Gương sáng Pháp luật

Trưởng thành sau mỗi cuộc đàm phán với các đối tác tầm cỡ thế giới…

(PLVN) - Chỉ vì mong muốn tiết kiệm được chi phí sinh hoạt khi còn là sinh viên mới ra trường mà Bùi Minh Huệ rẽ ngang sang ngành điện. Không ngờ lối rẽ ấy lại kéo dài đến tận ngày nay... Và lối rẽ ấy cũng mang đến cho Huệ cơ hội được góp mặt trong các đoàn đàm phán với nhiều đối tác lớn trên thế giới…

Ngã rẽ bất ngờ…

Lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề y và nghề giáo, Bùi Minh Huệ (sinh năm 1974 quê ở Quảng Bình) đã được đồng ý tiếp nhận vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào năm 1996, sau khi tốt nghiệp Đại học Pháp lý thuộc Bộ Tư pháp (Phân hiệu TP. Hồ Chí Minh, tiền thân của Đại học Luật TP Hồ Chí Minh ngày nay). Thậm chí cô sinh viên vừa ra trường ngày ấy đã được giảng thử trên giảng đường trước khi được tiếp nhận chính thức. Nhưng chỉ một dòng thông tin tuyển dụng làm việc cho Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ đã khiến Huệ quyết định rẽ sang một lối khác…

Bà Bùi Minh Huệ - Trưởng Ban Pháp chế EVNGENCO3.

Bà Bùi Minh Huệ - Trưởng Ban Pháp chế EVNGENCO3.

Bùi Minh Huệ, hiện đang là Trưởng Ban Pháp chế, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) kể lại, thời điểm năm 1996, Ban Quản lý Dự án các Nhà máy điện Phú Mỹ - Bà Rịa (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN) đăng tuyển nhân sự làm việc cho Nhà máy điện Phú Mỹ (nay là Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ trực thuộc EVNGENCO3 với tổng công suất 2.540 MW).

Với suy nghĩ làm việc ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) “sẽ có chỗ ở trong khu tập thể cho người lao động, sẽ tiết kiệm được chi phí sinh hoạt”, Huệ quyết định từ bỏ vai trò giảng viên, “đầu quân” cho ngành điện với vị trí chuyên viên nhân sự.

Gắn bó với nghề nhân sự khoảng 8 năm, năm 2004 Huệ mới chính thức “bén duyên” với nghề pháp chế doanh nghiệp. Đến năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có quy định về tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước, công tác pháp chế doanh nghiệp đã được “luật hóa” về sự cần thiết tăng cường pháp chế trong doanh nghiệp thì Minh Huệ được thỏa sức vận dụng những kiến thức trên ghế nhà trường vào công việc của mình, kể từ thời điểm ấy.

Bà Huệ kể lại, bà tìm thấy rất nhiều niềm vui khi làm pháp chế cho ngành điện; Được tham gia các đoàn đàm phán hợp đồng, thẩm định pháp lý các hợp đồng, biên bản ghi nhớ (MOU) của công ty với các đối tác trong nước, nước ngoài, được làm việc và có cơ hội học hỏi với những luật sư của các hãng Luật hàng đầu thế giới và các luật sư nội bộ của đối tác nước ngoài. Trong đó, việc theo đuổi dự án thành lập xưởng phục hồi tua bin khí (đặt tại khuôn viên Công ty nhiệt điện Phú Mỹ) là một hành trình mà bà không thể quên…

Góp mặt ở những dự án tầm cỡ…

Năm 2011, Huệ được cử tham gia dự án hợp tác giữa Công ty TNHH một thành viên (MTV) Nhiệt điện Phú Mỹ với Tập đoàn Alstom thành lập Công ty liên doanh phục hồi phụ tùng tua-bin khí tại Phú Mỹ. Alstom thời điểm ấy là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát điện, truyền tải điện.

Những Luật gia có kinh nghiệm được tập hợp vào đoàn đàm phán để cùng các thành viên khác tham gia đàm phán. Bùi Minh Huệ là một thành viên của đoàn đàm phán. Quá trình đàm phán giữa các bên trải qua nhiều giai đoạn, bắt đầu diễn ra từ tháng 11/2011 đến tháng 5/2012 mới chính thức đi đến ký Hợp đồng liên doanh.

“Đây là lần đầu tiên tôi được làm việc với các luật sư quốc tế của bên đối tác. Họ có 4 luật sư quốc tế tham gia theo từng giai đoạn đàm phán cùng với luật sư người Việt. Từng chữ, từng lời trong các văn bản đàm phán đều được xem xét rất kỹ lưỡng. Thực ra trước khi chính thức “face to face” (đối mặt để đàm phán), thì đã có rất nhiều email được gửi đi gửi lại giữa các bên - bà Huệ kể.

Trong khi đối tác có luật sư nội bộ và thuê thêm các luật sư của những hãng Luật lớn trên thế giới (ví dụ Hogan Lovells của Anh) thì phía Việt Nam chỉ có những cán bộ pháp chế - luật gia của Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ tham gia đàm phán.

Dưới sự hỗ trợ của Ban Pháp chế EVN, về khía cạnh pháp lý, Đoàn đàm phán của EVNGENCO 3 đã đưa ra những điều khoản phù hợp với quá trình thực thi pháp luật Việt Nam, đã rà soát tham mưu về pháp lý để các điều khoản hợp đồng được chặt chẽ, giúp đối tác hiểu được luật pháp của Việt Nam phải được tuân thủ trong hợp đồng này. Trong đó, riêng việc giải thích để đối tác Thụy Sỹ hiểu việc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam khi đặt xưởng tại Việt Nam cũng mất cả ngày để đi đến thống nhất.

Và hợp đồng liên doanh thành công đã chính thức đưa một dự án tầm cỡ thế giới vào thời điểm ấy về lĩnh vực phục hồi thiết bị tua-bin khí của một tập đoàn lớn trên thế giới xuất hiện tại Việt Nam. Đó là công xưởng đầu tiên của Alstom tại Châu Á trong lĩnh vực này tại thời điểm năm 2013. Công xưởng này đã đưa năng lực chế tạo, sửa chữa trong nước đến với các nước trong khu vực.

Đây cũng là một dự án có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghệ cao. Xưởng sửa chữa tua-bin khí này được đánh giá là một trong những công xưởng hiện đại nhất, không chỉ ở Việt Nam, ở khu vực mà còn cả trên thế giới trong lĩnh vực phục hồi cánh tua-bin. Bà Huệ tâm sự “được góp mặt và góp sức vào thành công của dự án là niềm vui lớn; Được học hỏi nhiều đồng nghiệp trên thế giới lại càng tạo động lực cho tôi khi theo đuổi nghề pháp chế”.

Đàm phán thành công dự án liên danh đầu tiên cũng chính là mở đầu cho những dự án lớn thành công với các đối tác hàng đầu thế giới sau này. Trong quá trình gắn bó với EVNGENCO3, tiếp xúc với đa dạng dự án, làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước, bà đã học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm để phục vụ cho công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ví dụ như tham mưu pháp lý, tham gia đàm phán liên quan đến thực hiện các hợp đồng dài hạn với các tập đoàn hàng đầu thế giới như GE, Mitshubishi, Siemens…

Tích cực đóng góp cho các văn bản quy phạm pháp luật

Công tác 26 năm trong ngành điện, trong đó có hơn 15 năm làm công tác pháp chế chuyên trách, bà Huệ cho rằng, thành tựu lớn nhất mà mình nhận được là được tiếp cận được môi trường làm việc chuyên nghiệp và được lãnh đạo tin tưởng và giao việc, khi đó “mình mới lớn, mới giỏi được” - Trưởng Ban Pháp chế EVNGENCO3 chia sẻ.

EVNGENCO3 được đánh giá là đơn vị có nhiều ý kiến đóng góp cho các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và được tiếp thu, chỉnh sửa. Trong đó, theo báo cáo, riêng năm 2021, thực hiện chỉ đạo của EVN, EVNGENCO3 đã tích cực rà soát VBQPPL liên quan và đóng góp 47 ý kiến gửi về EVN trong các lĩnh vực doanh nghiệp, thương mại, chứng khoán, đất đai, thuế, cổ phần hóa, điện lực, lao động - tiền lương, an toàn, đấu thầu…

Bên cạnh đó, khá nhiều những bất cập đến từ thực tiễn cuộc sống đã được bà Huệ phát hiện ra; Hoặc những mâu thuẫn trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật đã được bà tập hợp để góp ý, chỉnh sửa… và được tiếp thu, sửa đổi trong các VBQPPL sau đó.

Ví dụ về thẩm quyền ban hành quy chế quản lý nội bộ trong công ty TNHH MTV đã được quy định trong 3 văn bản quy phạm pháp luật gồm Luật Doanh nghiệp 2005, Nghị định số 25/2010/NĐ-CP, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP. Các quy định này không thống nhất với nhau, không rõ ràng về thẩm quyền của Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công ty TNHH MTV nên dẫn đến nhiều cách hiểu - khó khăn trong việc xác định thẩm quyền ban hành các Quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình TNHH MTV.

Sau những góp ý của bà Huệ cùng Ban pháp chế EVNGENCO3, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bổ sung quy định “Tổng Giám đốc có thẩm quyền ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty đã được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chấp thuận” khiến cho những rắc rối nảy sinh trong suốt thời gian trước đó được “khơi thông”.

Trưởng ban Pháp chế cùng các thành viên trong Ban thảo luận về công tác chuyên môn.

Trưởng ban Pháp chế cùng các thành viên trong Ban thảo luận về công tác chuyên môn.

Đối với Thông tư 36/2018/TT-BCT ngày 16/10/2018 quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực, các góp ý về thành phần hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện và cách thức nộp hồ sơ cũng đã được tiếp thu sửa đổi tại Thông tư 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020.

Hơn 15 năm tham gia công tác pháp chế, bà nhận được nhiều bằng khen của các bộ ngành như Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Tư pháp… Nhưng có lẽ, điều khiến bà Huệ vui nhất khi “bén duyên” với nghề pháp chế chính là việc con gái của bà đã quyết định nối nghiệp mẹ, làm việc cho một hãng luật uy tín của Anh - có văn phòng tại Việt Nam.

Đọc thêm