Ngay sau khi nhận được thông báo của Tòa án Stockholm, các luật sư của ông Julian Assange khẳng định, sẽ tiếp tục kháng cáo.
Quyết tâm đa quốc gia
Hơn 2 tháng trước (24/3), London từng bác bỏ phán quyết của Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc (nhóm công tác), khi tổ chức này cho rằng, lệnh bắt giam của Thụy Điển và Anh đối với ông Julian Assange là tùy tiện: nhà sáng lập Wikileaks đã bị Anh và Thụy Điển giam giữ một cách tùy tiện kể từ khi bị bắt ở London hôm 7/12/2010.
Văn phòng Đối ngoại của Anh coi kết luận của nhóm công tác là "sai lầm nghiêm trọng" và quyền con người của ông Julian Assange chưa từng bị xâm phạm.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire cũng đề nghị nhóm công tác (gồm 5 chuyên gia nhân quyền độc lập) xem xét lại phán quyết của mình với dữ liệu đầy đủ hơn, bao gồm thông tin do London cung cấp.
Gần 5 tháng trước (13/1), cơ quan tư pháp Thụy Điển cho biết, họ đã được phép thẩm vấn ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London và Thẩm phán Ingrid Isgren cùng một điều tra viên của Thụy Điển sẽ tới London để tham gia tiến trình này.
Thụy Điển và Ecuador từng ký thỏa thuận hỗ trợ pháp lý (tháng 12-2015), để tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp Thụy Điển thẩm vấn ông Julian Assange. Nhưng cho tới nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange cùng Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino. |
Theo giới truyền thông, các công tố viên Thụy Điển đã hủy cuộc điều tra đối với ông Julian Assange từ trung tuần tháng 8/2015, vì quá thời gian khởi kiện theo luật định 5 năm nhưng cáo buộc hiếp dâm có thời hiệu khởi kiện 10 năm, nên cơ quan tư pháp Thụy Điển vẫn muốn thẩm vấn ông Julian Assange, bất chấp việc nhà sáng lập WikiLeaks nhiều lần khẳng định, những lần quan hệ tình dục đều có sự đồng thuận của hai bên.
Từ năm 2010, ông Julian Assange đã bị cơ quan tư pháp Thụy Điển điều tra với 4 tội danh liên quan tới tấn công tình dục đối với 2 phụ nữ Thụy Điển. Hơn 1 năm trước (11/5/2015), Tòa án Tối cao Thụy Điển từng bác đơn kháng cáo của ông Julian Assange. Tòa án Tối cao Thụy Điển tuyên bố, họ thấy không có lý do để hủy lệnh bắt giữ đối với ông Julian Assange, cho dù các công tố viên nước này muốn thẩm vấn nhà sáng lập WikiLeaks ở London về cáo buộc tấn công tình dục.
Gần 4 tháng trước (7/2), Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper đã kêu gọi Thụy Điển, Anh và Ecuador nhanh chóng đạt được thỏa thuận để trả tự do cho ông Julian Assange.
Theo ông Ernesto Samper, phán quyết của nhóm công tác đã mở đường cho việc trả tự do đối với nhà sáng lập Wikileaks. Nhưng cảnh sát Anh và Thụy Điển đều tuyên bố, sẽ bắt ông Julian Assange ngay sau khi nhà sáng lập Wikileaks rời Đại sứ quán Ecuador ở London bởi các điều tra liên quan tới nhân vật này vẫn còn hiệu lực.
Gần 1 năm trước (tháng 6/2015), Thụy Điển đã yêu cầu Ecuador cho phép thẩm vấn ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London, nhưng Thẩm phán Marianne Ny, người thụ lý việc này đã hủy buổi thẩm vấn.
Bà Marianne Ny cho biết, muốn thẩm vấn ông Julian Assange (và muốn lấy mẫu ADN từ người này) bởi liên quan đến cáo buộc tấn công tình dục từ năm 2010 và thời hạn điều tra tội danh này kéo dài 10 năm.
Quan điểm của Ecuador
Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino từng bác bỏ tuyên bố của Thủ tướng Anh David Cameron liên quan tới quyết định của nhóm công tác chống lại các lệnh bắt giam của Thụy Điển và Anh đối với nhà sáng lập Wikileaks.
Theo ông Ricardo Patino, ông David Cameron đã thiếu tôn trọng khi đánh giá phán quyết của Liên hợp quốc là “trò hề", đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc về việc London không coi trọng quyết định kể trên. Ông Ricardo Patino từng cho rằng, đã đến lúc Anh và Thụy Điển phải "sửa chữa sai lầm" khi quyết định bắt giam trái phép nhà sáng lập Wikileaks.
Khi phát biểu tại cuộc họp báo ở Quito (5/2), ông Ricardo Patino đã tái khẳng định quan điểm của Ecuador - lệnh bắt ông Julian Assange hoàn toàn mang động cơ chính trị và nhà sáng lập Wikileaks trở thành nạn nhân sau khi tiết lộ tội ác của một số nhân vật là công dân của các cường quốc.
Trước đó (15/1), tại cuộc phỏng vấn ở thủ đô Quito, Ngoại trưởng Ricardo Patino còn nhấn mạnh, nếu giới chức Thụy Điển không đưa ra cáo buộc chống lại ông Julian Assange, thì nhà sáng lập WikiLeaks có thể tới sống ở Ecuador.
Chính quyền Quito đã cho phép ông Julian Assange tị nạn từ năm 2012, sau khi nhà sáng lập WikiLeaks xin phép được tị nạn tại Ecuador.
Ngày 19/6/2012, ông Julian Assange đến Đại sứ quán Ecuador ở London xin tị nạn chính trị, sau khi một tòa án ở Anh ra phán quyết (24/2/2011) có thể dẫn độ tới Thụy Điển.
Trước đó (18/11/2010), một công tố viên Thụy Điển phát lệnh truy nã toàn châu Âu đối với ông Julian Assange về tội tấn công tình dục 2 phụ nữ.
Ngày 14/10/2015, Ngoại trưởng Ricardo Patino mặc dù hoan nghênh việc cảnh sát Anh không còn canh gác 24/24 trước Đại sứ quán Ecuador ở London, nhưng vẫn phàn nàn sau khi Anh không cho phép ông Julian Assange tới bệnh viện để kiểm tra cơn đau vai mắc phải trước đó. Ecuador từng đề nghị chuyển ông Julian Assange tới Thụy Điển dưới sự bảo hộ ngoại giao của quốc gia Nam Mỹ này, nhưng bất thành.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa cũng đã khiến London nổi giận khi cho phép ông Julian Assange tị nạn bất chấp những cảnh báo. Bởi theo ông Rafael Correa, việc trục xuất ông Julian Assange tới Thụy Điển là một phần kế hoạch của Washington để dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks sang Mỹ xét xử.
Cố gắng của ông Julian Assange
Tháng 9/2014, nhà sáng lập Wikileaks đệ đơn kiện chính quyền Thụy Điển và Anh lên nhóm công tác vì cho rằng, việc chính quyền 2 nước này buộc ông phải vào tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London là hành vi phi pháp. Và sau khi nhóm công tác đưa ra kết luận, ông Julian Assange đã lập tức kêu gọi Thụy Điển và Anh thực hiện. Bởi nhà sáng lập Wikileaks coi mình là nạn nhân cần được tị nạn chính trị và đã bị xâm phạm các quyền cơ bản khi không thể rời Đại sứ quán Ecuador ở London mà không bị bắt.
Cảnh sát Anh canh giữ ông Julian Assange |
Gần 4 tháng trước (5/2), luật sư Jennifer Robinson đã hoan nghênh kết luận của nhóm công tác, đồng thời cho rằng, ông Julian Assange phải được tự do hoàn toàn sau ba năm rưỡi buộc phải sống ẩn dật. Ông Julian Assange nhiều lần cho rằng, sẽ bị dẫn độ về Mỹ bởi đã tiết lộ hàng trăm nghìn tài liệu mật của nước này.
Per Samuelson, một trong những luật sư của ông Julian Assange từng cho biết, nhà sáng lập WikiLeaks hoan nghênh việc thẩm vấn tại London, nhưng việc này có thể mất nhiều thời gian bởi đề xuất của Thụy Điển cần nhận được sự đồng ý của chính phủ Anh và Ecuador. Luật sư Per Samuelsson còn tuyên bố, ông Julian Assange bị Mỹ săn lùng sau khi cho công bố 500.000 tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan và Iraq, cùng 250.000 bức thư tín ngoại giao mật khác.
Đồng thời khuyến cáo, nếu rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London, ông Julian Assange sẽ mất quyền miễn trừ chính trị và phải đối mặt với bản án 35-40 năm tù giam tại Mỹ.
Ông Julian Assange tiết lộ thông tin mật. |
Tổng thống Nga Putin từng cho rằng, vụ việc liên quan tới nhà sáng lập WikiLeaks có khả năng mang động cơ chính trị, đồng thời cáo buộc London áp dụng "tiêu chuẩn kép" đối với lệnh dẫn độ ông Julian Assange tới Thụy Điển để xét xử.
Gần 1 năm trước (4/7/2015), WikiLeaks cho biết, ngoài việc nghe lén điện thoại của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, NSA còn đưa nhiều chính trị gia và quan chức tài chính hàng đầu của nước này vào “tầm ngắm”. WikiLeaks còn tiết lộ, CIA và NSA đã nghe trộm điện thoại của các nhân viên trong Văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo đó, NSA đã theo dõi tổng cộng 69 số điện thoại và số fax của các quan chức cấp cao Đức. Ngoài ra, NSA còn do thám các cuộc trao đổi thông tin của 2 đời Bộ trưởng Tài chính Pháp là Francois Baroin và Pierre Moscovici, trong giai đoạn 2011-2014.