Trung Quốc và cái giá cho việc bất chấp danh dự trên biển

(PLO) - Trong một bài viết đăng tải trên Tạp chí Diplomat, Phó Tổng Biên tập Ankit Panda – cựu chuyên gia về khủng hoảng ngoại giao quốc tế, an ninh quốc tế, chính sách công nghệ và địa chính trị của Trường Đại học Princeton – cho rằng, với việc bất chấp luật pháp trong các tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc đang bị xem là kẻ bắt nạt tại khu vực. 
Người Việt phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: Internet
Người Việt phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: Internet
Mở đầu bài viết “Cái giá phải trả cho một chiến thắng không danh dự đối với Trung Quốc”, tác giả Panda nhắc lại việc năm 2012 Trung Quốc bắt đầu quản lý bãi cạn Scarborough và thách thức tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với khu vực này. 
Đến năm 2013, Trung Quốc tiếp tục công bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao trùm cả vùng biển đang tranh chấp trên biển Hoa Đông. Tiếp đến, năm 2014 Trung Quốc đã tìm cách khẳng định những tuyên bố chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa bằng cách đưa một giàn khoan tới Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Những hành động nói trên và những việc làm khác của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh hiện bị xem là một kẻ bắt nạt trong khu vực.
Theo ông Panda, thay vì sử dụng bất cứ loại công cụ pháp lý khả quan nào (hoặc thậm chí cả những công cụ pháp lý không chính thống) để làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình, các đại diện của Nhà nước Trung Quốc lại lặp đi lặp lại việc viện dẫn các văn bản lịch sử và các tiền lệ như bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình, còn tất cả những thứ khác bị biến thành những lời “đồn đoán” hay “huyền thoại”. 
“Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong những lời hùng biện của các đại diện Trung Quốc, từ cả Quân giải phóng và Quốc hội, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Khi dùng để khẳng định các tuyên bố chủ quyền, chiến lược quyết đoán có vẻ đã có tác dụng với Trung Quốc nhưng những chiến lược này cũng đã khiến Trung Quốc còn rất ít bạn bè trong khu vực” – ông Panda nhận định. 
Cũng theo tác giả, việc chiến thắng với danh dự, uy tín và sức ảnh hưởng là điều quan trọng nhất trong những chiến thắng trên chính trường quốc tế nhưng Trung Quốc dường như không tính đến điều này. Tác giả cũng cho rằng, trong xu hướng hiện nay vẫn chưa phải là quá muộn để Trung Quốc cứu vãn lấy một chút tiếng tăm tích cực trong việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông và Hoa Đông. Một trong những biện pháp để cứu vãn hình ảnh của Trung Quốc trong tình hình hiện nay được tác giả đưa ra là việc Trung Quốc nên tham gia vào chương trình nghị sự ngoại giao tích cực để giải quyết các tranh chấp hàng hải.
Ông Panda cho rằng, ảnh hưởng chắc chắn không thể đến được bằng con đường cưỡng ép. Do đó, nếu Trung Quốc muốn đi đầu trên con đường hướng tới một “châu Á cho người châu Á” thì nước này cần phải theo đuổi một chính sách ngoại giao đa phương chân thành. 
Việc các đại diện của Trung Quốc công khai công kích các đại diện của Việt Nam và Philippines tại Đối thoại Shangri-La cho thấy Bắc Kinh không quan tâm đến việc theo đuổi các lợi ích của mình một cách hợp lý và kiềm chế. Ông Panda cũng cho rằng, rõ ràng, Trung Quốc vẫn có thể theo đuổi các lợi ích của nước này mà không cần dùng đến những hành động khiêu khích trắng trợn vốn đã trở thành thường lệ như hiện nay.