Nhiều quy định mới
Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ước tính trong tháng 3, XK rau quả đạt giá trị 393,818 triệu USD, giảm 8,4% so với tháng 3/2018. Trong ba tháng đầu năm nay, XK rau quả ước đạt 878,429 triệu USD, giảm 8,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 4/2019, nhờ hiệu ứng xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) XK sang thị trường Mỹ đã ảnh hưởng tích cực đến tình hình XK nói chung, đẩy kim ngạch hết tháng 4/2019 lên 1,4 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường chủ đạo của rau quả Việt Nam. Trong hai tháng đầu năm nay, XK rau quả sang Trung Quốc đạt 428,045 triệu USD (chiếm 73,11% tổng giá trị XK rau quả). Đứng thứ hai là thị trường Mỹ với 19,479 triệu USD (chiếm 3,3%). Tiếp đó là Hàn Quốc với 18,655 triệu USD (3,19%), Nhật Bản với 16,857 triệu USD (chiếm 2,88%)…
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNN cho biết, Cục vừa có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam về thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu (NK) vào Trung Quốc.
Theo công văn nói trên, bắt đầu từ 1/1/2019, các loại nông sản XK sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc.
Ông Hòa cho biết, có ba điểm cần chú ý trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan Trung Quốc. Thứ nhất, dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc. Thứ hai, DN XK chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây, chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc (hiện đã có 41 DN XK ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm - CCIC). Thứ ba, từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới với một số loại trái cây NK từ Việt Nam. Cụ thể, với dưa hấu: Không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít: Yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối: Yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).
Theo ông Hòa, hiện việc XK nông sản sang Trung Quốc đang tồn tại một số vấn đề như hiện tượng làm giả chứng nhận, mở đơn hàng, tờ khai giả; vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản.
Riêng về việc vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, trong năm 2018, Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) NK 1,53 triệu tấn trái cây Việt Nam, trong đó phát hiện 140 lô (chủ yếu là nhãn, chuối, chôm chôm) có sinh vật gây hại, không đạt tiêu chuẩn. Cũng trong năm vừa qua, Nam Ninh NK 1,19 triệu tấn tinh bột sắn Việt Nam, thì phát hiện ba lô không đạt tiêu chuẩn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép.
Ngoài ra, phía Trung Quốc còn phát hiện hàng nước thứ ba mượn xuất xứ Việt Nam để vào Trung Quốc. Cụ thể, cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện ớt NK Việt Nam nghi là ớt Ấn Độ (do có kích thước, đặc điểm khác với ớt Việt Nam), trong khi Ấn Độ chưa được phê chuẩn XK ớt vào Trung Quốc.
Doanh nghiệp gặp khó
Ngoài những quy định mới về rau quả XK sang Trung Quốc, hiện Trung Quốc mới cho phép tám loại nông sản Việt Nam vào thị trường của họ, trong khi đã mở cửa cho 23 loại từ Thái Lan. Một số loại quả của Việt Nam có thế mạnh và tiềm lực XK phải đi vòng gây thêm chi phí và các vấn đề phát sinh cho DN.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit cho biết, phía Trung Quốc đang hiện thực hoá lộ trình siết hàng hóa NK từ Việt Nam, nhằm kiểm soát chất lượng, an toàn nông sản NK chính ngạch vào nước này.
Chia sẻ tại hội thảo “XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc”, ông Viên nói: “Với thị trường Trung Quốc, DN không thể tự mang hàng đi kiểm tra và lấy giấy chứng nhận mà cần có sự vào cuộc của Bộ NN&PTNN, cao hơn là Chính phủ”. Ông Viên cho rằng, nếu không mở rộng cánh cửa XK nông sản sang Trung Quốc (thêm nhiều nông sản chính ngạch - PV), nông sản Việt Nam sẽ phải đi đường vòng qua Thái để XK vào thị trường này, khiến lợi nhuận của nông dân và DN bị hạn chế.
Hiện Vinamit đã gửi kiến nghị của các DN lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam để thực hiện việc gửi công hàm đăng ký DN, nhà máy, trang trại/vườn ở đâu… cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Từ danh sách đăng ký này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét, cử người sang kiểm tra rồi mới công nhận và cho nhập hàng. Qua đó, nông sản Việt sẽ rộng mở hơn khi vào thị trường này.
Còn theo ông Hoà, các DN XK rau quả Việt Nam cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc. “Các DN XK rau quả cần thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm: từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Từ đó, nâng cao nhận thức về sản phẩm chất lượng và an toàn hơn. Thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý - DN - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung”, ông Hòa nói.