Trung Quốc lắp đặt 'tháp ăn khói bụi' để xử lý ô nhiễm môi trường

(PLO) - Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đang đặt hàng một kỹ sư người Hà Lan chế tạo và lắp đặt những tháp lọc không khí có tên tháp không khói hay còn được gọi nôm na là “tháp ăn khói bụi” với hy vọng sản phẩm này có thể giúp họ hạn chế được tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng trên cả nước.
Tháp không khói bụi tại Bắc Kinh. Ảnh: CNN
Tháp không khói bụi tại Bắc Kinh. Ảnh: CNN

Theo một nghiên cứu được tạp chí Nature công bố hồi năm ngoái, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21, là nguyên nhân dẫn tới 3 triệu trường hợp tử vong sớm mỗi năm. Con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong năm 2050.

Trong đó, Trung Quốc – một trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới – chính là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất, là nước có bầu không khí chết chóc nhất thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với người Trung Quốc, thông tin này đã chẳng còn là điều gì mới mẻ bởi ô nhiễm không khí đã ăn sâu vào đời sống hàng ngày của người dân ở đây, đến mức những chiếc khẩu trang có hoa văn sặc sỡ đã trở thành phụ kiện không thể thiếu của những người trẻ ở đô thị để bảo vệ sức khỏe của họ.

Hai năm trước, nhà thiết kế có trụ sở ở Bắc Kinh Masha Ma đã thu hút sự chú ý khi đưa những chiếc khẩu trang đính pha lê Swarovski ra sàn diễn tại Paris trước khi giới thiệu mặt hàng này với người dân địa phương thông qua hình thức bán hàng trực tuyến. Và đến nay, một phát minh mới đã bắt đầu được áp dụng: tại các trường quốc tế ở Bắc Kinh, các sinh viên đang dạo chơi bên những chiếc vòm có giá trị lên đến hàng triệu USD đóng vai trò như những chiếc máy lọc không khí. 

Những chiếc vòm này là sản phẩm của kỹ sư người Hà Lan Daan Roosegaarde, có tên gọi Tháp không bụi. Đây là một cấu trúc có chiều cao 7m, là sự kết hợp giữa yếu tố thiết kế đẹp và công nghệ tiên tiến. Tháp này về cơ bản là một máy lọc không khí khổng lồ, là sản phẩm của sự hợp tác giữa ông Roosegaarde, trường Đại học công nghệ Delft và Giải pháp Nano châu Âu – một công ty công nghệ xanh ở Hà Lan. 

Theo diễn giải của ông Roosegaarde, bằng cách sử dụng công nghệ ion, tháp này đẩy các ion dương vào không khí để hút các hạt ô nhiễm vào bên trong tháp. Sau khi các hạt này bị hút vào bên trong, các hạt này sẽ bị dính vào một bề mặt mang điện tích âm. Những lỗ thông khí ở phần dưới của tháp sau đó sẽ thải không khí sạch ra môi trường, tạo thành một bóng không khói bụi xung quanh Tháp. “Tháp này có thể làm sạch 30.000m3 khí mỗi giờ” – ông Roosegarde cho hay và cho biết quá trình hoạt động của tháp cải thiện 75% không khí ở xung quanh tháp trong khi chỉ tiêu tốn khoảng 1.400W, tương đương với lượng tiêu thụ điện của một ấm đun nước.

Ông Roosegaarde hiện nhận được sự ủng hộ của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc. Bộ này đã đề nghị ông dựng thêm nhiều tháp như vậy nữa trên khắp Trung Quốc với mong muốn thúc đẩy thêm các nỗ lực để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở Trung Quốc theo bản Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 đã được nước này công bố hồi tháng 3 vừa qua. Cho đến nay, sau Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc đã lập kế hoạch xây dựng thêm các tháp lọc không khí ở ít nhất 4 địa phương khác. 

Tuy nhiên, ông Roosegaarde cũng thừa nhận đây không phải là giải pháp vĩnh viễn cho vấn đề mà Bắc Kinh đang phải đối mặt. “Kể từ khi chúng tôi lắp đặt ở Bắc Kinh, mỗi ngày cây tháp đã hút được lượng khói bụi tương đương lượng khói bụi hút vào trong 2 tuần ở Hà Lan” – ông cho hay.

Kỹ sư này cho rằng vấn đề ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh nói chung và ở khắp thế giới nói riêng không phải là vấn đề có thể xử lý được trong một sớm một chiều hay chỉ với 1 cái tháp lọc không khí. “Chúng ta cần phải có nỗ lực giải quyết tận gốc vấn đề, trong đó cả người dân và các chính phủ phải tích cực làm việc để hướng tới sự thay đổi” – ông nói và cho biết ông nghĩ rằng sản phẩm tháp lọc không khí của ông chỉ là sự khởi đầu cho những nỗ lực mà ông và các cộng sự mong muốn.  

Đọc thêm