Trung Quốc muốn lập tòa quốc tế giải quyết tranh chấp liên quan “Vành đai, Con đường”

(PLO) - Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập hai tòa án quốc tế để giải quyết những tranh chấp về đầu tư và kinh doanh liên quan đến dự án “Vành đai, Con đường” do nước này khởi xướng.
Biểu đồ phạm vi sáng kiến “Vành đai, Con đường” do Trung Quốc đề xuất.
Biểu đồ phạm vi sáng kiến “Vành đai, Con đường” do Trung Quốc đề xuất.

Truyền thông Trung Quốc gần đây dẫn một thông báo của Quốc vụ viện nước này cho biết, Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc sẽ thành lập tòa án thương mại quốc tế đầu tiên ở thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh ven biển Quảng Đông nhằm xử lý các tranh chấp liên quan đến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Tòa án quốc tế thứ hai trong khi đó dự kiến sẽ được thành lập ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây với thẩm quyền xử lý các vụ việc liên quan đến “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa”. Theo các chuyên gia, các tòa án này sẽ là những cơ quan tư pháp quốc tế được thành lập theo quy định và luật pháp quốc tế, có sự tham gia của các chuyên gia luật có hiểu biết và tên tuổi người nước ngoài. 

Theo Tân Hoa xã, kế hoạch thiết lập cơ chế để giải quyết các tranh chấp pháp lý về thương mại và đầu tư nói trên đã được thông qua tại cuộc họp thứ hai của Nhóm làm việc về cải cách toàn diện sâu sắc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra hồi tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, kế hoạch thành lập hai tòa án này đã dấy lên những nghi vấn và quan ngại từ các chuyên gia cũng như những người làm kinh doanh ở phương Tây. “Các cơ quan tư pháp này chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nên sẽ gây ra những quan ngại chính đáng về tính khách quan của nó”, ông Hugo Brennan - một nhà phân tích của Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft – cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.

Ông Lưu Chí Cầm - một học giả cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc - được tờ Global Times dẫn lời khẳng định phía Trung Quốc hiểu những quan ngại của phương Tây. “Trước khi Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được thành lập cũng đã có nhiều nghi vấn và quan ngại từ thế giới bên ngoài nhưng giờ đây AIIB đang hoạt động khá tốt. Trung Quốc cần phải kiên nhẫn giải thích và công bố các chính sách và ý tưởng về các tòa án này, đồng thời giải đáp những nghi vấn có liên quan”, ông Lưu Chí Cầm nói. Theo ông này, các tòa án thương mại quốc tế mà Trung Quốc đang có kế hoạch thành lập tương tự như các cơ quan tư pháp quốc tế và sẽ không trực thuộc Tòa án nhân dân Tối cao Trung Quốc – cơ quan vốn chỉ có người Trung Quốc. “Cũng tương tự AIIB, các tòa án này sẽ bao gồm những chuyên gia luật và những nhà chuyên môn để đảm bảo tính minh bạch, chính đáng và công bằng của nó”, ông Lưu nói thêm.

Ông Bạch Minh - một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Học viện Thương mại và Hợp tác Kinh tế Quốc tế của Trung Quốc – cho rằng, một cơ quan phân xử quốc tế cần phải có được sự tôn trọng và thừa nhận của cộng đồng quốc tế nếu không thì nó sẽ trở thành vô dụng. “Các tòa án mà Trung Quốc dự định thành lập không phải là cơ quan của Trung Quốc mà là các tổ chức quốc tế do Trung Quốc đề xuất thành lập. Các cơ quan đó sẽ hoạt động độc lập”, ông Bạch khẳng định. Hãng tin Tân Hoa xã cũng khẳng định các tòa án thương mại quốc tế mà Trung Quốc đang đề xuất thành lập sẽ tuân theo một số nguyên tắc cơ bản, trong đó có hợp tác cùng phát triển, cơ chế chia sẻ và giải quyết các tranh chấp một cách công bằng, hiệu quả và thuận tiện.

Theo ông Tương Quân Vịnh - một chuyên gia về Sáng kiến “Vành đai, Con đường” ở Bắc Kinh, thời gian qua, một số công ty Trung Quốc đầu tư hay làm ăn ở một số khu vực trên thế giới như Trung Á và châu Phi đã gặp phải những tranh chấp. Theo các công ty Trung Quốc, hệ thống pháp lý ở những nước đó không hiện đại cho lắm nên cần có các tòa án thương mại quốc tế để giải quyết các tranh chấp. Ông Tương cũng khẳng định rằng các tòa án quốc tế ở Trung Quốc sẽ được thành lập để cải thiện tính minh bạch, cung cấp những hỗ trợ về mặt pháp lý chuyên nghiệp hơn cho các hoạt động kinh tế liên quan đến sáng kiến “Vành đai, Con đường” mà Trung Quốc đang thúc đẩy./.

Đọc thêm