Đánh giá kỹ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý
Theo cập nhật mới của Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo), dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTCQT sẽ thành lập một TTTCQT, đặt tại 2 địa điểm, gồm TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Cơ quan này cũng đề xuất cơ chế để cơ quan điều hành, trung tâm tài chính ở các vùng, tức là các địa phương được ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Chính phủ sẽ quy định chi tiết trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL của các cơ quan này. Về cơ chế quản lý giám sát, trước mắt, sẽ tiếp cận theo hướng giám sát theo thông lệ quốc tế và giám sát dựa trên cơ sở rủi ro. Đồng thời sẽ thành lập một cơ quan giám sát ở Trung ương, độc lập để giám sát hoạt động của toàn bộ TTTCQT.
Bà Lê Thị Thùy Trang - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh băn khoăn theo đề xuất này là sẽ có 2 cơ quan quản lý điều hành, đặt tại 2 thành phố. Nhưng “cơ quan nào sẽ giám sát 2 cơ quan điều hành này”? Bà Trang nêu ví dụ, hiện nay, như lĩnh vực chứng khoán thì có Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam quản lý, phân chia các sàn chứng khoán rõ ràng, sàn HOSE (Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh) hay sàn HNX (Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội) sẽ làm gì, quy mô như thế nào. Từ đó sẽ dẫn đến việc cơ quan quản lý điều hành có được ban hành VBQPPL hay không.
Dẫn các nghiên cứu liên quan vấn đề này của thế giới như ở các TTTCQT tại Dubai hay Abu Dhabi, cơ quan điều hành được ban hành các văn bản liên quan đến quản lý điều hành nhưng “ở một mức độ để giải quyết các vấn đề ở trong TTTCQT để phục vụ các hoạt động kinh doanh ở đó” - bà Trang nói. Tuy nhiên, bà Trang lưu ý: “ở đây chúng ta phải quy định rõ, phải giới hạn rõ, cơ quan này được ban hành văn bản như thế nào và chúng ta quy định rõ trong nghị quyết của Quốc hội hoặc trong nghị định của Chính phủ”. Ví dụ, các cơ quan này có thể xây dựng các tiêu chí, điều kiện liên quan đến sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát), fintech hoặc trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là băn khoăn mà ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) đưa ra. Theo đó, ông Đôn cho rằng, theo kết luận về việc xây dựng một TTTCQT đặt tại 2 địa điểm thì sẽ có một cơ quan quản lý chung ở TTTCQT và Trung ương cũng sẽ có một cơ quan để giám sát các hoạt động ở các cơ quan điều hành. NHNN cũng đã từng đề nghị Bộ Tài chính có đánh giá kỹ hơn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý ở trong TTTCQT cũng như quan hệ giữa các cơ quan này và các Bộ, ngành hiện tại theo từng ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, NHNN vẫn đề nghị đánh giá tác động thêm về các vấn đề liên quan đến cơ quan quản lý ở TTTCQT và đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan này với các cơ quan trung ương. Nếu có một cơ chế quản lý hỗn hợp giữa các Bộ, ngành phân định các cơ chế phối hợp như thế nào về câu chuyện cấp phép, thanh tra, giám sát, quản lý. “Nếu quản lý theo hướng này thì chúng ta sẽ phải sửa tương đối nhiều luật, kể cả vấn đề liên quan đến giao quyền ban hành VBQPPL cho cơ quan ở trong TTTCQT, từ Luật Ban hành VBQPPL cho đến các luật về xử lý hành chính, luật về hoạt động thanh tra, giám sát của các cơ quan nhà nước hiện nay đang thực hiện” - ông Đôn nói.
Có nên thành lập một cơ quan giám sát?
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần làm rõ mô hình quản lý và mối quan hệ tại TTTCQT ở 2 địa phương. Có ý kiến cho rằng, khi đặt một TTTCQT ở 2 địa phương thì mối quan hệ giữa TTTCQT, cơ quan quản lý của trụ sở hành chính với chính quyền địa phương (cụ thể là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng) sẽ như thế nào. Bởi không thể quản lý theo kiểu trực tiếp nữa, bởi không phải là 2 thành phố thành lập ra các TTTCQT mà theo mô hình này thì sẽ chỉ có một TTTCQT duy nhất.
Do đó, cơ quan quản lý TTTCQT đương nhiên do Chính phủ thành lập và các cơ quan quản lý phải thuộc Chính phủ. Và các cơ quan này có phân cấp, phân quyền cho TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thực hiện một số nội dung liên quan đến đầu tư phát triển khai thác hạ tầng tại các địa phương hay không. Đó chính là vấn đề thẩm quyền quản lý.
Nếu TTTCQT đi theo hướng Chính phủ thành lập và cơ quan thuộc Chính phủ quản lý thì sẽ giải quyết được vấn đề mà nhiều Bộ, ngành đang băn khoăn về thẩm quyền ban hành VBQPPL. Theo các ý kiến, nếu cơ quan quản lý là một cơ quan của Chính phủ thì Chính phủ hoàn toàn có thể giao thẩm quyền ban hành VBQPPL cho cơ quan này.
Về vấn đề cơ quan giám sát, có ý kiến cho rằng, cần phải cân nhắc có nên thành lập một cơ quan giám sát không hay tiếp tục sử dụng các cơ cấu giám sát tài chính ngân hàng hiện tại đang có. Ví dụ, có hệ thống Ủy ban Quản lý chứng khoán của Bộ Tài chính hoặc có các cơ quan giám sát tương tự về thị trường vốn, tài chính của NHNN.
Sẽ xây dựng Nghị định về quản lý ngoại hối
Ông Tạ Quang Đôn cho biết, về chủ trương quản lý ngoại hối làm sao để có chính sách thông thoáng, hiện đại nhưng vẫn bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính kinh tế Việt Nam cũng chưa rõ ràng mặc dù trong dự thảo có đề cập đến câu chuyện “có thể chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định nào đấy”.
Về nguyên tắc, NHNN đang đang đề xuất quản lý ngoại hối theo các hướng như đối với các hoạt động của các thành viên TTTCQT với nhau và hoạt động của thành viên TTTCQT với các khối ngoài Việt Nam thì chấp nhận cho họ thực hiện theo khuôn khổ thông lệ quốc tế. Còn đối với trường hợp các thành viên trong TTTCQT giao dịch với phần còn lại của Việt Nam, tức là giao dịch với các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên TTTCQT nhưng ở Việt Nam thì “cần rất thận trọng”, trong đó đã đề cập đến cả câu chuyện áp dụng các quy định hiện hành trong các giao dịch này.
“NHNN sẽ phải đề xuất một quy định về nghị định liên quan đến hoạt động ngoại hối, hoạt động ngân hàng và các hoạt động tín dụng khác. Và như vậy, rõ ràng là NHNN sẽ phải thiết kế một nghị định ở mức độ khá lớn để quản lý các hoạt động của thành viên trong TTTCQT là các ngân hàng. NHNN dự kiến trong nghị quyết thì chúng ta sẽ quy định là các quy định khung và Quốc hội sẽ giao quyền cho Chính phủ quy định các vấn đề cụ thể trong nghị định” - ông Đôn thông tin.
Bà Nguyễn Mai Hương - Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VBA): Cần xác định rõ luật áp dụng tại TTTCQT
Bà Nguyễn Mai Hương - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VBA).
Theo dự thảo, Điều 7 có quy định rất rõ, đối với giao dịch giữa các bên là thành viên của TTTCQT thì các bên có quyền lựa chọn luật áp dụng nhưng trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất với giao dịch được áp dụng.
Bởi trong các giao dịch luôn có hai bên và hai chủ thể. Do đó, cũng khó có thể xác định rõ ràng một cái mối quan hệ gắn bó nào nhất giữa các bên. Vậy thì luật nào sẽ là luật áp dụng. Chắc chắn rằng, khi các bên đã tranh chấp rồi thì rất là khó để ngồi lại, xem xét là luật nào là luật có mối quan hệ gắn bó nhất với các giao dịch đó. Đây là một điểm mà VBA mong có thêm những định hướng hoặc là có những giải pháp để giải quyết được ngay.
Ngoài ra, với việc thành lập một TTTCQT đặt tại 2 địa điểm thì cần phải có cách để phân biệt được rõ ràng lợi thế hoặc là định vị dành riêng cho các TTTCQT này. Ví dụ, phải làm rõ Đà Nẵng có thế mạnh gì, có lợi thế gì và sẽ hoạt động được những hàng hóa giao dịch gì. TP Hồ Chí Minh cũng vậy, đều phải có những hướng đi và phải có những thế mạnh riêng dành cho từng địa bàn hoạt động.
Ví dụ, Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm kỹ thuật số, ngân hàng công nghệ số và các vấn đề liên quan. TP Hồ Chí Minh thì có thể là thành lập các cái sàn về hoạt động các tài sản số chẳng hạn hoặc là sẽ được định vị và có những lợi thế cũng như cơ chế hoạt động riêng biệt để tránh trường hợp là hai bên cùng cùng trở thành đối thủ của nhau.
Luật sư Trần Anh Đức: Làm rõ hiệu lực pháp lý của văn bản hướng dẫn tại TTTCQT
Luật sư Trần Anh Đức.
Dự thảo Nghị quyết về TTTCQT chưa tạo ra một đột phá lớn để có thể thu hút vốn vào cho Việt Nam. Lý do có thể đưa ra khá nhiều. Thứ nhất là về khung pháp lý. Có thể nói rằng, khi đã xác định được một sân chơi TTTCQT cho các nhà đầu tư ở nhiều quốc tịch chúng ta phải xây dựng khung pháp lý phù hợp với các thông lệ quốc tế, nhất là những tiêu chuẩn của các TTTCQT khác hoặc là dựa trên cơ sở của luật chung của các nước. Nhưng hiện nay chúng ta cũng chưa phản ánh một cách rõ ràng dù chúng tôi cho rằng dự thảo cũng có nhiều điểm tiến bộ.
Bên cạnh đó, khung pháp lý thì bao gồm có văn bản hướng dẫn. Đây là văn bản do cơ quan quản lý TTTCQT ban hành. Vậy chúng ta đặt ra câu hỏi văn bản này là văn bản gì, có phải là VBQPPL hay không? Có hiệu lực tới đâu? Có tác động như thế nào? Chúng ta chỉ nói văn bản hướng dẫn thì quả thực là chưa đủ và chúng tôi rất mong có sự rõ ràng vì ở TTTCQT, cơ quan quản lý sẽ phải ban hành rất nhiều văn bản. Và những văn bản này có tác động rất lớn vì đây đều những vấn đề mới nên chắc là chúng ta phải chấp nhận việc văn bản hướng dẫn phải là VBQPPL, phải có hiệu lực thi hành.
Bởi chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ hỏi ngay về vấn đề hiệu lực pháp lý của các văn bản mà nếu chúng ta xác định các văn bản này không có hiệu lực pháp lý thì đây là vấn đề e ngại rất lớn đối với các nhà đầu tư vào TTTCQT. Ngoài ra, cũng liên quan đến thẩm quyền, tôi cho rằng nên trao thẩm quyền cho cơ quan quản lý, cơ quan giám sát ban hành VBQPPL tại TTTCQT.