Trung Quốc tức tối vì bị chỉ trích tại Shangri-La

(PLO) - Rất nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích những hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc trên biển Đông nhưng Bắc Kinh lại không hề tỏ ý tiếp thu mà còn rất tức tối với những phát biểu khách quan của các nước khác. 
Tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Ảnh: Reuters
Theo BBC, tại Đối thoại Shangri-La ngày 1/6, trong một bài phát biểu được cho là khác hoàn toàn với những gì đã chuẩn bị sẵn từ trước, Tướng Vương Quán Trung - Phó Tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, người dẫn đầu Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự diễn đàn an ninh lớn nhất khu vực – đã cáo buộc  Mỹ và Nhật Bản phối hợp và khuyến khích nhau để tấn công Trung Quốc trong các bài phát biểu của họ. Ông Vương cho biết, ông không thể tưởng tượng được rằng mình sẽ nhận được những lời chỉ trích không đáng có như thế chống lại Trung Quốc.
Ông này cũng chỉ trích ông Abe và ông Hagel đã lợi dụng việc được phát biểu trước và đưa ra những hành động khiêu khích, thách thức Trung Quốc. Vị tướng này còn trắng trợn tuyên bố Trung Quốc “không bao giờ thực hiện bước đi gây rối đầu tiên” mà chỉ “buộc phải đáp trả trước các hành động khiêu khích của các nước khác”, đề cập đến các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải của nước này với các nước láng giềng. 
Trước đó, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 31/5, ông Hagel đã cáo buộc Trung Quốc đe dọa đến quá trình phát triển dài hạn của khu vực bằng cách thực hiện những hành động “gây bất ổn, đơn phương” trên biển Đông. “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền trên biển Đông bằng nhiều hành động đơn phương gây bất ổn. Chúng tôi kiên quyết chống lại bất cứ hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền từ bất cứ quốc gia nào” – ông Hagel tuyên bố. Ông Hagel cũng tuyên bố Mỹ sẽ “không làm ngơ” khi các nước khác phớt lờ luật pháp quốc tế. 
Còn trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Đối thoại Shangri-La hôm 30/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã vạch ra tầm nhìn của mình trong việc đưa Nhật Bản đóng một vai trò tích cực hơn trong giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực. Ông Abe cũng đã tuyên bố “ủng hộ tối đa” cho các nước Đông Nam Á, trong đó có các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong đó có việc cung cấp cho các nước láng giềng các tàu tuần duyên để đối phó với chiến lược của Bắc Kinh. 
Trước đó, giới chức Trung Quốc cũng đã phản đối kịch liệt bài phát biểu của ông Abe, cho rằng ông Abe đã sử dụng “một câu chuyện hoang đường” về mối đe dọa mang tên Trung Quốc để tăng cường chính sách an ninh của Nhật Bản.
Trung Quốc đang đi sai đường
Trong một phát biểu liên quan đến những hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, Đô đốc Samuel Locklear – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, Trung Quốc cần phải thay đổi cách tiếp cận của nước này trong các tranh chấp tại khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc đối đầu lãnh thổ dường như đang trở nên ngày càng thường xuyên hơn tại châu Á – Thái Bình Dương. 
Hãng tin The Wall Street Journal dẫn lời Đô đốc Locklear nói rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đưa ra quyết định về cách thức mà họ sẽ giúp khu vực và giúp lãnh đạo khu vực giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ chứ không phải trở thành thách thức tới sự ổn định của khu vực. “Cách thức mà họ đang giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hiện nay không mang tính xây dựng cho khu vực” – Đô đốc Locklear phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La. Đô đốc Locklear cũng bày tỏ tin tưởng rằng, các nước châu Á đang ngày càng đồng thuận về việc các tranh chấp cần phải được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình. 
The Wall Street Journal cho biết, Trung Quốc đang đối mặt với những chỉ trích ngày càng gia tăng từ các nước châu Á kể từ khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền và có những bước đi khác để khẳng định tuyên bố chủ quyền của nước này.

Đọc thêm