"Trường đời thôi ta làm lại ta"...

 Chỉ vì muốn thể hiện bản lĩnh của một “cao bồi thôn”, Đỗ Thái Thịnh (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) đã “ngập” vào ma túy (MT). Nhưng rồi, tình thương yêu, sự cảm thông và chia sẻ của những người thân yêu đã vực anh dậy…

Chỉ vì muốn thể hiện bản lĩnh của một “cao bồi thôn”, Đỗ Thái Thịnh (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội) đã “ngập” vào ma túy (MT). Nhưng rồi, tình thương yêu, sự cảm thông và chia sẻ của những người thân yêu đã vực anh dậy…

"Trường đời thôi ta làm lại ta"... ảnh 1
 

1. Ngày ấy (khoảng những năm 1990-1991), với sức trẻ và sự năng nổ của một chàng trai mới lớn, cộng với máu hảo hán và sự nhiệt tình (luôn có mặt hỗ trợ anh em trong các trận giao đấu “tranh hùng tranh bá”, giải quyết tình thù…), Thịnh được anh em trong thôn tôn là “đại ca”. Để thể hiện “vai vế” và bản lĩnh của mình, Thịnh đã kết bạn mới MT.

Thời điểm năm 1991-1992, Thịnh chỉ “chơi cho biết” (chủ yếu là “hàng đen”), năm 1994 mới chuyển sang “hàng trắng” và “ngập” lúc nào không biết. Là phụ xe chuyên áp tải hàng cho chủ hàng (một mình Thịnh phụ trách một lúc 3,4 cái xe hàng tuyến Hà Nội – Lạng Sơn), sẵn tiền trong tay nên việc bớt xén vài trăm ngàn đồng để “chơi” MT là chuyện quá đơn giản.

Thêm vào đó, là “tay anh chị” có tiếng của cả khu, Thịnh còn được bọn đàn em “cống nạp” cho MT, vì thế “đói” MT đối với Thịnh là chuyện không bao giờ có. Có nhiều thì dùng nhiều, có ít thì dùng ít . Có ngày Thịnh chơi tới 5 tép (50 ngàn đồng/tép). Trên đường từ Lạng Sơn về Hà Nội, Thịnh lại mua tiếp để ngày mai sử dụng. Nhưng, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, sau khi bị chủ hàng phát hiện, Thịnh bị cho nghỉ việc. Đấy cũng là thời kỳ “dặt dẹo” nhất của anh. Lừa lọc cha mẹ mãi không được, Thịnh sa vào con đường trộm, cắp để phục vụ các cơn nghiện, thấy cái gì sơ sểnh là cuỗm (từ xe máy, xe đạp đến chậu cảnh, đôi giày, đôi dép…).

Cũng vợ đẹp, con ngoan như ai, nhưng Thịnh chả thiết, bởi lúc ấy MT đã làm anh mờ mắt. Thấy chồng thất nghiệp, vợ Thịnh liền bàn bạc với chồng thuê đất đào ao, thả cá, nuôi gà, lợn. Nhưng rồi, hàng trăm con gà, mấy chục đầu lợn, đàn cá dưới ao chưa kịp lớn cũng “bay” vèo theo “nàng tiên nâu”. Trang trại thì biến thành tụ điểm ắn chơi, chích choác MT…

2. Không phải Thịnh không thương bố mẹ, vợ con, mà bởi vì anh đã quá ngập sâu vào con đường nghiện hút. Bản thân anh cũng rất yêu thương cha mẹ và tìm mọi cách che giấu việc chơi bời của mình để tránh làm rầu lòng ông bà. Chính vì thế, mặc dù đã có lần cha mẹ anh được công an phường mời lên thông báo về việc nghiện hút của anh nhưng họ vẫn không tin.

Người phát hiện ra sự hư hỏng của Thịnh chính là người “tay ấp má kề” với anh. Biết chồng nghiện, chị chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo: “Chơi bời cũng có điểm dừng thôi anh, đừng để bố mẹ, vợ con phải khổ”, rồi âm thầm bù đắp tình cảm và sự quan tâm cho hai đứa con của họ. Không ngờ, sự dịu dàng và cam chịu đó của chị lại làm anh tỉnh ngộ. Thương vợ, thương con, phần vì không biết moi đâu ra tiền để hút, hít, Thịnh đã tự tìm đến một trung tâm cai nghiện tư nhân để cai nhưng chỉ được chưa đầy một tuần lại tái nghiện.

Năm 2001, do không chịu nổi thằng con nghiện hút với quá nhiều tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản, bố mẹ Thịnh đã làm đơn “xin” cơ quan chức năng cho anh đi cải tạo tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Hoàn Cát, Quảng Trị. Năm 2003, cũng vì tác động của gia đình, Thịnh lại có cơ hội được cai nghiện ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội 06 đóng ở Sóc Sơn, Hà Nội 01 năm. Nhưng cũng như lần trước, sau mỗi lần ra trại, anh lại quay trở lại con đường cũ. Cho đến một ngày…

Trên con tàu đi Quảng Nam, hình ảnh một gia đình hạnh phúc với cặp vợ chồng, hai đứa con đang quây quần bên mâm cơm ấm nóng trong ngôi nhà nhỏ cạnh đường ray tàu hỏa đã đập vào mắt Thịnh. “Tại sao họ nghèo khổ thế mà họ vẫn hạnh phúc. Trong khi, mình lang thang, vật vờ và để vợ con phải chịu khổ như vậy?” –Thịnh tự hỏi. Rồi anh bần thần nghĩ về gia đình mình. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên vợ anh thường xuyên phải nhịn ăn, nhịn mặc để có tiền nuôi chồng, con. Anh cũng thấy rất xấu hổ với bản thân. Đã lâu lắm rồi anh không dám đi họp phụ huynh cho con vì đến trường, họ lại “xì xầm bàn tán” và nhìn anh “như một người ở hành tinh khác đến”…Và anh đã trả lời thắc mắc đó bằng việc quyết tâm cai nghiện.

3. Được sự tư vấn và hỗ trợ của nhóm “Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội”, Thịnh chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để “cai bo” tại nhà. 3 ngày hết cơn vật, những cơn thèm thuốc với hình ảnh và mùi vị đầy ma lực của nó lại ập đến với anh. Nhưng anh cố gắng chế ngự chúng bằng cách tự giam mình trong nhà. Xem ti vi, băng đĩa chán, anh lại ra bể dội nước ào ào, thậm chí sang nhà hàng xóm cuốc đất hộ để quên đi sự thèm muốn MT. Thịnh cho biết, có những lúc anh phải vật vã vò đầu, bứt tay, rồi đập đầu vào tường để thoát khỏi cảm giác bị “dòi bò trong xương”. Một vài năm sau, những cơn thèm ma túy vẫn chợt đến nhưng thưa và nhẹ bớt hơn. Hiện tại nó đã thoát khỏi hoàn toàn trong đầu anh.

Sau khi thoát khỏi sự ràng buộc của MT, Thịnh quyết tâm làm lại cuộc đời. Với sự giúp đỡ của nhóm “Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội”, anh đã thành lập một nhóm tự lực những người nghiện chích MT và nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn mang tên “Cát Trắng”. Ngoài việc giúp đỡ, chia sẻ khó khăn giữa các thành viên, nhóm còn tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; phân phát bao cao su và bơm kim tiêm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS…

Đặc biệt, từ bài học của bản thân mình, Đỗ Thái Thịnh đã giúp đỡ cho không ít trường hợp cai được MT. Theo Thịnh cho biết, không có loại thuốc nào hiệu quả hơn bài thuốc tinh thần. Bởi vậy, mỗi khi có người nào đó cai nghiện tại nhóm, anh luôn túc trực bên cạnh hỗ trợ, động viên, giúp đỡ họ. Đồng thời tư vấn, truyền đạt các kinh nghiệm từ bản thân cho họ.

Để ràng buộc trách nhiệm của mỗi thành viên với nhóm, cũng như đưa nhóm vào hoạt động  quy củ, Thịnh họp với các thành viên nòng cốt và thảo ra một nội quy chung của nhóm. Riêng đối với việc cai nghiện, ai muốn “cai bo” phải viết bản cam kết. Trong quá trình cai, nếu tự ý trốn đi và chơi lại MT mà bị sốc thì phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, nếu không tuân thủ các quy định trên nhiều lần, người đó sẽ bị phê bình, trả về gia đình và bị đuổi ra khỏi nhóm.

Anh Thịnh bên bài thơ của 1 thành viên trong nhóm sáng tác
Anh Thịnh bên bài thơ của 1 thành viên trong nhóm sáng tác

4. Bản thân là người đã từng vướng vào nghiện ngập, lại là người nhiễm HIV/AIDS nên Thịnh cũng quá hiểu nỗi khổ của những người cùng cảnh. Biết nhu cầu việc làm để cải thiện cuộc sống của những người sau cai và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là rất lớn, anh và các thành viên nòng cốt nhóm “Cát Trắng” đã viết đề xuất xây dựng xưởng sắt – nhôm kính. Được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Viện nghiên cứu phát triển xã hội và Đại sứ quán Ailen, cuối năm 2009 anh đã bắt tay vào gây dựng xưởng. Thời gian đầu, xưởng đi vào hoạt động khá suôn sẻ, mọi người rất hăng say làm việc, thu nhập của anh em có thời điểm lên tới vài ba triệu/người/tháng. Nhưng gần đây, các hợp đồng cứ thưa dần. Thịnh và anh em buồn lắm. Không có khách, máy móc phải đem cất bớt vào kho cho khỏi han rỉ, nhân công thì cho nghỉ, có việc lại gọi đến…

Tâm sự với tôi bên ly trà đá trong căn phòng – vừa là phòng khách của gia đình, vừa là nơi sinh hoạt của nhóm ở xóm Lò, phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội, Thịnh nuối tiếc phân trần: “Có thể, sau lần anh em xuất hiện trên truyền hình nói mình là những người sử dụng MT, bà con không dám đến nhờ làm nữa. Nhưng, che giấu mãi cũng không được…”. Thực ra, Thịnh tâm sự: “100% người nghiện chích MT đều muốn cai, nhưng nếu không có sự động viên, chia sẻ và giúp đỡ của cộng đồng thì rất khó. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, cộng đồng xã hội hãy mở lòng, đừng đẩy chúng tôi ra ngoài đường…”.

Với Thịnh cũng vậy. Vượt qua con đường nghiện ngập đã khó. Càng khó hơn khi anh đứng trước ngã ba đường: Công khai mình là người nghiện hút MT và nhiễm HIV/AIDS để dễ dàng giúp đỡ mọi người hay là sống ẩn dật để không ảnh hưởng đến con cái? Cuối cùng, với suy nghĩ “dám làm, dám chịu” và mong muốn giúp được nhiều người hơn, Thịnh đã quyết định “lộ diện”. Hiện tại, gặp anh ngoài đường, nhiều người quen hỏi thăm: “Đã cai được chưa?”, “Liệu có bỏ hẳn được không?”… khiến Thịnh rất khó trả lời. Nói là cai được rồi  thì cũng chả ai tin. Thôi thì, “chỉ biết tự tin vào chính mình, động viên mình vượt qua tất cả…” – anh tự tin chia sẻ.

5. Luôn tự tin và cho là mình hạnh phúc và may mắn hơn những người cùng cảnh khác bởi được bố mẹ, vợ con thương yêu, đùm bọc; kinh tế gia đình không đến nỗi khó khăn; bản thân thì đã từng điều trị ARV từ tháng 9/2006 nhưng vẫn rất khỏe mạnh nên Thịnh dành rất nhiều tâm sức để giúp đỡ những người cùng cảnh. Đặc biệt, anh luôn mong muốn: Các thành viên trong nhóm có một cuộc sống tốt đẹp hơn; xã hội quan tâm và xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện hút MT và nhiễm HIV/AIDS…

… Sau cơn mưa như trút nước đầu hạ, bầu trời Hà Nội vẫn u ám và đượm buồn. Chia tay anh, chia tay xưởng sắt – khung nhôm kính không người, chúng tôi cũng mang theo về một nỗi buồn. Còn, trong mắt Thịnh, vẫn day dứt một điều gì đó khó diễn tả thành lời…

Đoan Trang

Đọc thêm