Cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc triển khai cho thuê tài sản
Theo tìm hiểu của PV, thời kỳ những năm 2013 đến 2017, tình hình tuyển sinh của các trường Cao đẳng, Trung cấp trên cả nước nói chung và tại Nhà trường nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng học sinh, sinh viên đăng ký xét tuyển vào Trường thời điểm đó rất ít, đa phần các em đến từ các khu vực lân cận thành phố Hội An. Một bộ phận HSSV có gia đình điều kiện kinh tế khá, thích tự do nên thuê nhà dân xung quanh Trường để ở. Bên cạnh đó, thời lượng thực hiện công tác đào tạo, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp khá lớn nên số lượng HSSV có nhu cầu ở ký túc xá rất ít. Điều này dẫn đến việc ký túc xá thừa nhiều phòng, hiệu quả sử dụng không cao, không khai thác hết công suất. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ hằng năm hạn chế, nên ký túc xá không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng nhiều, không đảm bảo mỹ quan và an toàn trong sử dụng.
Để duy trì sự ổn định, đảm bảo thu nhập và đời sống cho giáo viên, viên chức; thực hiện chủ trương nâng cao mức độ tự chủ tài chính (Trường thuộc diện tự chủ một phần chi thường xuyên); nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập theo các quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện cho thuê như: Nghị định 16/2015/NĐ-CP, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định 151/2017/NĐ-CP, Thông tư 23/2016/TT-BTC..., Đảng ủy Nhà trường đã có chủ trương, Hội nghị viên chức và người lao động thời điểm đó đã thống nhất đẩy mạnh việc nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản đang chưa sử dụng hết công suất để tăng nguồn thu, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của Nhà trường.
Từ thực tế đó, Nhà trường đã lập đề án, trình Bộ NN&PTNT phê duyệt và được thống nhất cho phép sử dụng một phần khu ký túc xá là Khu nhà ở học viên số 1 vào mục đích cho thuê trong thời gian nhàn rỗi, không sử dụng hết công suất. Thực hiện các quy định pháp luật về việc cho thuê tài sản công trong thời gian nhàn rỗi, không phát huy hết công suất sử dụng, Trường đã tiến hành đấu giá công khai, minh bạch, lựa chọn đối tác có năng lực tài chính và uy tín để hợp tác phát triển. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Phát triển Giáo dục Cộng đồng Xanh – đơn vị đã đầu tư cải tạo khu vực thuê thành Trường HAIS – một cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn cao, góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục tại địa phương.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Ngọc Viên – Hiệu trưởng Nhà trường – cho biết: “Việc cho thuê tài sản công là một bước đi đúng đắn, phù hợp nhằm tối ưu hóa nguồn lực sẵn có, đồng thời tháo gỡ khó khăn về tài chính. Đây không phải là giải pháp tạm thời, mà là định hướng lâu dài giúp Trường ổn định, từng bước nâng cao mức độ tự chủ tài chính theo yêu cầu và lộ trình của Bộ chủ quản giao, duy trì và phát triển các hoạt động giáo dục một cách bền vững.”
|
Tiến sĩ Lê Ngọc Viên – Hiệu trưởng tại Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung |
Vừa chống lãng phí, vừa nâng tầm giáo dục
Theo tìm hiểu của PV, kể từ năm 2018 đến nay, hoạt động cho thuê một phần khu ký túc xá (KTX) tại Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung cho Công ty TNHH Phát triển Giáo dục Cộng đồng Xanh đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đồng thời được thực hiện hoàn toàn theo đúng quy định pháp luật. Về hiệu quả thực tế, việc cho thuê đã giúp cải thiện rõ rệt cảnh quan và cơ sở hạ tầng của Trường. Khu vực ký túc xá được đầu tư cải tạo theo hướng hiện đại, sạch đẹp và có tính thẩm mỹ cao, tạo được ấn tượng tốt với người học và phụ huynh, góp phần nâng cao hiệu quả tuyển sinh cũng như chất lượng dịch vụ dành cho học sinh – sinh viên. Đồng thời, đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho người dân địa phương, đặc biệt là tại thành phố Hội An – nơi Trường đặt trụ sở, khi được hưởng lợi từ một môi trường giáo dục phát triển và thân thiện.
|
Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây) |
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Viên – Hiệu trưởng tại Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung, việc cho thuê không chỉ mang lại nguồn thu hợp pháp, ổn định, hoạt động này còn góp phần cải thiện đời sống cán bộ, giảng viên, nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, việc bố trí sinh viên ở khu vực riêng biệt, tách khỏi không gian cho thuê giúp Trường dễ dàng quản lý nội trú, đảm bảo an ninh trật tự và không ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, sinh hoạt của sinh viên. Một điểm nhấn đáng chú ý là Trường HAIS – một cơ sở giáo dục quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh – hiện đang hoạt động trong khuôn viên ký túc xá cho thuê. Đơn vị thuê đã cải tạo toàn bộ cơ sở vật chất, đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục hiện đại, thân thiện với môi trường. Sự hiện diện của Trường HAIS không chỉ nâng cao hình ảnh, uy tín của Trường Cao đẳng mà còn lan tỏa giá trị giáo dục ra cộng đồng, thu hút học sinh đến từ nhiều quốc gia, góp phần xây dựng môi trường học tập đa văn hóa tại Hội An – thành phố di sản. Bên cạnh đó, quá trình vận hành HAIS cũng thúc đẩy nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực lân cận, tăng cường kết nối giao thông – dịch vụ, từ đó góp phần phát triển cộng đồng địa phương một cách bền vững.
|
Sự hiện diện của Trường HAIS không chỉ nâng cao hình ảnh, uy tín của Trường Cao đẳng mà còn lan tỏa giá trị giáo dục ra cộng đồng, thu hút học sinh đến từ nhiều quốc gia, góp phần xây dựng môi trường học tập đa văn hóa tại Hội An |
Nhìn tổng thể, việc Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung cho thuê phần ký túc xá chưa sử dụng hết công suất là một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và tăng cường nguồn thu hợp pháp cho đơn vị. Trong bối cảnh khó khăn chung của giáo dục nghề nghiệp, hướng đi này phù hợp với chủ trương tự chủ tài chính và khai thác hợp lý cơ sở vật chất theo quy định pháp luật.
|
Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung |
Chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm các trường học, được khai thác, cho thuê lại tài sản công là định hướng đúng đắn của Nhà nước nhằm tránh lãng phí và thúc đẩy tự chủ tài chính. Một số điểm cốt lõi thể hiện rõ chủ trương này gồm: - Khuyến khích sử dụng hiệu quả tài sản công: Cho phép đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công chưa khai thác hết công suất vào các hoạt động như liên doanh, liên kết hoặc cho thuê. - Tuân thủ quy định pháp luật: Việc cho thuê phải công khai, minh bạch và tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật số 15/2017/QH14). - Không ảnh hưởng chức năng chính của nhà trường: Việc cho thuê không được làm gián đoạn hoạt động đào tạo. - Tạo nguồn thu hợp pháp: Nguồn thu được nộp ngân sách hoặc tái đầu tư theo quy định. - Tăng tính tự chủ tài chính: Góp phần giảm phụ thuộc ngân sách nhà nước và tăng hiệu quả hoạt động. |
Trường Cao đẳng Công nghệ, Kinh tế và Thủy lợi miền Trung là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi Trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây), có chức năng đào tạo đa ngành, đa cấp trình độ theo định hướng trường chất lượng cao. Trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế - xã hội các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên trong các lĩnh vực: thủy lợi, nông nghiệp, môi trường, du lịch, kinh tế nông nghiệp và hạ tầng nông thôn. Tầm nhìn đến năm 2030, Nhà trường hướng đến trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ có uy tín trong nước, nâng cao năng lực tự chủ và quản trị, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn. |