Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, tính riêng từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận gần 20 ca nhập viện cấp cứu vì bị rắn độc cắn.
Trong đó, ông Hồ Văn H đã nhập viện gần 20 ngày do bị rắn lục nưa cắn trong lúc đi làm đồng. Bệnh viện đã truyền cho ông H trên 100 đơn vị máu.
Các bác sĩ đánh giá trường hợp của ông H là xưa nay hiếm, vì chưa có ca bệnh nào nào bị rắn độc cắn ở Ninh Thuận mà truyền khối lượng máu nhiều như ông H.
Các trường hợp bị rắn cắn khi nhập viện đều được các y bác sĩ tận tình cứu chữa. Cấp cứu nhanh nhất. Trường hợp nặng thì huy động sự phối hợp của nhiều khoa để cùng cứu bệnh nhân. Đồng thời tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu sự nguy hiểm khi bị rắn độc cắn.
"Trường hợp ông Hồ Văn H là rất nặng các y bác sĩ vẫn đang tập trung cao độ để cứu chữa. Đối với rắn độc cắn ở Ninh Thuận, qua khai thác bệnh sử thì nhờ được tuyên truyền giáo dục sức khỏe nên bệnh nhân đã biết tìm đến cơ sở y tế sớm. Đồng thời bệnh nhân cũng biết sơ cứu ban đầu như cột dây cạnh chỗ rắn cắn để hạn chế máu độc tuần hoàn khắp cơ thể. Bởi vậy mà cơ may được cứu sống cao.
Tuy nhiên, có những trường hợp bị rắn hổ mèo cắn khiến hoại thư tại chỗ. Có khi vết cắn nhỏ ở tay nhưng gây hoại thư rộng ra bàn tay, cánh tay. Khi đó sau khi nỗ lực cứu sống thì phải phối hợp giữa cấp cứu với Khoa ngoại Chấn thương - Chỉnh hình để kéo da, đắp da, cấy da…rất công phu mới có thể hồi phục cho bệnh nhân", bác sĩ cho biết.
Qua đây các bác sĩ khuyến cáo, thời điểm hiện nay đang giao mùa, mưa xuống nên rắn độc hay xuất hiện nhiều. Người dân đi lao động, sản xuất cần cẩn trọng, nhất là khu vực nhiều lá mục, ẩm ướt hay rậm rạp rất hay xuất hiện rắn.