[Truyện ngắn] Hồng

Không biết thằng con trai tôi nhiễm gu màu mè từ khi nào, mà cứ hở mồm ra là thốt lên: “Đời chẳng chịu trải hoa hồng nhưng ta thoải mái mộng mơ, ăn mặc cứ phải chọn áo hồng hoặc nhang nhác hồng. Đầu óc nó ám ảnh màu hồng đến mức bệnh tật”. 
[Truyện ngắn] Hồng

Nghe bạn gái nó trình bày hình như từ khi hai đứa rủ rỉ yêu nhau, thằng Đào luôn nhắc con Mận: “Bố anh không trải cho anh con đường đi bằng hoa hồng, nên số anh chưa sướng. Ấy thế, chẳng ai ngăn được anh mơ em”. Con Mận bĩu môi: “Em ra đời cũng như anh, nhỏ bé như cái trứng vịt. May mắn em có việc làm”. Hôm thằng Đào dẫn về nhà chơi, Mận bẽn lẽn lúc chào tôi bằng bác, lúc khác gọi bố xưng con. Tôi ý nhị gọi nó là con gái để nó thấy an toàn gần gũi. Lúc này,  mẹ cái Mận đơn thân và mẹ nó ướt át hay nói về chuyện hạnh phúc. Nhìn cách bọn trẻ yêu nhau thấy mình thật cổ lỗ xa hiện thực. Chửa chi chúng đã gọi nhau chồng chồng - vợ vợ. Đào uống rượu húng hắng ho khen ti con Mận hồng. Quen nhau và tương tác trên mạng, chúng nói chuyện với nhau qua smartphone nhiều hơn bên ngoài. Hễ gặp y như rằng làm chuyện người lớn. Nhìn là biết thằng con trai tôi hổn hển hạnh phúc.

Làm bố bọn trẻ thời buổi này thật khó. Điều gì chúng cũng cật vấn hạch sách. Với Đào nặng nhất là công việc và đàn bà. Công việc ư, tất nhiên tôi chẳng phải là chóp bu nào đó hay có đủ đầy quyền lực, quan hệ để lo cho nó hanh thông “ngồi mát ăn bát vàng”. Nếu không thì đã chả có câu chuyện này. Thằng Đào đôn đáo tự lực cánh sinh bằng hai chân. Lúc thì dạy tiếng Anh thời vụ cho một công ty chuyên bồi dưỡng cho bọn sinh viên săn học bổng đi du học. Khi hướng dẫn du lịch thời vụ. Bây giờ nó làm cho một đơn vị tổ chức sự kiện có tiếng. Hàng năm, ngày Tết, tôi vẫn chúc con “chân cứng đá mềm”. Lúc vui nó vẫn trách yêu: “Nếu bố trải hoa hồng cho đời con bước, con vinh quang có nhà, có xe lâu rồi”. Tôi quặc: “Anh tự bươn chải, giờ tự tin mức ấy chẳng thấy vinh quang lắm sao!”. Nó mê chuyện trải thảm khủng khiếp. Đến nỗi nhiều sự kiện do công ty tổ chức, nó xăm xắn cố giẫm thật nhiều lần lên thảm. Nhiều sự kiện chẳng liên quan, nó biết có trải thảm kiểu gì cũng phải bỏ việc đến ngắm nghía giẫm chân lên rồi hể hả ra về. Chuyện nó đam mê thảm trải cũng ê ẩm như bọn tiền mãn kinh dở dói làm thơ. Ngày xưa Đào học văn kém nếu không đã thành thi sĩ.

Chuyện đàn bà, tức người yêu, tôi cũng không dấm dúi cho nó được đám nào theo kiểu “chuột sa chĩnh gạo” như một số thằng bạn nó được bố chễm chệ thu xếp. Những thằng đó tưởng cạn nghĩ nhưng khôn lỏi, sâu sắc khủng khiếp. Khôn ăn người. Bố chúng nó tính toán, kiếm con vợ ngu ngu một tí nhưng gia đình có vai vế hoặc nhiều đất lắm biệt thự, kiểu gì chả có một suất. Nếu được cả người, cả nết lại tròn trịa kèm tài sản thì khác gì trúng số độc đắc. Phởn phơ giàu và tự hào. Hôn nhân chẳng phải giống một cuộc đầu tư nhang nhác cờ bạc gì đó sao? “Bố không lo được, con tự lo. Đường công danh con đã hỏng, đường tình con bố không trải hương và hoa. Đào chọn yêu vì con Mận nói hai đứa như vung với nồi úp rất khớp. Bơi thì cùng bơi. Sợ gì. Nó phăng phăng quyết tâm tự tin”. “Ừ”! Hai đứa dính nhau như keo làm tôi mừng lòng, chứ nứt mắt đã om xòm cãi vã chia tay thì cực lắm. Tôi muốn chúng thường xuyên về nhà ăn cơm nhưng họa hoằn lắm tôi mới gặp Mận khép nép chui ra từ phòng riêng thằng Đào. Bao giờ quần áo cũng xộc xệch, tóc tai dù cố chải vẫn uể oải tố ra hành động vừa rồi của chúng. Chúng đều nói có sự kiện phải đi. Theo dõi trên “phây” thấy khoe nhiều ảnh hí húi hàng quán nhộn nhạo.

Đứa con gái thứ hai của tôi ương bướng hơn và tất nhiên dưới chân nó cũng không có thảm đỏ, hoa hồng. Tôi vất vả xin cho nó làm cán bộ văn hóa ở phường. Đám bạn nhậu khen tôi chạy giỏi, còn hỏi có mối nào nữa không để giới thiệu. Tôi dốc ngược chén rượu lắc đầu. Trong đám bạn có một thằng hình như hóc xương nên cả bọn thận trọng nhằn. Chỉ được một năm, con bé bỏ theo bạn làm cho một hãng chuyên cho thuê váy cưới và chụp ảnh. Hỏi làm sao, An trả lời, cứ theo cái việc đó thì con gái ăn cám. Bố nghèo rồi, con không thể nghèo mãi. Tôi cứng đơ miệng ít nhất là ba mươi giây. Huyết áp hình như tăng đột ngột. Đờ đẫn. “Ờ! Bọn nhóc quay ra trách bố nghèo. Chắc trong bụng chúng khinh tôi”. Ít phút sau tôi dằn lòng, nói vớt: “Nghèo không phải là cái tội, phải không con gái? Bố mẹ đã cố gắng cho hai anh em con ăn học”. Về chuyện yêu đương, con An vụng về khác thằng Đào một trời một vực. Đào quan trọng hạnh phúc và bảo yêu nhau đôi khi phải thái quá một chút. Còn con An bảo tình yêu là cái thứ nhảm nhí. Có lúc con An tranh cãi về chuyện gia đình, trinh tiết với thằng Đào. An bảo ghét cái thói lúc nào cũng đỏ đỏ, hồng hồng của Đào. Anh không cần phải viển vông mơ. Anh cứ làm được nhiều tiền thì tự nhiên cảm giác anh không chỉ giẫm lên tiền, mà ánh mắt kẻ khác sẽ ngưỡng mộ và tự trải thảm lót dưới chân anh. Tôi vỗ tay khen thủ pháp lý luận đầy tính thực dụng của con gái. Đào phụng phịu nói: “Bố thì biết cái gì!”. “Vâng! Tôi chả biết cái gì. Số tôi cũng chẳng được ai trải hoa hồng trên suốt ba mươi năm từ tấm bé đến lúc kiếm được một chỗ chui ra, chui vào ngày thì “đầu tắt mặt tối”, đêm vẫn bốc vác kiếm thêm”. Lúc lập gia đình riêng cũng nhễ nhại tự bươn chải chứ chẳng có quý nhân phù trợ. Rồi vợ chồng sinh hai đứa chúng nó. Lúc chuẩn bị bước vào thời thiếu nữ, con An khen bố mẹ đẹp đôi. Đó là lần duy nhất từ trước đến nay nó khen hai vợ chồng. Đến khi nó biết đỏm dáng thì luôn mồm chê da mẹ tái, mẹ phải dùng son Hàn Quốc xịn. Tôi nhễ nhại mòn đít ngồi biên tập ở hai nhà xuất bản mấy chục năm, vừa rồi thằng bạn rủ sang làm ở một viện nghiên cứu nhằm thay đổi môi trường. Ở nhà xuất bản nhàm chán chậm chạp chỉ lãi được khoảng thời gian dài luyện mắt vì một đồng nghiệp nữ kém tôi năm tuổi điệu đà thích khoe ngực. Cặp vú của cô nàng lớn dần đuổi theo số tuổi và điều đó khiến nhiều lúc tôi muốn phạm tội. Tôi ghét triết nhưng thích luận điểm của Descartes - tôi tư duy - tôi tồn tại. Môi trường mới cho tôi thêm một chút thu nhập và vợ tôi mỗi tháng có thêm một thỏi son rẻ tiền, nhưng chưa đủ để lớn tiếng nói với thằng Đào là thu nhập của bố đã khá hơn. Cầm thỏi son vợ tôi xót tiền nhưng hể hả cười vì được chồng quan tâm.

Tôi chuyển cơ quan được hai năm mà thằng Đào vẫn chưa chịu cưới cái Mận. Chúng nhăn nhó bảo cày thêm để có chút vốn. Hôm rồi, Đào khoe trong tài khoản có gần hai tỷ và đôi uyên ương muốn mua căn hộ chung cư. Con giai tôi như vậy là tài. Nói là mua luôn. Đó là căn hộ nửa nạc nửa mỡ, nửa sang trọng nửa quê mùa ở khu cách Trung tâm 15 km. Bọn kinh doanh bất động sản luôn biết cách « pi-a » rầm rộ và đầy đủ mẹo bốc phét. Tôi động viên Đào mua là được con ạ. Đào cười rung rốn đột nhiên hứa cuối năm cưới. Đào vẫn thích thảm đỏ và ở cửa ra vào nhà nó dán một miếng to đùng dù ban quản lý nhắc nhở lột lên. Bên trong nó không dán sàn gỗ mà dán thảm. Về nhà nó muốn chân mình được êm. Cái Mận đã ba lần phá thai, bây giờ có chửa trước và hôm cưới lùm lùm hơn ba tháng. Không thể diễn tả nổi bố mẹ cô dâu vui đến cỡ nào. Cứ như bắt được vàng. Cha mẹ luôn muốn con cái ổn định và ở đây họ tin là cái Mận chọn đúng người. Ít nhất không phải sống cảnh thuê trọ. Hôm con Mận ở nhà tôi, dù chẳng nghe trộm nhưng tôi chắp nối thông tin thì biết cả nhà nó đều nhìn rõ căn hộ nó vừa mua và trông chờ vào tương lai của thằng Đào.

Ngày cưới Đào, tôi trót kiếm một trung tâm tiệc cưới rẻ tiền nhưng cố tỏ ra sang trọng ở cạnh một con sông chết. Nước sông luôn lờ nhờ đen và bốc mùi. Chỗ đấy có một quán cà phê cách đây ít tháng một con bé lanh lợi muốn học tiến sĩ rủ tôi vào nhà nghỉ nhưng tôi từ chối. Mục đích là muốn tôi dẫn tới gặp vài ông trong hội đồng. Khách đông tầm tầm và xêm xêm đủ mâm. “Em-xi” dẫn chương trình làm khá tốt phần nghi lễ và trong khi mọi người dùng tiệc có mời mấy khách lên hát, nghe như cãi nhau. Con An khoác tay người đàn ông của nó và cầm ly ra giới thiệu tôi. Tôi sững người, chân mềm nhũn suýt ngã dù chân tôi chưa bao giờ bị gút. Đó là thằng phó giáo sư đã kéo tôi về viện nghiên cứu công tác. Hắn đưa tay ra bắt kèm theo cái cười vừa cầu thị vừa đểu. 

-Tôi biết An là con gái anh, nhưng tôi không ngần ngại. Anh em mình hiểu nhau và kiểu gì anh cũng biết chuyện. 

Tôi vẫn chưa nói gì. Con An cười cầu an. Dường như nó đợi ở tôi một cái gật đầu. Từ ngày tôi về viện trán hắn hói hơn. Tôi biết hắn li dị vợ một phần vì thu nhập eo hẹp và phần lớn vì cái trán này. Con gái tôi sẽ làm gì để hòa hợp với hắn. Có phải “nồi nào úp vung nấy” không? Và cái trán hói ấy lấy gì để bảo đảm cho tương lai của con An? 

- Hai người yêu nhau từ bao giờ?

Hắn định trả lời nhưng con An lên tiếng trước. 

- Sáu tháng bố ạ. Con yêu sự chân thành, cởi mở của anh ấy và con bắt đầu mê triết học. 

Tôi suýt không đứng vững dù chẳng phải vui quá mà uống nhiều rượu. Tôi bỏ vào toa-lét nôn khan. Lúc chuẩn bị bước ra thì đột nhiên nôn thật. Bãi nôn tóe xuống sàn tởm lợm hình trái tim. Tôi lao vội ra ngoài. Khách đã về vãn và vợ tôi cùng ông bà thông gia vừa thô thiển vừa trịnh trọng cúi đầu cám ơn khách ở ngoài cửa. Mấy đồng nghiệp ở viện lao đến bắt tay tạm biệt tôi. Một vị vấp suýt ngã lên thảm đỏ lỗ chỗ nhám đen chỗ bậc lên xuống. Tôi thấy con An tiễn cái thằng người yêu giời đánh của nó ra sát đường. Tự dưng trời đổ mưa. Khách nhốn nháo, kẻ ở người về, hí húi móc áo mưa ở chỗ để xe. Con An che đầu chạy ào vào. Tấm thảm nó vừa chạy qua cũng ướt. Tôi chẳng biết mình nên cười hay mếu.

Truyện ngắn của Lê Thanh Xuân

Đọc thêm