[Truyện ngắn] Thương hoa

(PLVN) - Cữ này hoa sen còn đang nở rộ bên vạt đầm ven sông. Bóng chim vụt qua nền trời, soi lên mặt sông những vệt dài mờ ảo. Người đến khu Đoài vẫn bảo, không nơi nào có hoa sen bền như nơi này. Mọi nơi hoa sen sẽ tàn khi chưa cuối hạ. Nhưng vạt đầm thôn Đoài tận sang thu sen vẫn cứ dịu dàng ngát hương, nhụy vẫn vàng đến kiệt cùng. 
[Truyện ngắn] Thương hoa

Kiệt cùng như chị Mến, đẹp đến kiệt cùng thời con gái, nhưng cũng lấn bấn quá chừng và đến nay chị vẫn chưa chồng. Có người bảo chị đời hồng nhan bạc phận. Không bạc mệnh sao đời bắt chị mất tiếng sau trận ốm năm mười ba tuổi. Người trai hàng xóm lớn lên cùng mà chị yêu say đắm và gắn bó tình nghĩa dứt áo ra đi thì chị mới nói được tròn vành rõ chữ.

Đến lúc này chị thấy quen rồi. Không chồng, đời có lúc hoang lạnh, nhưng chị có xuân sắc, có mùa hoa và bến sông. Cuộc đời không ai được trọn vẹn tất cả. Ở tuổi ba mươi, chị vẫn dịu dàng như sen, thương hoa và sống cuộc đời giản dị bên những mùa hoa…

Xưa mẹ Mến làm nghề chở đò qua sông. Đời bà xuống lên theo con nước. Từ thôn Đoài, khu Đoài muốn ra thị trấn phải sang sông rồi đi chặng đường gần sáu cây số. Đời mẹ chị trĩu trịt vất vả, cái nghề chở đò của mẹ chị vắt sang tuổi niên thiếu của chị và chị nhớ đó là một bến sông giản dị vô cùng.

Người già vẫn gọi khúc sông này là sông Con gái, mặc dù sông có tên đẹp: Sông Ngân. Người làng lý giải, bao nhiêu con gái của làng được gả về phía bên kia, được coi là phát triển văn minh hơn, cơ hội đổi đời lớn hơn. Mùa con gái lấy chồng, mùa xuân, nước sông không quá trong, nhưng hoa cải thì đẹp đến nhưng nhức. Đám rước nào cũng phải mất cả giờ đồng hồ để di chuyển bằng đò. Suốt bao năm, cữ mùa hạ, ngược lên phía bãi Găng, cách làng chưa đầy một cây số là nơi con gái thường xuống tắm.

Nơi đó lau sậy và chuối tiêu hồng được trồng nhiều, khá khuất, chỉ những cô gái ra tắm sông rồi áo quần thay luôn trong sự chở che của những thân chuối vạm vỡ. Có bận trong đám rước, cô gái trong làng còn xinh hơn cả cô dâu trượt chân ngã xuống. Người quanh vùng tin rằng, làn da con gái khỏa trong màn nước của sông, thì sông cũng nhuốm màu nhan sắc. Sông trong ngần và thơm hương hơn.

Hẳn nhiên rồi, bến tắm, bến đò và cả khúc sông Con gái này có mặt chị Mến. Cùng biết bao cô gái khác, chị là hiện thân của cái đẹp mà tạo hóa đã ban cho mảnh đất này. Bạn bè trang lứa bảo, nếu Mến ăn nói được dõng dạc, rõ ràng hơn thì đã trở thành cô gái toàn diện và rất đắt chồng. Nhưng chị thiệt thòi. Điều đó làm Mến có lúc tủi thân, mặc cảm, sống khép kín. Nhờ dòng sông rộng lượng, bè bạn vui vẻ động viên, mở lòng, chị thêm yêu đời.

***

Cuộc đời chị đổi thay kể từ khi công nhân, máy móc về xây cầu bắc qua sông. Hành, chàng trai ở làng bên kia sông cũng là một nhân sự về làm công trình này. Anh ở tổ kỹ thuật. Hành gặp Mến trong buổi chiều chị gánh nước tưới rau trên bãi bồi. Cô gái có mái tóc dài, chít khăn, cần mẫn gánh nước khiến anh không thể không đứng nhìn. Đối với đám trai làng, chị Mến có khiếm khuyết, nên dù xinh thì cũng không được họ chọn lựa.

Sau buổi chiều ấy, Hành quan tâm hơn đến cô gái. Như một cái duyên, từ đó anh thường xuyên gặp Mến, khi gánh nước tưới, lúc nhổ cỏ... Anh hơi bất ngờ khi giọng nói của Mến không bình thường. Nó bật ra khá nặng nề. Dù chị cố gắng đến mấy thì âm thanh từ cổ họng cứ chệch theo một hướng khác thật khó chịu. Nhà Hành nghèo, anh không cần kén chọn người làm vợ, chỉ cần hợp. Anh đôi lần dò hỏi thì được biết Mến rất nết na chịu khó. 

Lán công nhân được dựng ở đầu làng, đủ tầm để quán xuyến trông nom công trình. Thời gian và cơ hội để Hành tiếp xúc với Mến khá thuận lợi. Mến cảm mến người con trai dám vượt lên dư luận, dám ngỏ lời yêu một người con gái có giọng nói không bình thường. Chị thấy Hành cũng là người có ước mơ và ý chí.

Mến nể phục điều đó. Hai người nhận lời yêu nhau vào mùa hoa cải vàng rực bến sông. Đôi ba thửa ruộng trồng cải củ, hoa trắng đến tinh khôi. Thời gian này, Mến và mẹ chị vẫn làm công việc chở đò, chờ ngày cây cầu khánh thành, con đò sẽ được nghỉ ngơi.

- Tại sao lại gọi là sông Con gái hả em?

Trong lần đi đò Mến chở, Hành đã hỏi.

- Là vì có em và các cô gái tắm ở đây – Mến nói.

- Nếu vậy thì tất cả các dòng sông đều có tên Con gái, Thiếu nữ, hoặc Phụ nữ!

Mặt nước sông sóng sáng hát rì rào.

***

Tròn một năm cầu xây xong, tình yêu của Hành tưởng bền vững như cây cầu, nào ngờ như vạt nước trôi. Chị yêu anh cháy bỏng ruột gan. Nước dâng hiến cả sự mỹ miều phồn thực cho đất. Như loài hoa nhỏ nhoi đã kiệt cùng hiến dâng đời nhan sắc. Hành quyết tâm ra đi.

Vì sao thế? Mến hỏi. Hành nói phải ra phố. Hành sẽ đi theo các công trình. Muôn nơi. Hành sẽ có tương lai xán lạn, thăng tiến. Anh tự nhủ phải trở nên giàu có, sao có thể chôn chân ở xóm nghèo này. Mến hỏi: “Vậy lời anh chẳng còn vững như cây cầu anh đã xây?”. “Anh nói thế thôi. Chẳng có gì vĩnh cửu, kể cả cây cầu”.

Hình ảnh người con trai vạm vỡ như những thân lim trong vườn ông Tánh đã tan vỡ. Tại sao anh gieo vào lòng em hy vọng, rồi tước đoạt nó, khiến em trở nên hoang mang, chênh chao thế này. Anh thắp lên trong em một màu hoa êm ái, mộc mạc và thân thương, cùng những hình dung về một gia đình, giờ lại để trôi theo dòng… Sao nỡ làm vậy Hành ơi!

- Đừng nói gì thêm nữa. Anh phải đi.

Giọng Hành gằn lên, mặt đỏ au. Mến không kèm nén được cảm xúc. Đột nhiên chị gắt: “Anh đi mau đi”. Từng âm rõ ràng được bật ra khỏi vòm họng, như thể mọi trói buộc đã được tháo gỡ. Mến thấy cổ họng mình trở lại bình thường, không tắc nghẽn như trước. Chị đã nói rõ. Giọng chị đã trở về rồi. Trong đau khổ và thất vọng, vòm họng bật ra, xổ tung…

Hành bảo đi tìm cuộc sống khác, rồi sẽ có người con gái khác làm vợ, xinh đẹp và nết na. Thôi được. Cầu mong anh được như ý nguyện. 

***

Mến trở về với công việc đồng áng. Người bên kia không sang bên này hỏi vợ nữa. Con gái thôn Đoài được gả cho người tận đẩu tận đâu. Trai thôn Đoài cũng rước những cô gái thôn xóm khác về làm vợ. Cầu bê tông cốt thép như cắt đôi sông, nhưng lại nối đôi bờ cho bên này khỏi xa cách bên kia. Cây cầu cũng chính là con dao cắt vào lòng Mến vết thương.

Chị nhủ lòng phải biết quên đi. Học quên trong sự âm thầm của một vùng quê đã đổi thay là điều chẳng dễ dàng. Thanh niên trai tráng trong làng nhiều người thương chị, đặng hỏi làm vợ, nhưng chị từ chối. Chị không thương bản thân mình sao? Người ta đã ra đi đầu không ngoảnh lại, chị còn luyến tiếc làm chi. Chị phải mở lòng ra.

Chị đẹp người, đẹp nết, không còn bị khiếm khuyết giọng nói. Chị có quyền yêu và được yêu. Kể cả những người con gái không xinh đẹp, khiếm khuyết. Mẹ thở dài, lo lắng: “Con đừng khép mình. Con hãy vui lên”. Chị thưa: “Con vẫn sống yêu đời mà mẹ. Con vẫn chăm hoa sen trong đầm”.

Bà cụ biết, con gái vẫn chăm hoa. Hoa thắm lên rồi. Khách về chụp ảnh hoa ngày một đông lên trong mùa hạ nồng nàn hương sen, nhưng bà hiểu lòng con gái. Trong thâm tâm Mến giấu một nỗi buồn. 

Bốn mùa hoa trôi qua, những chàng trai vừa tỏ ý tiếp cận đã bị chị khước từ. Chị là vậy, lòng dạ khép lại, con tim âm thầm chịu đựng, dù miệng cố gượng cười.

Rồi một mùa hè, chị ngồi đăm chiêu trên con thuyền dưới đầm sen. Mây lững lờ soi trên mặt nước. Hành xuất hiện. Hành như người đến từ hôm qua, từ một nơi nào đó xa lắm. Anh chững chạc hơn, mái tóc không còn khô cứng như trước và chứng tỏ đã được chăm sóc cẩn thận. Anh quay về đây làm gì?

Một cuộc cật vấn đã diễn ra. Anh không có tư cách về đây nữa. Hãy đi đi.

Giọng Hành ân hận:

- Anh đã chùng chân. Thú thật với em bốn năm qua, anh đã đi nhiều, cố để chinh phục ước vọng của mình và đã tích cóp được ít tiền. Nhưng anh không hạnh phúc trong tình yêu. Anh cố tìm một hình bóng người con gái và đã thất bại. Ai đến với anh cũng tính toán. Không ai đôn hậu như em. Anh xin lỗi. Em ở ngay đây, với dòng sông, sao anh còn phải đi tìm ở đâu nữa. Tha lỗi cho anh nhé.

Mến nghe như bão nổi trong lòng mình. Anh nói thật hay đùa thế. Anh đi chán rồi lại về bến sông này. Chị tỏ vẻ không muốn nghe. Chị vờ dằn dỗi rồi ra khỏi thuyền, chạy ra bãi sông. Chị chạy dọc mép nước của dòng sông con gái. Chị muốn bỏ chạy, nhưng lòng lại mong anh hãy đuổi theo mình. Ngày hạ dài đến lạ. Sông Con gái đang reo lên một mùa vui.