[Truyện ngắn] Thiếu gia tỏ tình

(PLVN) - Thiếu gia đốt thuốc như đốt rơm, cũng trăn trở, vò đầu bứt tai như ai. Đó là lần đầu tiên người ta thấy thiếu gia biết buồn. Không phải cha mẹ thiếu gia ốm chết, mà chính là con chó phốc được gọi với cái tên mỹ miều Lu Lu chết. 

Buổi tối hôm đó nhà như có tang, không chỉ thiếu gia khóc mà chị thiếu gia cũng ri rỉ tiếc thương cho chú chó xấu số. Hình ảnh này làm đám nhân viên quán karaoke vùng ngoại thành này - nơi mà dường như mọi chi tiêu của gia đình trông chờ vào - hình dung ra mấy tháng trước đó, bà nội của thiếu gia không may qua đời. Thế nhưng, thiếu gia không rơi bất kỳ một giọt nước mắt nào. Chuyện con Lu Lu chết cũng qua đi như một đám mây lặng lẽ, khi thiếu gia cau có đòi chị mình dẫn đi mua một con phốc khác, đẹp hơn, đắt gấp đôi thay thế.

 

Yêu chó, nhưng không động tay, động chân đến chuyện chăm sóc, thiếu gia trông chờ cả vào đám nhân viên nhà hàng karaoke. Thiếu gia ham chơi suýt thành kẻ thất học, may thay được người thân động viên, gia đình xin cho cậu học một trường trung cấp nghề, nhưng mỗi sáng đi học, phải kèm theo một người chở thiếu gia đến lớp, ngồi cạnh để cậu sai bảo. Con “a còng” đã bị nát bét sau một tai nạn mà chính cậu ngông cuồng này tự gây ra, suýt làm mất mạng một em bé đạp xe. Nay cậu có con “ét hát” màu mận chín nhã nhặn bóng. Cậu thích thể hiện và với đám bạn gái cùng lớp, thiếu gia chẳng thấy ưng ai. Con gái gì mà cứ lùn tịt, mặt mũi thô nhám, tay chân cáu bẩn, môi thâm. Xe máy cậu phi ầm ầm thường cõng theo một em ưỡn ẹo trắng mà áo quần mỗi manh chỉ khéo léo bé bằng bàn tay. Những em sinh viên cùng lớp nhìn thấy mắt tròn, mắt dẹt nửa bĩu môi, nửa muốn bắt chước.

Ở lớp thiếu gia ngồi bên cạnh Nhiên, cô gái quê lúa nết na ham học thi đỗ đại học nhưng phải đi tắt học nghề và đi làm thêm. Cô muốn ra trường sớm kiếm tiền trụ lại thành phố trước đã. Giấc mơ đại học bây giờ không còn xa xỉ như trước, mà ngược lại, một công việc tốt đáng với tới hơn. Thiếu gia chẳng bao giờ quan tâm đến Nhiên nhưng mỗi bài kiểm tra cậu đều nhờ cô giúp hoặc nhìn trộm để chép. Xong chuyện cậu lại vênh váo đi qua, có khi chỉ ném lại một nụ cười khinh khỉnh. Nhiên chẳng thèm quan tâm. Nhìn thì biết cậu ta con nhà giàu nhưng cô đủ nhạy cảm để thấy người này không phù hợp làm bạn. Cô không bận tâm cậu ta có bỏ học, có chép bài đầy đủ hay không. Vậy mà trong lớp tung lời ì xèo cô thích thiếu gia. Chẳng bận tâm. Một người bạn gái hỏi chuyện đó thật không, Nhiên lắc đầu. Không phải. Mình chưa tính đến chuyện đó, với lại cậu ta chẳng bao giờ thích những đứa con gái như mình. Mình cũng chẳng hợp với cậu ta. Vậy mà mình cứ tưởng…

***

Thiếu gia yêu cuồng nhiệt say mê suốt tuổi trẻ của mình. Tất nhiên cái cuồng nhiệt theo kiểu con nhà giàu và theo ý cậu ta. Ích kỷ và thích chiếm đoạt. Cô bạn gái thường xuyên thích chiều chuộng và ưỡn ẹo ướt át, thích mặc hở hang thích hát karaoke thích đi ăn uống. Thiếu gia lắm tiền cậu chiều ngay. Ngoài tiền gia đình cho chi tiêu cậu ham lô đề ngày nào cũng “oánh” vài con. Số đỏ nên cậu trúng, xả láng chi tiêu.

Cậu tự hào con nhà giàu, tự hào cách tiêu pha không tiếc tay. Cậu sẵn sàng thuê tắc xi đưa người yêu xuống tận Hải Phòng, Quảng Ninh chơi hoặc rủ cả nhóm bạn xuống đó nhậu tưng bừng xõa cánh một bữa rồi về.

Một ngày thê lương cho thiếu gia, ủ ê xót xa đối với cả gia đình. Cậu đua xe bị “xòe” gãy chân người ngợm tơ tướp phải vào viện bó bột. Cô người yêu vào xót xa khóc được buổi đầu rồi từ đó lặn mất tăm. Cô biết rằng thiếu gia chỉ bao mình ăn chơi được chứ dứt khoát không phải là chỗ dựa. Không thể đặt cược đời mình vào một người không có ý chí chỉ thích hưởng thụ. Lạ thật, một cô gái nổi tiếng mít ướt lúc này cũng sâu sắc biết nghĩ. Thiếu gia nhắn tin gọi điện cô ta chỉ nói bận, sau nhiều lần bị làm phiền liền nói em mệt rồi anh đừng gọi em nữa, em không muốn gặp anh. Thiếu gia điên tiết ném bụp điện thoại vào bức tường nham nhở trắng của bệnh viện, điện thoại vỡ lả tả rơi mỗi chỗ mỗi mảnh. Bao nhiêu tức giận trút vào đấy. Bao nhiêu tình yêu và chăm chút dành cho người yêu, để giờ nhận lại lý do phũ phàng.

Bực mình, thiếu gia bỏ ăn. Gia đình loạn cả lên, mẹ cậu xót con dỗ ngon, dỗ ngọt động viên. Cậu nghỉ học không báo với ai. Thầy chủ nhiệm, cán sự lớp không hiểu vì sao cậu bỏ dài ngày. Gọi điện thoại không thấy liên lạc được. Thôi chết, cậu ấm con nhà giàu ham chơi hơn học bốc hơi rồi. Sự thiếu vắng của cậu khiến lớp nháo nhác một thời gian. Nhiên bỗng thấy nhớ. Lâu lâu không thấy gã trai vênh váo làm phiền mình. Bài thi cũng không còn kẻ nhòm nhòm, ngó ngó. Tối về cô bỗng thấy cồn cào, sao đầu óc cứ lởn vởn nghĩ đến gã đó nhỉ? Thâm tâm cô tự vấn. Là sao thế nhỉ? Cô bạn cùng phòng trọ thấy Nhiên thấp thỏm, hỏi thì cô chối, đâu có chuyện gì.

Nhà trường không quan tâm nhà thiếu gia ở đâu. Cả lớp cũng coi chuyện của cậu thành quá khứ. Chẳng hiểu sao Nhiên vẫn không quên được. Lục lọi hết trong tâm khảm cô chẳng thể lý giải nổi tại sao mình không thể nào quên.

***

Đời sao nhiều nỗi tréo ngoe, Nhiên xin việc làm thêm, lại đúng vào quán karaoke nhà thiếu gia. Tin tuyển dụng được đọc ở báo. Hôm mang hồ sơ đến và hôm phỏng vấn qua quýt cô không thấy thiếu gia. Chị con gái cả nhà chủ nhìn thấy ở Nhiên sự nhiệt tình, tháo vát nên dễ dàng nhận cô đứng quầy thanh toán cho quán từ năm rưỡi chiều đến mười rưỡi đêm. Mức lương cô cho là hậu hĩnh và cô thấy may mắn. Hôm đến làm việc đầu tiên cô gặp thiếu gia. Cậu gầy hơn, mái tóc không còn nhuộm bạch kim với chút phơn phớt đỏ như sơn nữa. Đôi mắt không còn kiêu ngạo kẻ cả nữa. Nó nhợt nhạt thiếu sức sống và bợt bạt nỗi chán chường. Nhiên không thể hiểu nổi tại sao cậu ta đi hơi tập tễnh. Hai người gặp nhau thoáng chút bối rối.

- Sao cậu nghỉ học mà không báo với ai? Mọi người rất nhớ - Nhiên nói.

- Thì chán, không thích nữa.

- Không ai biết cậu nghỉ học vì lý do gì.

Thiếu gia quay đi, nói vẻ bực dọc:

- Đua xe, ngã, gãy chân nặng quá giờ như thằng què...

Câu nói của thiếu gia như mếu. Nhiên hiểu, đang cao ráo, đẹp giai, sành điệu, giờ tập tễnh, ai chẳng sốc nặng. Thôi, kệ cậu ấy. Ừ, mà không kệ cũng đâu có giúp được. Cậu ta lảng đi chỗ khác, còn Nhiên bắt đầu quay vào công việc. Thi thoảng thiếu gia liếc nhìn trộm Nhiên và ngược lại. Nhiên cứ thấy thiếu gia tồi tội làm sao (!).

Chẳng mấy chốc đã qua một tuần làm việc. Thiếu gia cứ ở mãi khu nhà trong bí bức. Mẹ xót con cứ động viên ra nhà ngoài. Ra ngoài thì giáp mặt Nhiên. Hai người lại ngượng ngùng, bối rối nhìn nhau. Đầu Nhiên cứ ong ong niềm thương cảm và không thể xua nổi hình ảnh bất lực của cậu ta. Nhưng cô thấy nếu chỉ vậy thôi thì chưa là gì cả. Cậu ta vẫn có thể học hành, vẫn làm việc được. Khuôn mặt vẫn rất nam tính. Chỉ dáng đi tập tễnh chút xíu.

Nghĩ thế nào đó, hai tuần sau thiếu gia bảo Nhiên: 

- Cậu nghỉ việc ở đây đi, tìm chỗ khác mà làm.

Nhiên thấy bất ngờ. Hỏi thì thiếu gia chỉ bảo ngại và không muốn thế. Mẹ thiếu gia thấy hai người thì thụt nói chuyện mới biết Nhiên là bạn học của con trai mình. Bà quý Nhiên từ mấy ngày đầu đến nay càng quý. Nhiên không nói sẽ chuyển đi. Mấy hôm sau, khi nghe thấy thiếu gia to tiếng, quát lên với Nhiên, đòi Nhiên phải nghỉ thì bà can thiệp. Bà hỏi sự tình và động viên con và Nhiên. “Nó không phải đi đâu hết, cứ ở đây!”. Lời của bà mẹ bảo đảm cho Nhiên. Cô vẫn thấy thi thoảng thiếu gia nhìn trộm mình. Rồi thiếu gia nổi đóa:

- Cậu đi đi, sao cứ bám lấy nhà tôi làm gì?

Nhiên sững người. Cô khóc. Thiếu gia tung mấy lời đau hơn: “Ngoài kia thiếu gì việc, sao cứ phải ở đây?”. Nhiên khóc to hơn. Lại là bà mẹ nghe thấy. Bà gọi con trai vào nói chuyện. Rằng Nhiên đang làm rất tốt vị trí đó. Rằng từ trước đến nay làm việc khoảng thời gian buổi tối, bà chưa ưng ai ngoài Nhiên. Đừng đuổi con bé đi. Thiếu gia cứng họng nhưng cũng chỉ bảo: “Không thích là không thích”. Bà mẹ thấy khó hiểu tính tình con trai.

Rồi một ngày, bà mẹ nói với Nhiên chính cô là người có thể giúp con trai bà vượt qua khủng hoảng. Nhiên đồng ý giúp bà. Vả lại cô thấy ấn tượng với cậu ta. Cô là người đã thích ai thì sẽ nói nên điều đó không úp úp, mở mở. Lựa đúng ngày sinh nhật, gia đình tổ chức hát karaoke cho thiếu gia có mời Nhiên tham dự. Nhiên và thiếu gia cùng hát bài Chân tình. Hát xong tự nhiên hai người nhìn nhau ấm áp. Như có một luồng xung điện kết nối hai quả tim. Tự dưng Nhiên thấy nao lòng, còn thiếu gia thấy tâm trạng phấn chấn. Hai hôm sau chính Nhiên gọi điện mời thiếu gia đi uống cà phê. Cậu lưỡng lự, thuyết phục mãi cậu mới chịu. Đó cũng là lần đầu tiên kể từ khi bị tai nạn, thiếu gia mới đi ra ngoài. Chuyện tào lao, rồi thiếu gia biết được hoàn cảnh của Nhiên. Cô phải vừa học vừa làm thêm nuôi một em đang học đại học và sắp tới đèo bòng một em trai nữa. Chị cả bao dung đỡ đần các em, vậy mà cô vẫn đầy trách nhiệm với đời mình. Còn thiếu gia, đã đốt gần như cả tuổi thanh xuân cho những trò dại dột, giờ nửa lành lặn, nửa tàn phế. Từ hơn một tuần qua, Nhiên đổi cách xưng hô với thiếu gia.

- Anh chưa mất gì cả đâu. Anh vẫn có mọi thứ và anh cần có trách nhiệm với cuộc đời mình.

- Em nói đúng - anh đã ăn chơi vô độ, quên cả bản thân mình. Cả một năm sau tai nạn, anh nghĩ đời mình thế là hết. Rồi gặp lại em, chính nghị lực của em đã buộc anh phải nghĩ. Anh hèn lắm phải không? Không, anh sẽ không hèn nữa đâu - thiếu gia nói chắc như đinh đóng cột - em cứ yêu anh đi, em sẽ thấy anh trưởng thành.

Nhiên cười như hoa trong nắng thơm. Hai má bỗng ửng đỏ. Lần đầu tiên cô ngồi nghe một chàng trai tỏ tình.

Truyện ngắn của Diên Khánh

Đọc thêm