Theo Guardian, các quan chức quân sự Trung Quốc không tiết lộ thời điểm tiến hành các cuộc tuần tra nói trên. Tuy nhiên, tờ báo trên cho hay, giới chức Trung Quốc cho rằng việc triển khai tàu ngầm như vậy là không thể tránh khỏi do Mỹ hồi tháng 3 vừa qua đã công bố kế hoạch đặt hệ thống vũ khí chống tên lửa đạn đạo Thaad mới ở Hàn Quốc.
Động thái này của Mỹ cộng với việc Washington cũng đang phát triển tên lửa siêu thanh có thể tấn công Trung Quốc chỉ trong chưa đầy 1 giờ sau khi tên lửa được phóng đi là những mối đe dọa tới năng lực răn đe của Bắc Kinh.
Một báo cáo gần đây của Bộ Quốc phòng Mỹ được trình lên Quốc hội nước này cũng dự báo Trung Quốc có thể sẽ tiến hành cuộc tuần tra răn đe hạt nhân đầu tiên trong năm 2016. Các quan chức hàng đầu của Mỹ trước đó cũng đã đưa ra các dự báo tương tự.
Guardian cho rằng, việc Trung Quốc bắt đầu tuần tra bằng tàu ngầm hạt nhân như vậy có thể khiến căng thẳng vốn đã nặng nề giữa nước này với Mỹ ở biển Đông thêm bất ổn. Tuần trước, một máy bay do thám của Mỹ và 2 máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã suýt va chạm với nhau ở gần khu vực 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Jin của Trung Quốc đang đồn trú.
Ngoài ra, trong thời gian qua, hải quân 2 nước cũng đã có cuộc tiếp xúc ở cự ly gần tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở biển Đông. Ông Wu Riqiang – Phó Giáo sư tại Trường nghiên cứu quốc tế Đại học Renmin ở Bắc Kinh – nói rằng, khả năng xảy ra đối đầu sẽ gia tăng nếu 2 nước triển khai các chiến dịch kiểu “mèo vờn chuột” bằng tàu ngầm ở khu vực này. “Vì các tàu ngầm của Trung Quốc ở biển Đông nên hải quân Mỹ sẽ tìm cách điều tàu do thám tới và tiếp cận các tàu ngầm của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc sẽ tìm cách xua đuổi tàu Mỹ” – ông Wu nhận định.
Ông Jeffrey Lewis – Giám đốc chương trình không phổ biến hạt nhân Đông Á ở Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey - cũng cảnh báo về nguy cơ 2 bên hiểu lầm về ý định của nhau, việc vốn có thể dẫn đến những hậu quả chết người.
Theo AFP, việc Trung Quốc đang ngày càng hung hăng trên biển, đặc biệt là trong việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, là một trong những vấn đề thu hút sự chú ý của lãnh đạo các nước dự Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước G7 khai mạc hôm qua (26/5) tại Nhật Bản. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tại Hội nghị nói rằng nhóm cần phải có lập trường cứng rắn trong vấn đề nóng này.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng cho rằng G7 nên tập trung vào “nhiệm vụ của nhóm là hợp tác kinh tế thay vì nhúng tay vào các vấn đề bên ngoài chương trình”. Còn Tân Hoa xã thì cáo buộc Nhật Bản lợi dụng vị thế chủ nhà để tìm cách cô lập Trung Quốc.