Tại họp báo, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
“Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai”, Người phát ngôn thông tin.
Liên quan thông tin nói tàu khảo sát HD4 của Trung Quốc hoạt động, đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần đây, Người phát ngôn cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
“Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và công ước của UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực biển Đông, trong khu vực cũng như trên thế giới”, Người phát ngôn nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về vấn đề Biển Đông cũng như tiến trình đàm phán COC đã được nêu thế nào trong Hội nghị tham vấn quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 26 ngày 1/7, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho hay, tại hội nghị, ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi và thống nhất một số định hướng quan trọng trong hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian tới.
Hai bên cũng đã trao đổi nhiều nội dung hợp tác cụ thể, thiết thực về ứng phó và giảm thiểu tác động của Covid-19.
“Cũng nhân dịp này, hai bên cam kết tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), mong muốn sớm nối lại đàm phán COC khi điều kiện cho phép, đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin.