Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 8 bị can ra tòa án xét xử các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án gây chấn động dư luận bởi có đến 27 người nông dân, nội trợ, dân buôn bán bỗng được “biên chế” vào “giáo viên”, cũng như trách nhiệm quản lý của người đứng đầu ngành giáo dục thành phố Tam Kỳ.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 8 bị can ra tòa án xét xử các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vụ án gây chấn động dư luận bởi có đến 27 người nông dân, nội trợ, dân buôn bán bỗng được “biên chế” vào “giáo viên”, cũng như trách nhiệm quản lý của người đứng đầu ngành giáo dục thành phố Tam Kỳ.
Giáo viên kiêm lừa đảo
Từ năm 2005 đến năm 2006, Lê Thị Hồng là giáo viên biên chế kiêm thủ quỹ của Trường Tiểu học Lê Văn Tám đóng ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam, nhưng đã dựng lên một “tập đoàn giáo viên” 27 người để vay chiếm đoạt của Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT TP.Tam Kỳ số tiền 166 triệu đồng, Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Trường Xuân (đóng ở TP.Tam Kỳ) số tiền 454 triệu đồng (cả hai ngân hàng này đều thuộc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam chi nhánh Quảng Nam) và Ngân hàng TMCP Đông Án chi nhánh Đà Nẵng tại TP.Tam Kỳ số tiền 15 triệu đồng.
Lợi dụng thời điểm các ngân hàng thương mại cho vay tín chấp hưởng lương, Lê Thị Hồng đã “chủ động” đứng ra làm thủ tục vay tín chấp cho giáo viên của Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Trước cơ hội có một không hai này, Lê Thị Hồng làm luôn danh sách dài 27 người dân với đủ thứ nghề để “biên chế” vào “giáo viên” của Trường Tiểu học Lê Văn Tám vay tín chấp tiền của ngân hàng.
Nguyễn Công Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám ký xác nhận “khống” “Giấy đề nghị vay vốn” với nội dung xác nhận người đứng tên trong “Giấy đề nghị kiêm phương án vay vốn” nhu cầu đời sống là giáo viên của trường nhằm giúp cho Hồng thực hiện thành công hành vi vi phạm pháp luật của mình.
|
Trường Tiểu học Lê Văn Tám của TP.Tam Kỳ, Quảng Nam
xuất hiện một “tập đoàn giáo viên “ma””.
|
Sau đó, Lê Thị Hồng đã nhờ người thân, bạn bè đứng tên trên các thủ tục giấy tờ để vay vốn tín chấp. Lúc ngân hàng giải ngân, Hồng huy động đầy đủ “tập đoàn giáo viên” lên ký nhận tiền đầy đủ rồi giao lại cho mình sử dụng.
Hành vi của Hồng chỉ bị phát hiện vào năm 2008 do “cù cưa cú cứa” không chịu trả lãi và tiền vay gốc. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam, đã điều tra, xác định 27 hợp đồng vay tín chấp tại các ngân hàng nói trên không phải là cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường Tiểu học Lê Văn Tám.
Nông dân “biên chế” giáo viên
Theo hồ sơ, Hà Văn Quyền, 47 tuổi, một nông dân ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam chỉ học đến lớp 4 vẫn được Lê Thị Hồng “biên chế” vào “giáo viên” Trường Tiểu học Lê Văn Tám vay Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Trường Xuân số tiền 30 triệu đồng và Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT TP.Tam Kỳ số tiền 16 triệu đồng.
Nguyễn Thị Thương, 48 tuổi cùng xã với Quyền, trình độ lớp 2 được Hồng “biên chế” vào “giáo viên” Trường TH Lê Văn Tám vay Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Trường Xuân số tiền 20 triệu đồng.
Điều đặc biệt, Phan Thị Minh Hạnh, 55 tuổi ở khối phố 7, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ là cán bộ hưu trí cũng được “biên chế” vào “giáo viên” Trường TH Lê Văn Tám vay Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Trường Xuân số tiền 40 triệu đồng.
Tương tự, hàng loạt “giáo viên” “bất đắc dĩ” khác như Trần Thị Ánh Tuyết vay 30 triệu đồng; Trương Thị Thúy Hiền vay 25 triệu đồng; Lê Văn Hường vay 20 triệu đồng; Nguyễn Văn Hoàng vay 15 triệu đồng; Võ Thị Bích Phụng vay 25 triệu đồng (đã bỏ trốn đang bị truy nã); Trần Thị Thức vay 30 triệu đồng; Trịnh Thị Anh vay 25 triệu đồng; Nguyễn Thị Sáu vay 20 triệu đồng.
Theo cáo trạng, tổng số tiền mà “tập đoàn giáo viên” này vay của các ngân hàng để chiếm đoạt lên đến 635 triệu đồng, trong đó bị can Lê Thị Hồng chiếm đoạt hơn 441 triệu đồng và các bị can Hà Văn Quyền, Phan Thị Minh Hạnh, Trần Thị Thức, Trần Thị Ánh Tuyết, Trương Thị Thúy Hiền và Nguyễn Thị Sáu chiếm đoạt cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với hành vi ký xác nhận khống, Nguyễn Công Minh bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Riêng 15 “giáo viên” “bất đắc dĩ” vay tiền của ngân hàng đã trả tiền gốc và lãi đúng kỳ hạn nên không bị Cơ quan CSĐT xử lý hình sự. Các bị can Lê Văn Hường, Nguyễn Thị Thương, Trịnh Thị Anh, Nguyễn Văn Hoàng trả gốc, lãi xong, nhưng phạm tội lần đầu ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo nên được đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự.
Bán đất “ảo” thu tiền thật
Theo cáo trạng trên, Lê Thị Hồng còn “kết thân” với Bùi Văn Lý (49 tuổi, sinh sống gần nhà mình) là Phó Chánh thanh tra Sở Nội vụ Quảng Nam để bán đất “ảo” ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ cho 6 người bà con, quen biết của Lý để chiếm đoạt số tiền 400 triệu đồng.
Lê Thị Hồng khai nhận việc lừa đảo bán đất “ảo” có sự giúp đỡ của Bùi Văn Lý tạo niềm tin các đối tượng mới mua đất giao tiền. Lý vẫn biết Hồng không có đất để bán nhưng vẫn tác động để người thân mình mua đất. Hồng nói, đã đưa cho Bùi Văn Lý “mượn” hơn 361 triệu đồng/400 triệu đồng tiền bán đất “ảo”. Nhưng trong quá trình điều tra, Bùi Văn Lý thừa nhận đã mượn của Hồng chỉ có hơn 270 triệu đồng. Theo cáo trạng, hành vi giúp sức của Bùi Văn Lý không đủ cơ sở kết luận nên chỉ bị đề nghị xử lý kỷ luật cán bộ theo quy định của ngành.
Điều đặc biệt, dư luận rất quan tâm đến những gì đã xảy ra trong ngành giáo dục-đào tạo TP.Tam Kỳ thời gian qua, như vụ sai phạm tài chính nghiêm trọng ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, đây là ngôi trường điểm, trường chuẩn quốc gia, đây cũng là “bến đỗ” của học trái tuyến…
Sau đó, Hiệu trưởng Lương Văn Sơn chỉ bị cách chức bí thư chi bộ nhà trường. Lùm xùm nhất là xã Tam Phú được đầu tư xây dựng đến 9 trường mẫu giáo rồi bỏ hoang, hư hỏng nặng nề...
Vụ án trên được TAND tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử vài ngày tới.
Thiên Thanh