Truy tố kẻ làm giả thuốc sâu

 

VKSND huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) vừa có quyết định truy tố bị can Phạm Văn Năm (SN 1965, ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 158 Bộ luật Hình sự. 
 

VKSND huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) vừa có quyết định truy tố bị can Phạm Văn Năm (SN 1965, ngụ xã Long Thắng, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 158 Bộ luật Hình sự. 

Lô hàng rởm trị giá hàng trăm triệu
Theo cáo trạng, khoảng 8h ngày 18/9/2011, trên đường Phạm Hữu Lầu (phường 4, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra xe ô tô mang BKS 66S-3477 do tài xế Võ Hữu Tâm (SN 1959) điều khiển chở Phạm Văn Năm (cùng ngụ huyện Lai Vung).
Tại hiện trường, tổ kiểm tra phát hiện trên xe của Tâm đang vận chuyển một số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật do Năm là chủ hàng nhưng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên. Qua đó, tổ kiểm tra đã tạm giữ 160 chai thuốc hiệu Tilt Super 300EC và 355 chai thuốc hiệu Amistartop (giá trị ước tính khoảng 119,2 triệu đồng). 
Xác minh số hàng hóa trên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tỉnh Đồng Tháp tiến hành khám xét khẩn cấp Cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Kim Hương thuộc ấp Long Định (xã Long Thắng, huyện Lai Vung) do Huỳnh Thị Kim Hương (là vợ của Phạm Văn Năm) đứng tên kinh doanh. 
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang có hành vi sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả. Tại hiện trường, tổ khám xét đã thu giữ được nhiều tang vật gồm: 1 máy đóng nắp chai, 14 chai thuốc thành phẩm, 298 vỏ chai nhựa các loại, 42 kg tem, nhãn, nắp chai và 91,2 triệu đồng tiền mặt.
“Trùm sò” ở Hà Nội?
Tại cơ quan công an, Phạm Văn Năm khai nhận vào năm 2008, trong dịp đi tham quan ở Hà Nội, Năm quen biết với Bùi Quang Khánh (không rõ địa chỉ). Khánh biết Năm kinh doanh mua bán thuốc bảo vệ thực vật nên đề nghị Năm sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả đem ra thị trường tiêu thụ, Khánh sẽ cung cấp nguyên liệu và máy móc. 
Khoảng tháng 4/2008, Khánh gởi cho Năm một máy đóng nắp chai, sáu thùng hóa chất loại 20 và 30 lít, 614 vỏ chai nhựa trắng loại 250ml không có tem và nhãn hiệu, 2,6kg tấm lót nắp chai, 0,7kg nắp Syngentar màu trắng, 3,9kg nắp Syngentar màu xanh dương, mộc và mực dùng để đóng dấu ngày sản xuất. Sau khi nhận hàng, Năm đem cất giấu. 
Đến ngày 14/4/2011, Năm đem số nguyên vật liệu này về để chuẩn bị sản xuất thuốc giả. Khoảng 21h ngày 17/9/2011, lợi dụng lúc gia đình đã ngủ, Năm lấy 103 chai Dodofit 300EC, 49 chai Annongvil 50EC, 10 chai Dovil 5SC, 20 chai Sofit 300EC... ở cửa hàng vật tư nông nghiệp của vợ để sản xuất thuốc giả. 
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu Năm bắt đầu pha chế, Năm lấy khoảng 16 lít rồi đổ hóa chất vào pha với thuốc chính hãng như: Annongvil, Appencarb Super, Dovil, Andovil và Agrodazim để làm ra thuốc bảo vệ thực vật Amistartop giả. Còn đối với Tilt Super giả thì Năm dùng hóa chất pha chế với thuốc chính hãng như: Dodofit, Sofit và Syngentar.
Pha chế xong, Năm cho vào chai nhựa rồi đóng nắp, dán tem, nhãn và đóng dấu ngày sản xuất. Trong đêm 17 rạng sáng 18/9/2011, Năm làm thành phẩm 160 chai Tilt Super 300EC loại 250ml và 355 chai Amistartop 325SC loại 250ml. Sau khi sản xuất xong, Năm tiêu hủy các thùng nhựa đựng hóa chất, còn các vật dụng cần thiết cho việc sản xuất thì đem cất giấu. Khi Năm thuê xe đi các huyện tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện.
Ngọc Long

Đọc thêm