Sáng 18/9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị. Mở đầu Hội nghị, Trung ương dành một phút tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử nạn, hy sinh và quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 vừa qua.
Quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn và ngắn hơn dự kiến, sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính. Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể. “Tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục dành thời gian nghiên cứu để có những ý kiến thật xác đáng, phản ánh đúng thực tiễn của Bộ, ngành, địa phương mình. Tập trung đóng góp những vấn đề cụ thể và những vấn đề có tính khái quát, nhất là những vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được đề cập trong dự thảo các văn kiện nhưng cần phải đánh giá tổng kết các nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách đổi mới có tính chiến lược đột phá, khả thi cao” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta nêu rõ, chúng ta xác định Đại hội XIV là Đại hội đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi ngay từ quá trình xây dựng văn kiện, mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị cần phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm của mình. Việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2025; là nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng tới 100 năm thành lập nước. Mục tiêu này cần phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt với giải pháp thực hiện hiệu quả nhất, bảo đảm phải đạt và phấn đấu vượt các mục tiêu đề ra; đây là trách nhiệm của Đảng trước Nhân dân, trước lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, trước bạn bè quốc tế; là minh chứng khẳng định năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, do vậy phải tập trung mọi nguồn lực, biện pháp để hoàn thành.
Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2025 đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; phân tích khả năng hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH 5 năm 2021 - 2025 trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Bộ Chính trị đã thảo luận rất kỹ, đánh giá toàn diện, cân nhắc mọi mặt và quyết định báo cáo để Trung ương thảo luận, cho ý kiến.
Khơi dậy động lực, tinh thần cống hiến vì đất nước
|
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Về công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu 3 vấn đề.
Thứ nhất, về các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: với vị trí Báo cáo chính trị là trung tâm; Tổng kết 40 năm đổi mới là báo cáo rất quan trọng để chắt lọc tinh hoa đưa vào Văn kiện Đại hội XIV; Báo cáo chiến lược phát triển KT-XH, Báo cáo công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng là các báo cáo chuyên đề, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gợi mở, Trung ương tập trung thảo luận làm rõ: nội dung Báo cáo chính trị trình Hội nghị đã đáp ứng tầm mức của báo cáo trung tâm ở tầm quan điểm, đường lối, chủ trương, đã đúc kết giá trị của quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai chưa? đã là “ngọn đuốc soi đường” dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt các mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra hay chưa?
Các báo cáo chiến lược về phát triển KT-XH; xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng; những vấn đề lý luận và thực tiễn được đúc rút qua tổng kết 40 năm đổi mới đã bao hàm đầy đủ căn cứ cho những luận điểm khái quát trong Báo cáo chính trị chưa? các báo cáo có nhất quán với nhau và có nhất quán với quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đất nước giai đoạn 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 hay chưa? Nội dung cụ thể trong từng báo cáo, nhất là những đánh giá về tồn tại, hạn chế và phương hướng chiến lược, nhiệm vụ đột phá đã đề ra. Cần làm rõ, những chủ trương, biện pháp đã “đúng”, “trúng” có đủ sức đột phá để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới hay chưa? những yếu tố mới của thực tiễn cần bổ sung là gì?
Về một số vấn đề cụ thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương quan tâm thảo luận về đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tiếp theo, phải chăng là tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH. Phát triển lực lượng sản xuất mới cùng với hoàn thiện quan hệ sản xuất tạo cơ hội và các không gian phát triển mới, tạo động lực then chốt cho sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; cùng với phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới) và hạ tầng chiến lược (trọng điểm là hạ tầng giao thông và hạ tầng số và hạ tầng năng lượng).
Về phương hướng, giải pháp chiến lược: phải chăng là tập trung hoàn thiện quan hệ sản xuất, trọng tâm là tinh gọn bộ máy Tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc ta tiến lên. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính; Khơi dậy động lực, tinh thần cống hiến vì đất nước, khơi thông mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực trong Nhân dân; Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển, có cơ chế tập trung định hướng vào công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi… đồng thời phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Chủ động, tích cực tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Công tác nhân sự phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu
Vấn đề thứ hai mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhắc tới là chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng. Theo đó, công tác nhân sự Đại hội XIV là công việc hệ trọng, là “then chốt” của “then chốt”, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Báo cáo tổng kết công tác nhân sự BCH Trung ương Đảng khóa XIII và xây dựng phương hướng nhân sự BCH Trung ương Đảng khóa XIV rất hệ trọng, là cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIV và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2026 - 2031. “Tôi tin tưởng rằng, BCH Trung ương sẽ đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, trước lịch sử vẻ vang của Đảng và truyền thống cha ông để làm thật tốt việc này với tinh thần công tâm, trong sáng, khoa học, khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, đặt lên hàng đầu lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ.
Thứ ba, về công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế vướng mắc, những đề xuất phương hướng, nhiệm vụ giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa XIV...
Buổi sáng, BCH Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường. Sau phiên khai mạc, BCH Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
Buổi chiều, BCH Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2026 - 2030; dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027; chủ trương Đề án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Buổi tối, BCH Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Tổng kết công tác nhân sự BCH Trung ương Đảng khóa XIII và Phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương Đảng khóa XIV; Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng.