Trung Quốc lên án chính sách hạt nhân mới của Mỹ

(PLO) - Trung Quốc ngày 4/2 thúc giục Mỹ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và không hiểu sai các hoạt động xây dựng quân sự của Bắc Kinh. Động thái của Trung Quốc diễn ra sau khi Washington hôm 2/2 công bố các kế hoạch nhằm nâng cao năng lực hạt nhân của nước này.
Phó chủ tịch Hội đồng Tham Mưu trưởng liên quân Paul Selva chuẩn bị báo cáo về chiến lược hạt nhân của Mỹ
Phó chủ tịch Hội đồng Tham Mưu trưởng liên quân Paul Selva chuẩn bị báo cáo về chiến lược hạt nhân của Mỹ

Theo AFP, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 2/2 đã công bố Báo cáo đánh giá hạt nhân dày 74 trang vạch ra những tham vọng hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng như đưa ra các dự đoán của Lầu Năm Góc về những mối đe dọa hạt nhân đối với nước này trong vài thập kỷ tới đây. Dù đánh giá phần lớn tập trung vào Nga nhưng vẫn có một phần cho rằng Trung Quốc thiếu minh bạch trong hoạt động xây dựng lực lượng hạt nhân. 

Theo đó, báo cáo cho rằng Trung Quốc đã bổ sung thêm một số khí tài hạt nhân mới, từ tên lửa đạn đạo liên lục địa tới một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới nhưng không minh bạch về các ý đồ của nước này. Theo Reuters, trong tuyên bố được đưa ra ngày 4/2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng hòa bình và phát triển là các xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. “Mỹ, nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, nên chủ động theo đuổi xu thế này thay vì đi ngược lại”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói. 

Vẫn trong tuyên  bố, Trung Quốc cáo buộc Mỹ “võ đoán” về các ý đồ của Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc luôn có thái độ kiềm chế trong việc phát triển vũ khí hạt nhân cũng như giữ lực lượng hạt nhân của nước này ở mức tối thiểu. “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh của nước này, nghiêm túc thực hiện trách nhiệm giải trừ vũ khí đặc biệt của mình, có cái nhìn đúng đắn về các ý đồ chiến lược của Trung Quốc và xem xét một cách khách quan về quốc phòng và hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc”, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc hiện có khoảng 270 đầu đạn hạt nhân, ít hơn nhiều so với con số 6.800 đầu đạn của Mỹ. Do đó, việc nâng cấp kho hạt nhân của Trung Quốc ít bị chú ý hơn. 

AP cho hay, báo cáo cũng khiến Nga tức giận khi nhấn mạnh tới học thuyết “leo thang để giảm leo thang” của Nga – học thuyết cho rằng Moscow có thể sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân có hiệu suất nhỏ trong một cuộc xung đột ở châu Âu để buộc Mỹ và NATO lùi bước – và đề xuất một giải pháp 2 bước. Trong đó, bước đầu tiên là cải tiến một lượng nhỏ các tên lửa đạn đạo tầm xa hiện có trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trident để các tên lửa này có thể mang các đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn. Còn bước thứ 2, trong dài hạn, chính quyền Mỹ đề xuất phát triển một tên lửa hành trình mang vũ khí hạt nhân phóng từ biển – một vũ khí từng tồn tại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng đã được chính quyền của ông Obama dừng sử dụng vào năm 2011. 

Mỹ cảnh cáo Nga “cần hiểu rõ rằng họ sẽ phải chịu cái giá tàn khốc khó chấp nhận nếu đe dọa tiến hành dù chỉ là một vụ tấn công hạt nhân hạn chế ở châu Âu. Reuters cho rằng báo cáo này đã dấy lên những lo ngại về khả năng làm gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm giữa Nga và Mỹ. Trước đó, trong chiến lược quốc phòng mới được công bố, quân đội Mỹ cũng đã xem Trung Quốc và Nga là những cường quốc xét lại.

Ngoài Trung Quốc, Nga và một số nước cũng đã lên tiếng phản đối chính sách hạt nhân mới của Mỹ. Trong đó, phía Nga ngày 3/2 cảnh báo sẽ có các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh của nước này. 

Đọc thêm