[Truyện ngắn] Nghề lạ

Cái Oanh cứ đay đi đay lại. Mẹ tao với mẹ mày đã còng lưng, tao với mày phải sướng. Tôi gật đầu, ừ hữ. Oanh ăn nói chua chát và ý nghĩ thực dụng hơn kể từ ngày đi làm nghề mẫu make up cho các trung tâm dạy trang điểm. 
[Truyện ngắn] Nghề lạ

Cứ ngồi giương má giương mặt cho bọn học việc tô tô vẽ vẽ, bôi trát đủ thứ mỹ phẩm rẻ tiền, chừng một tiếng được nhận tiền công năm mươi nghìn đồng. Hai tiếng một trăm nghìn. Nghề trang điểm đang nở rộ và người học việc nhan nhản. Nên cũng nhan nhản sinh viên và đám học xong chưa có việc làm lao đầu vào. Khuôn mặt càng ưa nhìn càng được các trung tâm lựa chọn. Ca kíp chạy xô liên miên. Oanh bị hấp dẫn bởi công việc này. Nó rủ hai đứa bạn cùng lớp ngày xưa tham gia. Mấy đứa đó thấp hơn tôi, nhưng mặt ưa nhìn. Tiền kiếm rổn rảng. Oanh nhả từng từ, tỏ vẻ sảng khoái: Ngon đấy. Đỡ vất mà lại vui. Hay mày bỏ làm công nhân, đi với tao. Tôi lắc đầu.

Tôi và nó cùng quê, cùng tốt nghiệp cao đẳng và cuối cùng dòng đời xô đẩy, chẳng đứa nào xin được đúng ngành kế toán đã học. Tôi rẽ sang làm công nhân ở khu công nghiệp, cuộc sống hàng ngày gắn với vải vóc, những chi tiết và công đoạn may khâu áo quần, với những giờ tăng ca mệt mỏi, có thời gian còn bị cấm đi vệ sinh giữa giờ làm. Oanh hết làm bưng bê cho quán cà phê lại co váy đẩy cao ngực làm PG cho mấy hãng rượu mới nổi. Tư tưởng của Oanh là sống đừng lành quá, đừng lương thiện quá. Làm gì bốc bốc cũng được, miễn có tiền. Tính nó đổi từng ngày. Bạo dạn. Mạnh mẽ. Chịu xoay xỏa. Khi làm PG, Oanh cố gắng tận dụng mọi lợi thế của cơ thể để làm mình nổi bật. Nó hấp dẫn, khơi gợi, đó là điều không phải bàn cãi. Vì thế nó bán hàng tốt nhất trong nhóm cùng làm. Sau đó tôi khuyên nó đã giảm dần bởi PG lắm cạm bẫy, có những góc khuất nhơ nhớp khó ngờ và nó chuyển nghề mẫu make up. Giờ khi có người nhờ tăng cường cho các công ty ra sản phẩm mới, nó mới đi.

Hai đứa vẫn sống nơi xóm trọ cũ. Từ đó tôi chạy xe máy đến khu công nghiệp làm việc tuy xa chút ít nhưng thấy quen, an toàn. Xóm trọ có hai đứa làm cho công ty dấm, gầm giường xếp toàn chai lọ. Thi thoảng bọn nó đưa cho tôi và Oanh một lọ măng ngâm dấm ớt bảo ăn hộ. Măng dấm ớt hợp với Oanh. Nó bảo: Ăn cho đời đủ vị.

Cuộc sống nơi xóm trọ có màu sắc bần hàn nhưng vui. Mẹ tôi mấy lần ra chơi, bảo tôi và Oanh trung thành với xóm trọ có hai cây khế ngọt quá. Tôi vâng. Mẹ bảo con gái có thì, đi làm rồi cũng phải quan tâm chuyện chồng con. Tôi thưa: “Con chờ có tí vốn liếng đã. Lương công nhân thấp, con cố tăng ca”. Mẹ âu yếm: “Cố quá, ốm ra đấy thì khổ. Cứ lấy chồng, nó ắt lo”. Tôi không biết nên cười hay mếu, bởi thật sự thời gian dành cho bản thân quá ít ỏi, huống hồ chuyện yêu đương. Có tối về nhà đã mười giờ, được hôm sớm nhưng cơm nước xong, người mệt bã, chả muốn nhấc xác thì cũng triệt tiêu luôn tư tưởng hẹn hò. Mấy năm qua cứ động về quê, sang nhà cái Oanh, mẹ nó thúc: “Cháu kèm con Oanh cho cô. Tính nó hiếu thắng. Mà sao không rủ nó đi làm công nhân cùng với cháu? Nghe nó nói làm những cái gỉ cái gì ấy, đau hết cả đầu. Rồi hai đứa rủ nhau lấy chồng đi”.

Con Oanh rủ tôi làm cùng còn mẹ nó thì ngược lại. Mẹ nó tin làm công nhân lành lặn. Nghề cho thuê mặt nhàn nhưng cũng bạc. Ai mà biết người ta tô vẽ cái gì lên mặt mình. Mặt con gái là cha mẹ cho. Cha mẹ cho cái Oanh nhan sắc hơn tôi. Mặt nó có điểm nhấn, còn tôi rất trầm. Trầm như không thể trầm hơn. Như thể có cố gắng trang điểm đậm thì khuôn mặt vẫn chỉ mộc mạc. Oanh coi mình có nhiều lợi thế. Nó dùng nhan sắc ấy đem bán. Tôi sợ sệt với những điều lạ lẫm, cam chịu, tôi chấp nhận làm công nhân, vẫn cố gắng tìm kiếm công việc ở một công ty nào đó để kẻo quên hết kỹ năng kế toán. Ước thì cứ ước chứ biết ngày sau ra sao.

***

Oanh tha cái xác hở hang nồng nặc mùi rượu về khi đã quá khuya. Tối nay tôi về sớm, ăn uống và tự thưởng chương trình ca nhạc trong điện thoại, rồi nằm nghĩ liên miên cho đến khi Oanh gõ cửa phòng. Ào vào giường, ném cơ thể ngồn ngộn xuống, buôn điện thoại một hồi, rồi Oanh nhể nhả nói. Nó lại giục tôi bỏ làm công nhân. Ui giời, mày trang điểm vào cũng mặt hoa da phấn. Thay đổi cách ăn mặc đi nữa là tuyệt. Thu nhập của mày chỉ bằng nửa tao, đúng không, mà suốt ngày mặt cúi bụng gập. Rồi đo đo vẽ vẽ, nối chỉ, so kim chứ gì. Vứt. Tao nói với mày bao nhiêu lần rồi, chúng mình còn phải lấy chồng nữa, nên cứ theo tao, vừa làm vừa chơi.

Tôi để nó huyên thuyên một hồi, rồi bảo:

- Mày say rồi, đi ngủ thôi. Nó vặc lại:

- Con khỉ. Say nhưng tao còn biết làm gì để sống tốt hơn.

Nó lại định gây sự. Đó là điều tôi không muốn. Quả thật tôi không thể nghe theo, dù biết chường mặt mình cho thuê cũng có tiền, nhưng thấy sai sai làm sao. Có phải tôi nhút nhát, an toàn quá? Tôi như con chim không muốn nhấc mình ra khỏi cái tổ. Tôi vẫn muốn chờ một điều gì đó mơ hồ. Tôi sẽ chọn một người công nhân, hay một chàng trai nào đó đủ thương và yêu làm chồng. 

- Tao với mày khác nhau Oanh ạ.

- Đồ điên. Mày định gắn với mấy cỗ máy lạnh lùng, bẩn thỉu đó mãi à? Mày cứ thích sống nội tâm chỉn chu với nội quy và âm thầm chịu bọn chủ nó ứng xử tệ với thợ, rồi hằng ngày cơm suất uống nước canh nhạt thế à? Mày có nghĩ cho mẹ mày không hả Ngân? Mày sống ở đất này bao năm mà vẫn xanh và non thế!

Nhắc đến mẹ làm tim tôi đau nhói. Mẹ khổ với ruộng đồng và chỉ mong tôi ra ngoài giữ mình, đừng để mang tiếng hư hỏng. Tôi đã hứa với mẹ và tôi thấy mình ngoan. Còn cái gì Oanh cũng hơn tôi. Xinh và chịu chơi. Nó mới sơn bộ móng tay hơn một triệu đồng, bằng một phần ba tháng lương của tôi. Kiếm được tiền thật nhưng nó không biết giữ. Khuyên nó tiết kiệm, Oanh lục bục bảo đời được mấy tí, chẳng hưởng thụ thì để làm gì. Tôi hơn Oanh mỗi việc là còn cả cha lẫn mẹ. Còn nó mất cha. Cha nó đi làm ăn xa rồi theo một người đàn bà khác. Mẹ nó uất. Nó hận. Tôi thương.

Đêm vẫn trôi và cái Oanh chưa muốn dừng lại. Nó hát ông ổng. Hôm nay mày làm sao thế hả Oanh, hâm à? Khuya rồi, để tao và hàng xóm ngủ. Nó lại ha hả cười, rút trong túi xách nhỏ ra sợi dây chuyền, khoe: “Gã này say tao rồi, vừa tặng sợi dây chuyền đây, còn rủ tối mai đi nghe giao hưởng ở Nhà hát lớn”. “Con nhà tử tế chứ?”. “Ừ, phong độ, đẹp trai, ga lăng. Gã ấy còn bảo phía trước gã có thiên đường”. “Số mày sướng, nhưng cẩn thận nhé”. “Ý mày bảo tao đề phòng giữ mình chứ gì? Ngân ơi, yên tâm, tao biết mình làm gì”.

Nó nói mà tôi đâm lo. Lừng chừng đi vệ sinh, rồi lại leo lên giường, tôi khuyên được Oanh đi ngủ. Nó ngáy rõ to. Đầu óc tôi vượt qua chướng ngại là những âm thanh khó chịu đó, chìm vào giấc mơ. Mấy hôm sau nhằm ngày nghỉ chủ nhật, tôi theo Oanh thử đi ngồi mẫu make up với nó. Trước tiên qua tiệm chỉnh sửa mái tóc, sau qua ngồi thử một tiếng. Song, Oanh thốt lên: “Đấy, mặt mày hiền mà xinh”. Mấy cô học việc ngồi bên cũng gật đầu tán thưởng: “Chị ấy giản dị, nhưng cũng dễ trang điểm”.

Oanh bảo để nguyên, đi gặp “chàng hoàng tử” của nó. Mặt nó đầy hy vọng hồ hởi tự hào muốn giới thiệu với tôi. Quán ăn sang. Nhạc nhẹ. Bát đĩa bóng loáng. Hoàng tử phong độ nhưng ăn nói trịch thượng, thở câu nào cũng có mùi tiền, luôn hứa sẽ cho cái Oanh thứ này, làm nó sung sướng thế kia, cũng bởi bố anh có quyền, có tiền. Oanh uống từng lời. Tôi đâm lo. Tuổi trẻ ngày nay đứng trước nhiều lựa chọn. Oanh có sắc, nó có quyền, tôi cũng có quyền quyết định đời mình, nhưng trong dòng chảy ồn ào đầy chông gai này ai chỉ cho chúng tôi phải làm thế nào để mình là mình?

***

Nể lắm tôi mới tiếp tục theo cái Oanh vào những ngày chủ nhật. Sau một tháng kể từ khi tôi ngồi làm mẫu trang điểm thì mặt Oanh nổi mụn, ửng đỏ, ướt nhẹp, làn da có nguy cơ bị tàn phá. Hai đứa bàng hoàng hơn khi không chỉ mặt mà bụng Oanh cũng phồng lên. Hậu quả hoàng tử để lại. Nó gọi điện cho chàng. Chàng vô tình: “Em đi phá, anh cho tiền”. Oanh níu: “Hay là mình cưới đi anh, em để sinh”. Hoàng tử quát: “Em điên à? Chúng ta chỉ là những người qua đường thôi”. Hoàng tử chưa cho Oanh đến thiên đường, nhưng đã xô nó ngã vào đau khổ.

Thai hơn hai tháng. Oanh khóc, hỏi tôi phải làm gì? Tôi đưa nó vào viện khám. Nó ao ước lấy chồng thành phố, nếu lấy được hoàng tử của nó thì đời nhàn. Nhưng nó đã lầm. Khó khăn lắm bác sĩ mới dọn sạch hậu quả của hoàng tử. Nhưng khuôn mặt thì không thể cứu vãn. Mụn vẫn đang tàn phá khuôn mặt. Hoàng tử cũng không đến với nó nữa. Còn tôi nhận được tin nhắn của tổ trưởng cùng ca làm với tôi. “Em ơi, cho phép anh được mời cà phê vào tối nay nhé”. Tôi vẫn chưa một lần nhận lời cà phê dù anh chủ động nhiều lần. Tôi thận trọng cân nhắc. Để xem sao. Sau chuyện của cái Oanh, tôi soi gương và nhủ mình. Nếu trôi theo cái Oanh thì chẳng biết đời mình sẽ thế nào. Tôi thấy may mắn, mình chỉ là một đứa công nhân quanh năm tiếp xúc với máy may công nghiệp, vậy thì sao chứ. Tôi vẫn ngẩng cao đầu. Tôi soi gương, xoa tay lên mặt mình. Khuôn mặt vẫn vậy, từ tốn và dịu dàng với gam trầm. Nhưng tôi yêu nó, vì đó là bố mẹ ban cho.

Truyện ngắn của Ngô Thục Miên