Trút được gánh nặng nhờ Thủ tướng

(PLO) - Như một hiệu ứng tích cực, khi Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhắc lại việc không quà cáp, biếu xén cấp trên nhân dịp Tết âm lịch cổ truyền thì nhiều ngành, nhiều địa phương quán triệt quy định này, có cả cá nhân lãnh đạo tuyên bố và yêu cầu thẳng thắn: “Tết này đừng đến nhà tôi chúc Tết”. 

Cương quyết và công khai như vậy, hẳn những ai có định nhân dịp Tết để “tranh thủ tình cảm” cấp trên, tạo sự chú ý đến mình sẽ phải từ bỏ ý định đó. Còn những ai phải “đi” theo phong trào tết sếp hẳn trút được gánh nặng âu lo, tập trung cho gia đình, họ hàng mình.

Sự thể như vậy, trên nghiêm thì dưới kính, không quà cáp chi cả nhưng nếu có tình cảm thực sự quý trọng cấp trên thì vẫn còn nguyên vẹn. Ngược lại, cấp trên cũng không còn lấy việc quà biếu của cấp dưới làm thước đo tình cảm và năng lực của cấp dưới. Về mặt tổng thể, xã hội không còn bức xúc với chuyện này và cũng chẳng cần lập ra đường dây nóng để nghe tố giác và cái người lẽ ra phải trực đường dây nóng ấy yên tâm mà vui Tết. 

Thực ra, cấp dưới có thực sự tôn trọng và quý mến cấp trên không thì cứ xem cách hành xử thường ngày trong công việc của họ thì rõ. Một dẫn chứng rất mới từ cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về chuyên đề giám sát cho thấy, các địa phương có đoàn đến giám sát chẳng mặn mà gì, thậm chí coi thường, Phó Chủ tịch Quốc hội đến mà cho Phó Chủ tịch tỉnh tiếp.

Trong khi, một ông Bộ trưởng chỉ “đến thăm và làm việc” cũng có đủ lệ bộ từ Bí thư đến Chủ tịch tỉnh tiếp đón rất trọng thị, nếu ông ta đến giám sát hẳn mọi sự sẽ khác! Vì thế, ý kiến của một vị trong Thường vụ Quốc hội cho rằng, đoàn đi giám sát thì có kinh phí, tiêu chuẩn công tác, đừng để địa phương phải lo chuyện ăn ở. Rất đúng, các đoàn công tác của Trung ương đến địa phương mặc định chuyện ăn ở, cung phụng địa phương phải chu tất cần phải xóa bỏ vì nó cũng na ná như chuyện Tết đến mặc định là nhân viên phải quà cáp sếp!.

Một dẫn chứng khác, cũng từ đời sống thực tế và cũng mới xảy ra: Bí thư của một huyện vừa bị kỷ luật khiển trách vì tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp, ông ta cũng huy động được cả cấp dưới của mình tham gia nữa. Tại sao ra sức quản lý, cảnh báo mà đường dây bán hàng đa cấp lại lừa đảo được nhiều người đến thế, có thể đây là một trong những câu trả lời xác đáng. Ông Bí thư không nghiêm như thế, liệu cấp dưới còn kính ông không?.

Muốn một chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống thì trước hết người lãnh đạo, thủ trưởng phải nghiêm túc thực hiện trước và sẵn sàng kỷ luật người vi phạm. Kiến tạo không chỉ là xây dựng, thay đổi mà phải bắt đầu từ sự làm gương thì “nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ” được!.

Đọc thêm