Trung Quốc tìm cách gia nhập CPTPP để thúc đẩy ảnh hưởng trong khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung Quốc đã nộp đơn đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ  xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nỗ lực tăng cường ảnh hưởng kinh tế của mình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Kyodo (chụp ngày 1/9/2021 tại Văn phòng Nội các Nhật Bản ở Tokyo)
Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Kyodo (chụp ngày 1/9/2021 tại Văn phòng Nội các Nhật Bản ở Tokyo)

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 18/9 cho biết, nước này đã bắt đầu "làm việc nghiêm túc" để thúc đẩy trở thành thành viên của Hiệp định toàn diện và tiến bộ cho quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc Trung Quốc gia nhập Hiệp định sẽ tác động đáng kể đến thương mại trong khu vực.

Tuy nhiên, vẫn chưa chắc chắn liệu Trung Quốc có được phép tham gia Hiệp định hay không. Để tham gia CPTPP, Trung Quốc sẽ cần sự chấp thuận nhất trí của tất cả 11 quốc gia thành viên.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết các rào cản cao có thể gây tổn hại đến tăng trưởng thương mại, đầu tư và công nghệ cần được "dỡ bỏ", cam kết thực hiện các biện pháp để thúc đẩy hệ thống thương mại tự do.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết, việc Trung Quốc tham gia CPTPP sẽ "góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" và khuyến khích "tăng trưởng thương mại và đầu tư" sau đại dịch COVID-19.

Nhưng một trở ngại mà Trung Quốc phải đối mặt là mối quan hệ căng thẳng với Australia liên quan đến thuế chống bán phá giá. Vào tháng 6, Trung Quốc cho biết họ đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức thuế chống bán phá giá của Australia, dường như để trả đũa quyết định của Canberra khi khiếu nại lên WTO về mức thuế chống bán phá giá của Trung Quốc đối với rượu vang xuất khẩu.

Hôm thứ Sáu, Australia ra hiệu rằng họ có thể không chấp nhận bắt đầu các cuộc đàm phán về sự tham gia CPTPP của Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Thương mại, Du lịch và Đầu tư Australia, Dan Tehan, nói trong một tuyên bố rằng các thành viên hiện tại muốn Trung Quốc chứng minh được việc "tuân thủ các cam kết của mình theo WTO và các hiệp định thương mại hiện hành", cũng như Trung Quốc đồng ý tái khởi động các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng giữa hai quốc gia.

Nhân viên sản xuất phụ tùng ô tô tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Tân hoa xã

Nhân viên sản xuất phụ tùng ô tô tại một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Tân hoa xã

Nhật Bản, nền kinh tế hàng đầu trong CPTPP, cho biết họ sẽ phân tích kỹ lưỡng liệu Trung Quốc có sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu để tham gia hiệp định thương mại tự do hay không.

Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, tổng sản phẩm quốc nội của các nền kinh tế tham gia sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, so với hơn 10% của các thành viên hiện tại.

Hoa Kỳ ban đầu thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để chống lại ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, nhưng rút khỏi hiệp định vào tháng 1/2017. Ngày 11/11/2017, các bộ trưởng TPP đã đạt được thoả thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho Hiệp định thành Hiệp định toàn diện và tiến bộ cho quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn thận trọng về việc quay trở lại hiệp định này.

CPTPP có sự tham gia của ASEAN (gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Đọc thêm