Reuters dẫn tin từ hãng tin Tân Hoa xã cho biết, tháng 11/2018, He Jiankui – khi đó là Phó giáo sư của trường Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam tại Thâm Quyến – tuyên bố đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen có tên CRISPR-Cas9 để thay đổi gen của 2 bé gái sinh đôi nhằm bảo vệ các em bé khỏi bị nhiễm virus AIDS trong tương lai.
Vụ việc đã dấy lên những tranh cãi gay gắt ở cả Trung Quốc và trên thế giới về tính đạo đức của công trình nghiên cứu này.
Tại phiên tòa ngày 30/12, tòa án Trung Quốc cáo buộc He Jiankui và các cộng sự đã giả mạo các tài liệu đánh giá đạo đức và chiêu mộ những người đàn ông bị AIDS để thực hiện việc chỉnh sửa gen.
Các thí nghiệm của ông ta cuối cùng đã dẫn đến việc 2 người phụ nữ sinh ra 3 đứa trẻ bị chỉnh sửa gen.
Cùng với He Jiankui, Tòa án Trung Quốc cũng đã tuyên những bản án nhẹ hơn đối với 2 người tên Zhang Renli và Qin Jinzhou - là những người làm việc tại 2 cơ sở y tế giấu tên, vì đã tham gia công trình của He.
“Ba bị cáo không có chứng nhận phù hợp để hành nghề y, và vì muốn tạo danh tiếng và sự giàu có, đã cố tình vi phạm các quy định về nghiên cứu khoa học và điều trị y tế. Họ đã vượt qua điểm mấu chốt của đạo đức trong nghiên cứu khoa học và y đức”, phán quyết của tòa án Trung Quốc nhấn mạnh.