 4 vừa qua, Trung Quốc cũng đã từng tiến hành chiến dịch giải cứu “thần kỳ” 115 thợ mỏ sau khi họ bị kẹt dưới một mỏ bị ngập nước hơn một tuần ở tỉnh Sơn Tây. Tuy nhiên, vấn đề an toàn trong các mỏ của Trung Quốc lại một lần nữa được nhiều người nhắc tới cùng với cuộc giải cứu ngoạn mục 33 thợ mỏ ở Chile hôm 13/10. Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc đã truyền hình trực tiếp chiến dịch cứu hộ lịch sử vừa qua ở Chile.

Chile sẽ giúp Trung Quốc

Hôm 16/10, sau khi xảy ra vụ nổ tại mỏ than ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã đề xuất giúp đỡ Trung Quốc đối phó với thảm họa hầm mỏ ở Trung Quốc, đồng thời cho rằng Chile đã có một số kinh nghiệm trong việc xử lý loại vấn đề này.

Chile cứu sống 33 thợ mỏ từ lòng đất sâu. Ảnh: CNN

Trong khi đó, tại Chile, các thợ mỏ vừa được cứu sống đã có những ngày cuối tuần bình yên đầu tiên sau hơn hai tháng bị kẹt dưới lòng đất sâu 700 mét. Đã có 32 trong số 33 thợ mỏ được ngủ đêm đầu tiên ở nhà mình, trong khi chỉ còn một người phải nằm lại viện Atacama do vấn đề về răng.

Cuối tuần, một buổi kỷ niệm đã được tổ chức ngay trên phố cho thợ mỏ lớn tuổi nhất Mario Gomez, 63 tuổi. Còn những người hàng xóm của Franklin Lobos, cựu cầu thủ bóng đá 55 tuổi, cũng dành cho Lobos một sự kiện tương tự.

Về phần mình, công dân Bolivia Carlos Mamani, 23 tuổi, thì vui vẻ bên một bữa tiệc của cả khu dân cư. Ariel Ticona sung sướng bên cạnh cô con gái Esperanze (có nghĩa là Hy vọng) vừa được sinh ra trong những ngày anh bị kẹt dưới lòng đất.

Jose Henriquez, người được coi như “thủ lĩnh tinh thần” của nhóm thợ mỏ, là người đầu tiên trong số 33 anh em trở lại mỏ San Jose để thăm “Trại Hy vọng”, nơi cha mẹ và bạn bè các anh đã mòn mỏi đợi chờ từ hồi tháng 8.

Hôm qua, một số thành viên khác trong nhóm “33” cũng đã trở lại khu mỏ tưởng như đã chôn vùi các anh dưới độ sâu 700 mét. Thợ mỏ Carlos Bugueno, 27 tuổi, thú nhận là đã sụt mất 12 kg trong thời gian chờ đợi được cứu sống.

Về tương lai của nhóm “33”, Juan Illanes mơ ước được tới Miami (Mỹ), trong khi Yonni Barrios lại đơn giản chỉ muốn nghỉ ngơi một thời gian để sau đó tiếp tục làm việc. “Vâng, tôi sẽ tiếp tục làm thợ mỏ”, Barrios nói.

Tuy nhiên, về câu chuyện sống sót thần kỳ của nhóm thợ mỏ, các anh quyết định chưa tiết lộ tất cả những gì đã xảy ra trước khi kết thúc cuộc điều tra về trách nhiệm của chủ mỏ trong vụ tai nạn.

Hiện Chính phủ Chile đang chuẩn bị một cuộc triển lãm lưu động với những đồ dùng mà những người thợ mỏ sử dụng dưới lòng đất cùng các thiết bị cứu hộ, chẳng hạn như chiếc lồng cứu hộ Phenix đã đưa cả nhóm “33” lên mặt đất thành công.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Chile Rodrigo Hinzpeter, một đài kỷ niệm cũng sẽ được dựng lên gần khu mỏ San Jose. Ngoài ra, trong thời gian tới Chile sẽ cải cách hệ thống đảm bảo an toàn, tăng gấp ngân sách tới 56 triệu USD và tăng gấp đôi số thanh sát viên cho ngành mỏ.

Quang Minh (Theo AFP, CNN, THX)