Trung Quốc 'tăng tốc' chống tham nhũng

(PLO) - Việc bỏ phiếu thông qua thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) được coi là động thái thu hút sự quan tâm của dư luận đối với kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Trung Quốc khóa XIII. Bởi điều khoản về NSC đã được bổ sung vào Hiến pháp - một trong những sửa đổi quan trọng nhất, và việc có trao cho NSC quyền từ bỏ quyền tiếp cận luật sư của nghi phạm được quyết định tại cuối phiên họp thường niên hôm 20/3. 
Ông Dương Hiểu Độ

Theo tờ The South China Morning Post, NSC là siêu cơ quan chống tham nhũng, có vị thế thấp hơn chính phủ, nhưng cao hơn Tòa án tối cao và Viện kiểm sát tối cao. Trung Quốc phải sửa luật hình sự để tạo điều kiện cho hoạt động của NSC và người đứng đầu cơ quan này do Quốc hội bổ nhiệm và bãi bỏ. 

Dư luận và giới truyền thông cho rằng, ông Triệu Lạc Tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương sẽ được bổ nhiệm làm người đứng đầu NSC với giới hạn 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Nhưng tại phiên họp hôm 18/3, các đại biểu đã bỏ phiếu thông qua việc bổ nhiệm Bộ trưởng Giám sát Dương Hiểu Độ làm Chủ nhiệm NSC. Và đây là bất ngờ đối với dư luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Tiêu Bồi cho biết, bằng cách lập ra NSC, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường tính hợp pháp của chiến dịch chống tham nhũng. "Việc thành lập NSC nhất định sẽ tạo cơ sở pháp lý và tiêu chuẩn hóa việc chống tham nhũng. Nó cũng giúp tăng niềm tin của người dân vào đảng và củng cố nền tảng quyền lực của đảng", ông Tiêu Bồi nói thêm. Và NSC sẽ chia sẻ trách nhiệm với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, trong công tác chống tham nhũng. 

Trong Hiến pháp sửa đổi dành hẳn 1 chương riêng để nói về NSC. Trong khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương chỉ có quyền với đảng viên, NSC có quyền với tất cả cơ quan thuộc lĩnh vực công, bao gồm cả thẩm phán và luật sư. Và theo hệ thống này, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương có quyền triệu tập, bắt giữ mà không cần có cáo buộc đối với những đảng viên bị nghi vi phạm quy định, điều lệ đảng.

Ông Triệu Lạc Tế (trái) ngồi cạnh ông Vương Kỳ Sơn

Các nghi phạm cũng bị cấm gặp luật sư trong thời gian bị giam giữ - điều được nêu trong điều lệ đảng, không căn cứ theo luật pháp. Và NSC sẽ đi vào hoạt động sau khi toàn bộ thành viên được phê duyệt. Theo giới truyền thông, NSC sẽ theo dõi số lượng đối tượng khả nghi nhiều gấp 3 lần so với con số mà các cơ quan giám sát hiện nay đang tiến hành. Hãng Reuters từng dẫn nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương cho biết, khoảng 1,34 triệu quan chức đã bị xử lý vì tham nhũng kể từ năm 2013 trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”.

Theo ông Dương Hiểu Độ, nhân lực cho công tác chống tham nhũng sẽ tăng khoảng 10% để giải quyết công việc đang quá tải hiện nay. Giải thích về động lực thúc đẩy thành lập NSC, ông Dương Hiểu Độ cho biết, trong quá khứ vẫn còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống chống tham nhũng. Đó là công tác giám sát những công chức không phải là đảng viên và những người không làm việc trong lĩnh vực công.

“Chúng tôi nâng cấp cơ sở vật chất nơi chất vấn, xét hỏi để đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn pháp luật mới”, ông Dương Hiểu Độ nói thêm. Tân Hoa xã từng tuyên bố, NSC sẽ là cơ quan mang tính chính trị nhiều hơn là quản trị hoặc tư pháp. Và NSC phải luôn đặt ưu tiên cao nhất cho chính trị và quyền hạn của NSC rộng hơn Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương rất nhiều.

Theo giới truyền thông, mô hình dùng Ủy ban Giám sát thay cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đã được thí điểm tại Bắc Kinh và 2 tỉnh Chiết Giang và Sơn Tây cho thấy, cả 3 địa phương này đều đã sáp nhập thêm nhiều cơ quan khác. Ngoài tăng số lượng nhân viên cho cơ quan điều tra tham nhũng, cơ sở phục vụ cho công tác thẩm vấn nghi phạm cũng phải nâng cấp và tất cả các cuộc thẩm vấn đều bắt buộc phải được ghi âm lẫn ghi hình.

Và việc áp dụng biện pháp giam giữ “lưu trí” - dùng với những đối tượng bị điều tra vì dính líu đến tham ô, hối lộ, lạm dụng chức vụ phải thông qua tập thể Ủy ban Giám sát nghiên cứu quyết định, báo cáo để người phụ trách đảng ủy đồng cấp phê chuẩn, đồng thời phải báo lên Ủy ban Giám sát cấp trên.

Đọc thêm