[Truyện ngắn] Con phố màu hổ phách

Người con trai thảng thốt thưa với bố về chuyện bế tắc của bản thân. Bao giờ người bố cũng là chỗ dựa, ôm chứa những nỗi niềm cả trong sáng tạo nghệ thuật lẫn đời sống thường nhật. 

Lâu nay việc sáng tạo luôn khiến anh hao tổn tâm huyết. Hải sinh ra sau ngày thống nhất đất nước, ao ước thổ lộ lên tranh bằng những nếp vẽ đầy trở trăn của phố. Màu cổ loang lổ rêu của những mái ngói lô xô trên những nếp nhà xưa cũ gợi nhắc anh về màu áo mẹ gian lao, màu mắt cha đầy nhọc nhằn. Nhưng anh cảm thấy không thỏa và chưa có cách gì vẽ được bức tranh hiện rõ sắc diện của phố một cách chân thực và ám ảnh nhất. Vẽ về phố phường Hà Nội đã có quá nhiều người làm với các chất liệu, kể cả dòng tranh cắt vải. Phải làm gì đó khác đi. Cũng với chất liệu ấy, cuộc sống ấy, người nghệ sĩ phải “kể” bằng giọng mình, màu sắc mình chứ không thể đi theo cách mà người khác đã làm. Nghệ thuật luôn là cuộc chơi nghiệt ngã.

Phố màu hổ phách. Ảnh minh họa
Phố màu hổ phách. Ảnh minh họa

Không khí ở Hà Nội có lúc ngộp thở vì phải chạy vạy mưu sinh, lúc khác lại chùng xuống vì cảm giác uể oải rã rời sau chuỗi ngày căng mình ăn khói uống bụi. Anh lấy vợ, mãi sáu năm sau mới có con. Cuộc đôn đả chạy chữa ngần ấy thời gian là một hành trình đằng đẵng mệt mỏi. Nhưng rồi đứa con ấy cũng chẳng khỏe mạnh gì cho cam, cứ dặt dẹo ốm đau, lấy hết tâm sức của anh, buộc Hải phải tạm gác lại chuyện vẽ vời để vừa làm việc ở công ty thiết kế, vừa cùng anh em nhận công trình ngoài lấy thêm thu nhập nuôi gia đình. Khác với con trai, bố anh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Đăng hơn nửa thế kỷ rong ruổi và trở trăn, đủ nằm lòng từng con ngõ nhỏ của thành phố nghìn năm. Ông chụp để giúp Hà Nội đẹp hơn, văn minh và con người gần gũi nhau hơn.

- Ai cũng có thể vẽ, chụp hay về phố. Nhưng không phải ai cũng có thể tạo ra cái chất riêng.

Ngay từ tấm bé, ông Hoàng Đăng đã dạy con cách yêu phố theo cách riêng. Khi yêu phố, người ta yêu từng nhánh hoa, hàng cây, từng nụ cười của bà, từng nét mi cong cong con gái đương thì. Biết con có năng khiếu hội họa, ông đã chắp cánh cho con thực hiện ước mơ. Sau này ngoài làm công việc ở một công ty thiết kế, con trai ông vẫn vẽ. Ông nhận thấy Hải có tài, nhưng nét cọ vẫn chưa chạm vào được cuộc sống. Sau hai lần triển lãm riêng, bản thân anh thấy bế tắc đề tài mặc dù nhiều lần anh tham khảo ý kiến bố. Nghệ sĩ Hoàng Đăng nói: “Con cần chọn hướng đi riêng”. Hải thưa: “Dạ vâng. Đó là công việc nhọc nhằn. Con vẫn chưa biết là có nên làm triển lãm hay không!”. Người bố bảo: “Vẫn phải làm chứ con, rồi từ từ rút kinh nghiệm. Tài năng trời cho, chúng ta không thể khiên cưỡng”.

Triển lãm diễn ra. Khách xêm xêm vui, có khen có chê. Dư luận bao giờ cũng là thứ khiến mỗi người nghệ sĩ phải kiên định để lọc. Hải tổ chức triển lãm hai lần sau khi đã cưới vợ và trước khi có con. Đó là quãng thời gian vừa hồ hởi vừa cô đơn nhập cuộc. Càng nhập cuộc càng thấy biển nghệ thuật mênh mông mù mờ, hội họa khó nắm bắt. Nhìn lại tranh mình và so với nhiều tranh của các họa sĩ đương thời, anh thấy nhợt nhạt giống nhau. Phố chẳng ra phố. Xem tranh mà vô hồn vô cảm. Đôi khi người ta cứ hoa lá cành quá, lúc khác lại quậy lên một tí nhưng chẳng ra đầu ra đũa. 

***

Khác anh, nhiếp ảnh gia Hoàng Đăng gặt hái hết thành công nọ đến thành công kia. Ông vẫn bám phố, thu lượm chất liệu, sống quảng giao với đời, với người và cảnh vật của thành phố. Hải không thể ngờ là bố mình lại có nhiều năng lượng đến thế. Vẫn những góc phố ấy, con người ấy, hàng cây xanh gội nắng gội mưa, những bông cỏ, áng mây chiều, con diều ngoại thành, trăng lặn Hồ Tây, sóng Trúc Bạch… Xưa cũ, vậy mà ông vẫn có cách chụp, góc nhìn mới lạ, để những hình ảnh ấy trở nên tươi rói đầy sức sống. Như thể nhựa sống trong từng góc quan sát, độ rung cảm của ông không bị vơi đi, dù cuộc sống đầy nhọc nhằn. Ngược lại, trong ông những mầm cây sáng tạo vẫn luôn được mọc thêm và đơm hoa kết trái. Hơn tám mươi tuổi, ông vẫn là tấm gương sáng tạo của con trai và khiến đồng nghiệp nể phục.

Này, bức ảnh góc phía tây Hà Nội, những đô thị mọc lên mỹ miều như sắc diện của một cô gái hiện đại trẻ trung. Này bức ảnh Hồ Gươm lung linh mà gờn gợn tóc liễu trong khoảnh khắc tuyệt vời của mùa thu. Hay là đây, em bé trong đêm hội trăng rằm, cứ hồn nhiên lạ, đầy sức sống và khuôn mặt hạnh phúc ấm áp. Ôi bàn tay, khối óc, tình yêu phố của ông. Từ những con ngõ sâu hun hút bỗng trở nên đầy rung cảm. Từ gốc cổ thụ xanh rêu thâm trầm như cụ già trăm tuổi, bật lên một mầm non nhỏ vừa ngơ ngác vừa đầy năng lượng, đang uống từng ngụm không khí đầu đời sôi nổi và gấp gáp. Ô kìa, dáng ai tha thướt chiều tan trường, tà áo dài trắng thanh tân như là bước ra từ cổ tích. Mỗi bức ảnh của ông đều nói lên điều gì đó rất đỗi đời thường, nhân văn. Tất cả chứng tỏ ông là một tay máy không tuổi.

Một biến cố lớn xảy ra với Hải. Vợ anh mất vì ung thư. Khi vừa phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn cuối, một thực trạng vẫn thường xảy ra ở đời sống này. Điều đó như một cơn ác mộng lớn, nảy ra từ sâu hoắm những nỗi lo cực nhọc của người trụ cột gia đình, rồi giáng một đòn mạnh ở hiện thực, khiến Hải gần như ngã khuỵu. Bè bạn động viên. Người bố nhân hậu động viên. Hải cố gượng dậy, vịn tay vào hội họa, nhưng cảm như càng cố hy vọng vào thì nó càng cố lảng tránh, đẩy anh ra xa. Một sự chối từ nghiệt ngã. Cố. Anh vẫn vẽ ra những bức vẽ vô hồn, trơ khấc. Anh bẻ cọ, mau chóng chìm vào rượu chè. Thấy con trai nằm bẹp gí ở góc đệm, người bố nhắc: “Con đừng đánh mất bản thân. Con còn phải là chỗ dựa cho thằng bé Quất. Con có khả năng, chỉ có điều chưa tìm ra nó được cất ở ngăn nào trong tâm hồn thôi”.

Hải sực tỉnh, lồm cồm bò dậy, người ngợm mềm oặt nỗi buồn rầu. Anh thưa: “Con xin lỗi bố. Không ngờ con lại bệ rạc thế”. Ông nói: “Con chưa hỏng đâu”. Hải thưa: “Con gần như đồ bỏ đi rồi”.

Pha ấm trà, chờ Hải đánh răng, rửa mặt, ông gọi con lại:

- Có những điều chúng ta không thể sốt ruột. Nhất là nghệ thuật. Nó bắt ta phải kiên nhẫn.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Đăng nói. Khi con trai ngồi yên vị, ông dắt anh về ký ức của hơn sáu mươi năm về trước…

Ngày ấy, ông không bao giờ nguôi quên. Đó là những khoảnh khắc trọng đại của thành phố trong thời khắc lịch sử quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Tác nghiệp, quan sát, ông thấy các ngã ba, ngã tư đều không có xe tăng, thiết giáp, các ụ súng đều bỏ ngỏ. Nghĩa là quân Pháp không có ý định chống lại khi quân ta tiến vào. Nhưng ông là một người chàng trai Hà Nội đầy nhạy cảm. Ông đã chụp được những khoảng khắc của hai dòng buồn - vui. Ông được tận mắt chứng kiến, khi đi qua một gia đình có con không trở về trong ngày vui giải phóng vì đã hy sinh, rồi lại đi qua một gia đình có đứa con trở về, nỗi đau và niềm vui đều tột cùng, khiến ông nhỏ lệ. Hai cánh tay ông run lên. Đến giờ ông vẫn nguyên cảm xúc.

Ông lấy từ trong tủ ra bức ảnh “Em đợi bố về” chụp em bé gái vào sáng sớm ngày hôm đó, dưới một gốc cổ thụ ngay ngã tư phố, đưa cho con xem. 

Người bố kể cho con hoàn cảnh mình gặp em bé, nhân vật bức ảnh. Khi đó, thấy em đứng một mình, ông hỏi: “Cháu không đi với ai mà lại đi một mình? Cẩn thận kẻo lạc nhé”. Em bé trả lời: “Nhà cháu ở ngay kia, cháu biết đường về. Mẹ cháu nhận giấy báo tử của bố cháu thì ở nhà khóc, còn cháu vẫn tin bố sẽ về cùng các chú bộ đội”. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ lại trào nước mắt. Và khoảnh khắc ấy đến. Bộ đội về Hà Nội. Đoàn quân đi như sóng trong không khí vô cùng hồ hởi. Ông đứng ở phía bên kia đường nhìn sang em bé, hai tay giơ cao, vẫy không ngớt. Tay em bé không có cờ, chỉ có cả thẩy tám ngón tay non tơ ngơ ngác. Đôi mắt, nụ cười đều long lanh “biết nói”, hồ hởi, hy vọng. Ống kính giương lên. Đây. Một thành quả ngoài mong đợi. Bức ảnh nói lên tất cả… Sau này ông tìm đến nhà em bé, mẹ em cho biết một bàn tay em bị tật bẩm sinh, chỉ có ba ngón lớn.

- Câu chuyện của bố hay hơn con tưởng.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Đăng vỗ vai con, ôn tồn:

- Tác phẩm làm nên tên tuổi người nghệ sĩ. Con cũng vậy, con cần phải biết chờ đợi khoảnh khắc đến.

Ông Hoàng Đăng đích thị là một nhân chứng sống của thành phố. Ông đã ghi lại những khoảnh khắc trọng đại của thành phố suốt từ thời khắc lịch sử quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô đến giờ. Chuyện đó ông đã từng kể nhiều lần với các con, với Hải. Ảnh của ông được dùng nhiều làm tư liệu, trong các bảo tàng, bộ sưu tập… Nhưng vì quá lấn bấn với đủ thứ chuyện, Hải đã quên hàm ý bố định nói với mình.

***

Cuộc đời dài, năm tháng vẫn trôi xa. Hải chưa thể sang trang mới. Anh vẫn chưa nguôi quên người vợ đã mất để có thể rung cảm trước một người phụ nữ khác. Rồi một ngày anh trôi vào cơn mê ở con phố quen thuộc trong sắc màu của mùa thu chín. Vẫn là con phố ấy, hàng cây, ngôi nhà ấy, hôm nay bỗng chuyển màu hổ phách, lung linh, diệu vợi. Trên con phố ấy là một gia đình hạnh phúc. Người chồng nựng đứa con trai ngồi lên vai, người vợ đỡ phía sau. Dù chị mặc áo dài trắng, nhưng trong sắc phố màu hổ phách, áo chị cũng đổi theo màu phố. Nụ cười của họ hơn cả niềm hạnh phúc. Nó là sự tròn đầy. Khoảnh khắc ấy chạm vào đáy sâu cảm xúc của anh, khiến anh rùng mình, rồi chợt reo lên sung sướng: Tác phẩm của mình là đây!

Ngay chiều ấy, anh đã vẽ lại bức tranh của gia đình đi dưới hàng cây màu hổ phách, con phố màu hổ phách. Mơ màng. Một tuyệt sắc trong sự biến chuyển của thu chín. Anh vẽ như lên đồng, cảm như chỉ cần đặt cọ lên toan là màu sắc hiện ra. Cuối chiều, bức vẽ hoàn thiện. Ông Hoàng Đăng quan sát việc con làm. Con trai ông đã tung ra một gam màu mới, pha trộn kỹ lưỡng các màu sắc. Bức tranh tròn trịa tuyệt diệu.

Ông khen con trai. Hải thưa: “Con đã nhìn thấy một khoảnh khắc thật! Con chỉ vẽ lại thôi”. Ông Hoàng Đăng gật đầu: “Đó chính là cảm xúc chín. Con thật là người kiên nhẫn. Bố đã thấy con đi tìm vẻ đẹp của phố và được phố trả công. Nghệ thuật đích thực không thu nạp người dễ dãi. Bố cũng nhắc con thêm, đôi khi còn là trời cho nữa”.

Hải vững dạ. Anh cảm ơn bố đã động viên. Đúng là, có phút giây nào đó, không thể giải thích được, con người bị hòa vào phố. Thành phố thân yêu.

Truyện ngắn của Quế Hương

Đọc thêm