Trung Quốc nguy cơ đối mặt vụ kiện mới từ Ai Cập

(PLO) - Nguy cơ một vụ kiện tiếp theo của phía Ai Cập là điều thực tế. Số phận pho tượng ở Trừ Châu cũng khó tránh khỏi như phiên bản ở Thạch Gia Trang…
Nguyên bản (phải) và bản nhái ở Trung Quốc (trái)
Nguyên bản (phải) và bản nhái ở Trung Quốc (trái)

Theo báo chí Trung Quốc ngày 5/4, phiên bản nhái bức tượng Nhân Sư nổi tiếng của Ai Cập với tỷ lệ 1:1 được dựng lên tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc sau một thời gian dài tồn tại trong sự tranh cãi gay gắt, cuối cùng đã được dỡ bỏ.

Tượng Nhân Sư lớn ở Giza (The Terrifying One), thường được biết đến với tên gọi tượng Nhân Sư, là một bức tượng làm bằng đá vôi hình một con nhân sư (một sinh vật truyền thuyết với thân sư tử và đầu người) trong tư thế phủ phục nằm ở cao nguyên Giza, trên tả ngạn sông Nile tại Giza, Ai Cập.

Đây là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới, dài 73,5 mét và cao 20,22 m và là một trong những tác phẩm điêu khắc nguyên khối lâu đời nhất. Bức tượng được cho là do người Ai Cập cổ đại ở thời kỳ Cựu vương quốc xây dựng, dưới triều đại của Pharaon Khafra (2558–2532 trước Công nguyên).

Làm “nhái” không xin phép

Bức tượng được cho là “nhái” tác phẩm nghệ thuật Ai Cập cổ đại ở Thạch Gia Trang được bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2014, cao khoảng 20m, dài 60m, gần bằng kích cỡ nguyên bản tại Ai Cập. Mọi dấu vết hư hại như chiếc mũi bị hư hại cách đây hơn 100 năm cũng được mô phỏng lại.

Phiên bản tượng Nhân Sư ở Trừ Châu, An Huy

Phiên bản tượng Nhân Sư ở Trừ Châu, An Huy

Việc Trung Quốc xây dựng bản sao pho tượng này không xin phép đã vấp phải sự phản đối của chính phủ Ai Cập. Họ đã chính thức gửi văn bản khiếu nại lên Tổ chức Khoa học, văn hóa giáo dục LHQ (UNESCO).
Trước dịp tết năm nay, việc dỡ bỏ nó đã được bắt đầu, nhưng tiến độ rất chậm, chính phủ Ai Cập tiếp tục khiếu nại lên UNESCO. Ngày 4/4, phần đầu pho tượng đã được tách ra khỏi thân. Do kích cỡ quá lớn nên để dỡ bỏ đầu bức tượng, người ta đã phải huy động 3 cần cẩu lớn cùng hoạt động mới hoàn tất được công việc.
Phần đầu bức tượng đã dỡ bỏ

Phần đầu bức tượng đã dỡ bỏ

Báo chí Trung Quốc cho biết, sở dĩ pho tượng gây nên tranh cãi là bởi: Theo Công ước LHQ năm 1972 về bảo hộ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới mà Trung Quốc là một nước đã tham gia, ký kết thì việc phục chế tác phẩm này khi chưa được phép của nước chủ nhà là hành vi vi phạm công ước quốc tế, chính vì vậy, tháng 5/2014 chính phủ Ai Cập đã gửi văn bản khiếu nại tới LHQ.

Vi phạm và ngụy biện

Trước việc phục chế bức tượng biến thành sự cố về ngoại giao giữa hai quốc gia, người phụ trách căn cứ phim ảnh Trường Thành Thạch Gia Trang – nơi xây dựng tượng Nhân Sư đã lên tiếng cho rằng: “Kiến trúc này không phải là nhái lại một cách ác ý kiến trúc cổ nổi tiếng của Ai Cập, mà chỉ là bối cảnh tạm thời dựng lên để quay phim, chỉ sử dụng 1 lần, làm phim xong chúng tôi sẽ phá dỡ, không sử dụng vào mục đích khác và cũng không thu phí đối với người đến tham quan. Chúng tôi tôn trọng di sản văn hóa thế giới và cũng bày tỏ xin lỗi về những sự hiểu lầm”.

Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng: có lẽ bức tượng Nhân Sư ở Thạch Gia Trang bị khiếu kiện bởi nó được xây dựng với tỷ lệ 1:1 so với nguyên mẫu. Hiện ở Trung Quốc  có nhiều danh thắng như Công viên thế giới Bắc Kinh, Cửa sổ thế giới, Trung Hoa cẩm tú ở Thâm Quyến, Thế giới Đại quan Quảng Châu…đều không bị khiếu kiện kiểu này do các kiến trúc đều được mô phỏng với tỷ lệ thu nhỏ.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc đã chỉ ra rằng, bức tượng nhái khổng lồ này có cửa, phía bên trong là một cung điện xa hoa kết cấu 2 tầng, đã được sử dụng liên tục vào mục đích kinh doanh. Ông Ali Asifaer, người đứng đầu ngành khảo cố Ai Cập cũng từng lên tiếng đáp trả lời biện bạch của cơ quan liên quan Trung Quốc: Nếu phía Trung Quốc xây dựng bản sao bức tượng để quay phim thì theo công ước quốc tế, họ vẫn phải thông báo, xin phép phía Ai Cập.

Phần đầu và thân bức tượng
Phần đầu và thân bức tượng

Khác với quan điểm nhìn nhận của phía Trung Quốc, ông Ali cho rằng việc xử lý các chi tiết của bản nhái bức tượng không tốt nên nó khác biệt khá lớn so với nguyên bản, một tác phẩm như thế sẽ ảnh hưởng đến sự hiểu biết của du khách tham quan đối với các tác phẩm Ai Cập cổ đại, cũng trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của ngành sản xuất phim ảnh và du lịch của Ai Cập. Cơ quan quản lý cổ vật Ai Cập cho biết, họ đã làm việc với phía Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc bồi thường và tự dỡ bỏ. Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc 

Tiến sĩ Lưu Tư Mẫn, Phó Hội trưởng phân hội du lịch Viện nghiên cứu tương lai Trung Quốc nói: Có 2 công ước quốc tế bảo hộ di sản văn hóa là Công ước bảo hộ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới của UNESCO năm 1972 và Công ước bảo hộ di sản văn hóa phi vật thể 2003. Ông cho rằng, Công ước 1972 chú trọng đến bảo vệ di sản văn hóa có tính vật chất khỏi bị phá hoại, nhưng không có quy định về bản quyền tri thức.

Theo luật quốc tế và tập quán quốc tế hiện nay, tượng Nhân Sư của Ai Cập rất khó được bảo hộ về bản quyền; tác quyền của nó cũng đã vượt quá thời hạn bảo hộ là 50 năm. Còn việc phục chế, sao chép các tác phẩm kiến trúc hiện đại được bảo hộ bản quyền ngày nay rất khó tránh khỏi bị chế tài về pháp luật.

Tiến sỹ Lưu Tư Mẫn cho rằng, các kiến trúc thu nhỏ như ở Công viên Thế giới Bắc Kinh thì không có liên quan. Chỉ những tác phẩm sao chép cùng tỷ lệ mới bị coi là không tôn trọng văn hóa, ảnh hưởng nhất định đến quốc gia sở hữu công trình nguyên bản.

Chưa hết… kiện

Ngoài bức tượng Nhân Sư ở Thạch Gia Trang đang được tháo dỡ, theo báo điện tử The Paper tại “Vườn bác lãm di sản văn hóa thế giới” ở thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy cũng có một bức tượng Nhân Sư nhái nguyên mẫu của Ai Cập được xây dựng với tỷ lệ 1:1. Phía đối diện bức tượng một Kim Tự Tháp cũng đang được gấp rút xây dựng.

Sau khi nhóm ảnh về kiến trúc này được một sinh viên đại học tung lên mạng đã lập tức gây xôn xao dư luận. Khác với tượng Nhân sư ở Thạch Gia Trang, bức tượng ở Trừ Châu được xây dựng với hình dạng nguyên vẹn, không tổn hại và được sơn phết sặc sỡ.

Nguy cơ một vụ kiện tiếp theo của phía Ai Cập là điều thực tế. Số phận pho tượng ở Trừ Châu cũng khó tránh khỏi như phiên bản ở Thạch Gia Trang…

Đọc thêm