Trung Quốc: Khuyến khích phụ nữ ở quê lấy chồng giúp “đàn ông thoát ế”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để khắc phục tình trạng khó khăn trong việc lấy vợ của những đàn ông quá lứa ở vùng nông thôn, một địa phương ở Trung Quốc (huyện Tương Âm, tỉnh Hồ Nam) đã đề ra chủ trương “khuyến khích phụ nữ trẻ nông thôn ở lại quê lấy chồng”. Chủ trương này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiến dịch “sưởi ấm giường” gây tranh cãi

Mới đây, trên trang web của huyện Tương Âm đăng tải một nội dung về Chiến dịch “sưởi ấm giường” như sau: Hiện nay, vấn đề thanh niên nông thôn lớn tuổi không lấy được vợ đã trở nên phổ biến và nổi cộm, trở thành một vấn đề ảnh hưởng đến ổn định xã hội nông thôn, hạn chế phát triển kinh tế nông thôn. Điều này đã trở thành một vấn đề lớn ngày càng ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội hài hòa.

Chiến dịch “sưởi ấm giường” là hướng tới vận động phụ nữ không bỏ quê lên thành phố làm ăn, đơn giản hóa thủ tục pháp lý để họ ở lại, tăng cường mai mối và cải thiện cơ hội việc làm, tiền lương ở địa phương.

“Phụ nữ nông thôn phải được giáo dục yêu quê hương, xây dựng quê hương. Phụ nữ không cần quá chú trọng đến sự nghiệp và đàn ông độc thân “quá tuổi” cần 1 người ở bên “chăm sóc”. Cần khuyến khích họ ở lại và thay đổi quê hương để giảm tỷ lệ mất cân bằng nam nữ”, trích thông báo đăng trên trang web của huyện ủy Tương Âm.

Ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, nhiều người đã tranh luận và bày tỏ quan điểm phản đối. Nhiều người cho rằng cách diễn đạt như vậy có phần không hợp lý, thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với phụ nữ và phân biệt đối xử với nữ giới.

Có ý kiến cho rằng nó mang tính xúc phạm, vi phạm quyền tự do của phụ nữ. “Chúng tôi không phải được học hành để về quê phục vụ bố mẹ chồng", một phụ nữ viết trên Weibo. “Tôi cho rằng những phụ nữ vẫn còn sống ở nông thôn sẽ bỏ đi ngay lập tức khi nghe thấy đề xuất này", một người bày tỏ.

Hay theo một độc giả khác bình luận, "Dù là đàn ông, phụ nữ, già hay trẻ đều không nên bị coi là công cụ 'làm ấm giường' của ai cả. Vấn đề hôn nhân gia đình tại nông thôn Trung Quốc đang bị chủ nghĩa thực dụng cực đoan hóa, vô hình trung tình cảm không được bền lâu, cả 2 không trân trọng nhau và biến đối phương thành công cụ, làm cho mối quan hệ trở nên cứng nhắc”.

Một ý kiến khác nữa lại nhận xét nếu chính quyền quá lo lắng về “chiếc giường lạnh” thì việc lắp đặt bình nước nóng xem ra khả thi hơn so với việc áp đặt quy định cho phụ nữ.

Còn theo Sixth Tone, chính quyền huyện Tương Âm, tỉnh Hồ Nam đang nhìn nhận vấn đề hôn nhân tại địa phương một cách đầy định kiến. Không quan trọng giới tính hay độ tuổi, con người không phải là công cụ phục vụ các mục tiêu chính sách. Phụ nữ không phải là người "giữ ấm giường" và nếu các nhà hoạch định chính sách xem xét vấn đề hôn nhân nông thôn qua lăng kính gia trưởng, thực dụng thay vì quan điểm của cả hai giới, họ sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Nhức nhối vấn nạn độc thân ở nông thôn

Trong khi đó, “vấn nạn độc thân” ở nông thôn là một vấn đề nhức nhối tại Trung Quốc, nhưng giải pháp dứt điểm không phải là khuyến khích kết hôn và sinh con cho xong chuyện. Tự do kết hôn là quyền cơ bản được pháp luật trao cho công dân. Liệu việc khuyến khích phụ nữ trẻ nông thôn ở lại quê nhằm mục đích cố gắng giảm tỷ lệ mất cân đối giữa nam và nữ ở nông thôn thì có bị cho là can thiệp vào quyền tự do hôn nhân không?

Đáp lại câu hỏi này, nhân viên công tác của Cục Nội vụ huyện Tương Âm trả lời rằng, “Ý kiến phản hồi nói trên không phải “coi phụ nữ là hàng hóa” hay phân biệt đối xử với phụ nữ, mà chỉ nhằm đề xướng và khuyến khích, chứ không ép buộc phụ nữ trẻ nông thôn ở lại nông thôn quê hương”.

Ông này nói: “Trong văn bản trả lời, chúng tôi đề cập đến 4 mặt công tác, gồm: Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền dẫn dắt, thay đổi phong tục tập quán cũ; Thứ hai, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi về hộ khẩu; Thứ ba, lập ra các nền tảng làm quen, tạo ra cơ hội giao tiếp; Thứ tư, tạo nhiều việc làm, giúp nâng cao thu nhập. Ví dụ, về điểm thứ nhất (tăng cường tuyên truyền dẫn dắt, thay đổi phong tục tập quán), chúng tôi chỉ có thể đề xướng hoặc khuyến khích phụ nữ trẻ ở lại quê, cũng là đóng góp cho quê hương”.

Đồng thời, một số cư dân mạng kiến nghị có thể đề xướng các đàn ông quá lứa “ra ngoài tự đi tìm nửa bên kia”. Về vấn đề này, nhân viên công tác cho rằng: “Nếu tất cả đều đến các đô thị lớn thì làm sao xây dựng các quận huyện nhỏ được? Tất cả đều tập trung về các thành phố lớn thì phải quản lý dân cư như thế nào? Xây dựng quê hương là trách nhiệm của mỗi người dân”.

Theo trang Jiupai News, Ngô Tương, một vị Ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị huyện Tương Âm, người đưa ra chủ trương nói trên, là một doanh nhân. Ngô Tương nói rằng sau một vài năm nữa, vấn đề chăm sóc người cao tuổi cho những người đàn ông không lập gia đình sẽ “mang lại gánh nặng cho đất nước”. Chính vì vậy, ông đã đưa ra kiến nghị như trên.

Về quan điểm của Ngô Tương, nhân viên công tác Cục Nội vụ huyện Tương Âm nói trên cũng bày tỏ đồng tình. Theo quan điểm của ông, đây là một biện pháp phòng ngừa. "Số lượng đàn ông lớn tuổi không thể lấy được vợ đang tăng lên. Ông Ngô Tương đã xem xét kỹ lưỡng và đưa ra đề xuất này. Nuôi dưỡng người cao tuổi hiện đang là chủ đề lớn nhất. Hiện nay, mô hình dưỡng lão của chúng ta là “gia đình dưỡng lão”, con cái nuôi dưỡng cha mẹ. Đất nước đã ban hành chính sách sinh con thứ ba rồi; nếu không kết hôn thì làm sao dưỡng lão được?”.

Đây không phải lần đầu tiên chính quyền ở Trung Quốc đưa ra những quy định gây tranh cãi nhằm giải quyết khó khăn về kết hôn của thanh niên vùng nông thôn.

Hồi tháng 2, Wu Xiuming, Phó Giám đốc Hiệp hội Phát triển Think Tank Sơn Tây thuộc Học viện Khoa học Xã hội, gây “bão mạng” khi khuyến khích phụ nữ độc thân lớn tuổi ở thành thị kết hôn với đàn ông nông thôn. “Về lâu dài, đây là giải pháp hiệu quả nhất để thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và các khu vực khác”, ông Wu nhận định.

Tuy nhiên, ý tưởng ghép đôi phụ nữ thành thị với nam giới nông thôn do Wu Xiuming đề xuất ngay sau đó cũng nhận về làn sóng phản đối gay gắt từ dư luận Trung Quốc. “Chúng ta nên ngừng kỳ thị những người độc thân. Sau cùng, hôn nhân là sự lựa chọn, không phải điều bắt buộc”, Ban Tao, giảng viên Xã hội học và Khoa học Chính trị tại Đại học An Huy, nói với Sixth Tone.

Từ Luật Hôn nhân đến Bộ luật Dân sự Trung Quốc đều bày tỏ nam nữ bình đẳng và có quyền tự do kết hôn (bao gồm cả tự do kết hôn và tự do không kết hôn) là những quyền công dân được luật pháp Trung Quốc bảo vệ. Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những vấn đề thực tế như tỷ lệ sinh giảm, mức độ sẵn sàng kết hôn và nhu cầu yêu đương của nhóm dân số trong độ tuổi thanh niên thấp. Trong khi đó, tàn dư của nhiều tư tưởng phong kiến, ví dụ như phụ nữ phải gánh vác công việc gia đình, trách nhiệm nuôi dạy con cái… vẫn đang tạo nên những làn sóng khiến phái nữ lạc lõng trong chính cuộc hôn nhân của mình.

Trong cuộc khảo sát về hôn nhân và tình yêu do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống lý luận Trung Quốc thực hiện, 43,92% phụ nữ cho biết họ "chưa muốn kết hôn" và "không chắc sẽ kết hôn", nhiều hơn 19,29% so với nam giới. Báo cáo nghiên cứu cho thấy lý do không muốn kết hôn bao gồm lo lắng về cuộc sống hậu hôn nhân và ảnh hưởng từ nhiều quan điểm cổ hủ trong việc lựa chọn bạn đời.

Đọc thêm