Trung Quốc điều tàu chiến tối tân tập trận với Nga

(PLO) - Một trong những tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc đang dẫn đầu một đội tàu nhỏ tới Biển Baltic để tham gia tập trận với Hải quân Nga. 
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp 052D của Trung Quốc
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp 052D của Trung Quốc

Theo CNN, Bộ Quốc phòng Nga và Trung Quốc đã xác nhận việc tàu khu trục tên lửa dẫn đường Hefei lớp 052D của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 21/7 và kéo dài 1 tuần ở Biển Baltic. Đây cũng là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc ở vùng biển thuộc châu Âu. Ngoài tàu Hefei, Trung Quốc còn điều 1 tàu khu trục tên lửa nhỏ và 1 tàu cung ứng tham gia tập trận cùng khoảng 10 tàu của Nga. Các hoạt động huấn luyện trong khuôn khổ cuộc tập trận bao gồm diễn tập chống tàu ngầm và phòng không. Các cơ sở của Hải quân Nga ở Kaliningrad – nằm giữa 2 đồng minh Ba Lan và Lithuania của NATO – được chọn làm trụ sở tập trận.

Để đến được Biển Baltic, các tàu của Trung Quốc đã vượt quãng đường lên đến gần 17.000 km. Trên đường đi, các tàu này trong tuần trước cũng đã tham gia các cuộc huấn luyện bắn đạn thật, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, việc 2 bên lựa chọn Biển Baltic làm nơi tập trận là có ý đồ bởi khu vực này vẫn đang là một trong những lý do gây căng thẳng giữa Nga với Mỹ và các đồng minh NATO của Washington. Do đó, sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở vùng biển này là nhằm phát đi thông điệp Trung Quốc muốn được xem ngang bằng với các cường quốc này. 

Trong tuyên bố về việc tập trận ở Biển Baltic, Trung Quốc nói rằng không nhằm vào bên thứ 3 nào. Nhưng tờ Global Times của nước này dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh nói rằng sự hiện diện của tàu chiến tối tân của Trung Quốc ở châu Âu là có mục đích. “Với việc điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường tối tân nhất tới đó, Trung Quốc muốn thể hiện sự chân thành với Nga, đồng thời cũng phát đi thông điệp mạnh mẽ tới các nước đang muốn gây hấn với chúng tôi”, ông Li được dẫn lời nói.

Các cuộc diễn tập với Nga diễn ra khi một đội tàu khác của Trung Quốc do tàu khu trục tên lửa dẫn đường Changchun dẫn đầu cũng đang ở Địa Trung Hải và gần đây nhất đã tham gia tập trận với Hải quân Italia. “Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai lực lượng hải quân trên phạm vi ngày càng rộng hơn để các nhân viên hải quân của họ có được những kinh nghiệm quan trọng về các hoạt động ở các vùng biển xa”, một phân tích của Công ty tình báo địa chính trị Stratfor nhận định.

Ông Magnus Nordenman - Phó Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế Brent Scowcroft thuộc Hội đồng Atlantic Council – thì cho rằng vai trò ngày càng tăng trong nền thương mại quốc tế đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ muốn có thể bảo vệ quyền tiếp cận các cảng biển ở phía bắc châu Âu. 

Ngoài ra, hải quân Trung Quốc cũng đang có một tháng bận rộn thực hiện nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn cầu. Trong tuần trước, Bắc Kinh đã điều các tàu và binh lính tới chính thức mở căn cứ quân sự của nước này ở Djibouti, thuộc khu vực Sừng châu Phi. Vừa mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng, căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động của các tàu chiến của nước này ở Ấn Độ Dương và trong các hành trình xa hơn.

Ông Yvonne Chiu, Trợ lý Giáo sư ở Khoa Chính trị tại Trường Đại học Hong Kong cho rằng, việc cho ra mắt tàu sân bay thứ 2, mở căn cứ ở nước ngoài và tập trận ở Biển Baltic là các nỗ lực của Trung Quốc để khẳng định vị thế của nước này. Bởi theo ông, một trong những dấu hiệu lớn của một siêu cường là năng lực hoạt động ở các vùng biển xa và Trung Quốc đang ở trong tình thế khó xử khi nước này tự coi mình là một siêu cường và nhiều nước khác cũng xem Trung Quốc là một siêu cường nhưng Bắc Kinh lại chưa thực sự có năng lực của một siêu cường.