Được biết, opioid là một loại thuốc giảm đau có tiền chất ma túy. Thuốc opioid là nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, bao gồm cả morphine. Các opioid khác là các loại thuốc bán tổng hợp và tổng hợp như hydrocodone, oxycodone và fentanyl. Trong số các loại giảm đau, không giống heroin và các loại thuốc kê đơn giảm đau có hình thù to và khá nặng, fentanyl có tính gây nghiện gấp 50-100 lần morphine.
Mỹ nên giảm nhu cầu opioid
Theo CNN dẫn lời ông Vu Hải Bân, quan chức cấp cao thuộc Cục Kiểm soát ma túy của Bộ Công an Trung Quốc, “Mỹ nên hành động để giảm nhu cầu sử dụng opioid lớn ở nước này. Thách thức lớn nhất hiện nay mà Trung Quốc phải đối mặt là ngăn chặn nạn buôn lậu opioid do nhu cầu lớn từ Mỹ. Chính phủ Mỹ nên mở rộng các chiến dịch giáo dục và tuyên truyền để giảm nhu cầu sử dụng trong nước, tăng cường đàn áp bắt giữ tội phạm ma túy”.
Ông Vu cũng cho biết, hiện rất nhiều bang của nước Mỹ đã hợp pháp hóa việc sử dụng nhóm thuốc này trong y tế và thậm chí là trong giải trí, từ đó dẫn tới việc nước này có nhu cầu cao về sử dụng thuốc opioid. “Tôi nghĩ rằng xu hướng này đã tác động tiêu cực trong nhận thức của người dân về tâm lý công nhận sử dụng loại thuốc này”, ông Vu nói.
Theo báo cáo của Ủy ban đánh giá về Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ hồi tháng 2/2017, Trung Quốc là nguồn cung cấp chính về fentanyl - một loại opioid rẻ hơn ít nhất 50 lần so với heroin - vào Mỹ. Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách để ngăn những chất thuộc opioid từ Trung Quốc tuồn vào Mỹ và hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác về chống ma túy.
Mặc dù phía Trung Quốc đồng ý hợp tác phòng chống ma túy, nhưng Trung Quốc luôn phản đối cáo buộc nước này là nguồn cung cấp thuốc vào Mỹ. Vào tháng 11, ông Ngụy Hiểu Quân - Phó tổng thư ký Ủy ban Chống ma túy quốc gia -cho biết, nước này không phủ nhận một số lượng fentanyl sản xuất ở Trung Quốc đã bị đưa sang Mỹ, nhưng không hề có bằng chứng cho thấy Trung Quốc là nguồn cung cấp chính chất này.
Khủng hoảng sức khỏe cộng đồng
Được biết, kể từ năm 1999, số người Mỹ tử vong vì lạm dụng thuốc nhóm opioid đã tăng 4 lần. Trong giai đoạn 2000-2015, hơn 500.000 người tử vong vì dùng thuốc quá liều, trong đó phần lớn liên quan đến thuốc nhóm opioid. Thêm nữa, theo số liệu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ đưa ra, khoảng 64.000 người đã chết vì dùng thuốc quá liều. Và việc lạm dụng thuốc giảm đau có thể khiến Mỹ tiêu tốn 78,5 tỷ USD mỗi năm.
Ở Mỹ, dễ dàng mua bán, dễ dàng sử dụng khiến việc lạm dụng thuốc giảm đau đã vô tình kéo theo những hậu quả khôn lường. Trong đó bài phát biểu ban bố trình trạng khẩn cấp ông Trump nói: “Sử dụng thuốc quá liều là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những cái chết không mong muốn ở Mỹ. Ngày càng có nhiều người chết do sử dụng thuốc quá liều, còn nhiều hơn cả những vụ xả súng và tai nạn giao thông cộng lại. Nước Mỹ cho đến nay vẫn là quốc gia tiêu thụ thuốc, trong đó có nhóm opioid, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.”
Tuyên chiến
Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố về cuộc khủng hoảng opioid là tình trạng khẩn cấp quốc gia về sức khỏe cộng đồng. Đồng thời cho phép các cơ quan chức năng có thêm nguồn lực và quyền hạn để chống lại “đại dịch” này.
Thêm nữa, ông Trump yêu cầu Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ lập tức thu hồi trên thị trường một loạt thuốc giảm đau có nguy cơ đặc biệt cao. Những cá nhân và công ty buôn bán các loại thuốc giảm đau gây nghiện cho người dân Mỹ sẽ sớm phải đối mặt với các “vụ kiện lớn”. Bộ Tư pháp Mỹ vào tháng 10 vừa qua đã buộc tội hai đối tượng buôn ma túy người Trung Quốc bán những sản phẩm làm từ fentanyl cũng như các chất gây nghiện cao cho công dân Mỹ qua mạng internet.
Giới chức Bắc Kinh thời gian qua cũng đã có những biện pháp trấn áp việc sản xuất fentanyl. Nước này đã đưa fentanyl và những hợp chất có liên quan vào danh sách các chất bị kiểm soát. Mới đây nhất nước này cũng đã tiến hành bắt giữ 19 nghi phạm trên khắp Trung Quốc, tịch thu được 4,7kg fentanyl và hơn 150 kg dược phẩm. Ngoài ra, để giải quyết mối lo ngại về vấn đề bán các loại thuốc opodid có nguồn gốc Trung Quốc tràn lan trên mạng, Chính phủ Trung Quốc cũng đã tăng cường tuần tra internet cũng như quản lý chặt chẽ khâu đăng ký, đăng kiểm với những gói hàng đưa ra nước ngoài.