Trung Quốc đầu tư hơn 12 tỷ USD xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

(PLVN) - Máy phát điện thứ sáu của nhà máy điện hạt nhân Hongyanhe ở tỉnh Liêu Ninh - tổ máy cuối cùng của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Đông Bắc Trung Quốc - đã được kết nối thành công vào lưới điện hôm 2/5.
Tổ máy số 5 của Nhà máy điện hạt nhân Hongyanhe. Ảnh: CCTV

Đây là bước mở đường cho tổ máy này đi vào hoạt động thương mại theo kế hoạch trong năm 2022, Hongyanhe Nuclear Power cho biết.

Sau khi kết nối thành công vào lưới điện, tất cả các chỉ số chính liên kết với tổ máy thứ 6 đều bình thường và đạt tiêu chuẩn, đồng thời tổ máy cũng hoạt động khá tốt trong quá trình nối lưới và một loạt các thử nghiệm sẽ được thực hiện để tiếp tục chứng minh máy phát đủ điều kiện đưa vào vận hành thương mại.

Việc xây dựng tổ máy thứ năm và thứ sáu - giai đoạn hai của dự án nhà máy điện hạt nhân Hongyanhe - bắt đầu vào năm 2015 và tổ máy thứ năm đi vào sản xuất vào tháng 7/2021. Cả hai tổ máy đều áp dụng công nghệ ACPR 1000 bao gồm các tiến bộ kỹ thuật chính và các tính năng an toàn của máy phát điện hạt nhân thế hệ thứ ba.

Các máy phát điện của bốn tổ máy đầu tiên, hay giai đoạn đầu của nhà máy điện hạt nhân, đã được đưa vào hoạt động năm 2016. Hai giai đoạn của nhà máy điện hạt nhân đã nhận được hơn 80 tỷ nhân dân tệ (12,38 tỷ USD) đầu tư, khiến nó trở thành dự án đầu tư năng lượng lớn nhất ở Đông Bắc Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.

Tính đến cuối năm 2021, nhà máy điện Hongyanhe đã phát điện trên lưới 194,4 tỷ kilowatt giờ, không chỉ cung cấp lượng điện dồi dào cho cơ sở công nghiệp Đông Bắc Trung Quốc mà còn đóng vai trò tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu năng lượng trong khu vực. Lượng điện tạo ra tương đương với việc giảm tiêu thụ than 59,11 triệu tấn, giúp cắt giảm 163 triệu tấn khí thải carbon dioxide.

Đọc thêm