[Truyện ngắn] Trăng vàng

(PLVN) - Tiếng là nghệ nhân nhưng số tiền kiếm được từ nghề thủ công làm đèn ngôi sao và đèn kéo quân chả đáng là bao, khiến ông Dương nản lòng. Ở làng nhiều người đã nản lòng như thế trong sự tiếc nuối hì hụi. 
[Truyện ngắn] Trăng vàng

Bốn năm trở lại đây, đứa cháu nội mắc nghiện hút khiến ông bừng tỉnh. Nó là đứa nghiện trò chơi bạo lực, ba tuổi đã sở hữu cả tá súng và kiếm nhựa. Dường như bạo lực được hình thành từ những nếp gấp bé thơ trong tâm hồn nó. Đến nỗi ông bảo với anh Khắc là bố thằng bé, toàn thứ đồ chơi ghê rợn, mang đốt hết đi. Nhưng anh con trai cười khì khì: Chỉ là đồ chơi trẻ con thôi mà, ông!

Khi 16 tuổi thì nó theo chúng bạn chích hút, đánh nhau. Bọn choai choai giờ manh động thật. Chỉ vài cái nhìn đểu nhau, dăm câu nói nghịch tai, là sẵn sàng dùng dao, dùng gậy choảng nhau. Cháu nội ông Dương mấy lần bị ban công an xã cảnh cáo, gia đình bị gọi lên làm bản tường trình, cam kết, rồi được tha. Nhưng nó vẫn không cai được thuốc, phải đi cai nghiện bắt buộc. Một nỗi đau đớn cho cả gia đình.

Là người am tường văn hóa làng, ngôi làng cùng hàng chục ngôi làng trong vùng lừng lững thay da đổi thịt trong cơn lốc đô thị hóa. Ông Dương thấy lòng cộn lên bao nỗi niềm. Đời sống người dân khá lên nhưng sao mất đi nhiều thứ quá. Chỉ riêng với bọn trẻ thôi, chúng đã phải chịu quá nhiều hệ lụy. Những món đồ chơi dân gian của con trẻ bị đuổi chạy vào quá vãng, nhường chỗ cho đồ chơi game và súng nhựa kiếm nhựa. Bọn trẻ con nứt mắt cũng dắt lưng cái ai-phôn. Hệ quả đâu chỉ ảnh hưởng đến tâm hồn thằng cháu nội của ông, mà hàng chục đứa tóc xanh, tóc đỏ khác cũng ảnh hưởng, khiến biết bao tổ ấm không còn êm thấm. Phải làm sao để cứu chúng là điều ông Dương trăn trở. Ông bàn với ông Hợp, người bạn vong niên, cũng là người khéo léo trong làm đèn kéo quân và đèn ngôi sao. Những món đồ chơi từng rất được ưa chuộng trong thế giới trẻ thơ nông thôn xưa kia. Làm đẹp tâm hồn măng non của chúng bằng những món đồ chơi văn hóa, được không?

Hai ông pha một ấm trà ngon, nhâm nhi dưới tán hoàng lan, rồi tự bảo phải khôi phục lại những món đồ chơi con trẻ, nhằm giáo dục chúng. Muốn thay đổi tâm hồn chúng thì người lớn phải thay đổi trước. Xưa làng Hiến Văn có hàng chục cụ có bàn tay tài hoa, khéo léo làm đèn, nổi tiếng cả vùng. Nay chỉ còn chưa đến chục người có khả năng. Ông Hợp nhủ: “Mất nghề là chúng ta có lỗi với tổ tiên. Để các cháu đi vào lầm lạc mà không có hành động gì là có lỗi với đời sau”. Ông Dương gật dù tán tưởng. Phải để lại điều gì đó cho đời sau. Cả hai cười, hai đôi mắt ngân ngấn quyết tâm.

Nghĩ là làm, hai ông tập hợp những đứa cháu nhỏ thân cận lại, vào ngày nghỉ học dạy các cháu chữ, làm đồ chơi. Ông Dương phân công con trai tìm mua vật liệu để ông làm đèn kéo quân, đèn ngôi sao. Thấy hai ông làm, bọn trẻ hiếu kỳ chăm chú quan sát. Ở những công đoạn như cắt giấy, bọn trẻ được học cắt bằng những tờ giấy báo. Ông Dương còn kể cho bọn trẻ sự tích đèn kéo quân, gắn với tên tuổi chàng nông dân nghèo tên là Lục Đức, được vua khen thưởng. Đèn kéo quân có nhiều chi tiết. Thân trúc ở giữa đèn biểu hiện trục khôn, cái chong chóng quay sáu mặt biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, buồn, vui, hờn. Cái chong chóng quay luôn luôn, tượng trưng cho con người hay thay đổi cũng có căn do, đó là đạo làm người. Chong chóng quay luôn cũng nhờ ánh đèn soi sáng, cũng như con người tốt lành cũng nhờ đạo đức.

Qua câu chuyện đèn kéo quân, ông Dương làm cho bọn trẻ nhớ về lịch sử, khơi gợi việc nghĩa, về những đoàn quân xung trận, gắn với hình ảnh những bác nông dân làm ruộng, chú mục đồng chăn trâu… Trong số đám trẻ có thằng Đức là con thứ của anh Khắc, em của thằng ranh phải đi cai nghiện bắt buộc. Thằng Đức bị cấm tiệt không cho tiếp xúc với đồ chơi bạo lực. Nó ngoan ngoãn thì được thưởng chiếc ô tô mô hình. Ông Dương hướng cho cháu chơi những món đồ truyền thống. Bởi chúng là những cây non, có thể dễ dàng uốn nắn theo tâm ý người lớn. Khi đầu óc chúng chỉ đựng những hạt mầm ngây thơ trong trẻo, thì hãy rót vào đó tình yêu và sự khoan hòa, cùng những giá trị truyền thống, thì hẳn tâm hồn chúng cũng được no thỏa sự khiêm nhu và trở nên ngoan ngoãn. Thấy sự tiến bộ của đám trẻ trong dòng tộc và hàng xóm, đồ chơi bạo lực bị bỏ rơi, không đứa nào thấy đòi nghịch điện thoại, anh Khắc thưa với bố: “Nếu trước đây mà cũng làm được thế này, thì thằng Nghĩa đã không phải đi cai nghiện. Hàng chục thằng thanh niên choai choai khác cũng chẳng mắc nghiện, có đứa thiệt mạng”. Mắt ông Dương rưng rưng chạnh lòng. Ông tự vấn, mình có ác quá không khi chỉ vì chùn bước, chán nghề mà bỏ rơi những món đồ xưa cũ, khiến con cháu không có cái chơi? Nghĩ thế, ông tiếp tục tìm cách bù đắp. Ông đi học nặn con giống, tò he bằng bột nếp, bằng thứ bột sản xuất ở tận Nhật Bản để về nặn đồ chơi, dạy cho bọn trẻ tính cần cù, tỉ mỉ.

Tự bao giờ, đôi bàn tay già nua của ông trở lại linh hoạt, dẻo dai và bền bỉ với một mục tiêu cấy thêm những hạt nhân nghĩa trong thớ nghĩ của bọn trẻ trong làng. Các bô lão rất ủng hộ. Từ lúc nào, bọn trẻ đã tránh xa bao thứ đồ chơi vô bổ, biết ngồi cùng người lớn, nặn thi con giống, nói về ý nghĩa của những ngôi sao, các vì tinh tú, những ông quan trạng trong làng. Bọn trẻ con nghe xong dù có nhớ có quên, nhưng thấy đầu óc sáng láng lạ kỳ.

***

Sau gần hai năm cai nghiện bắt buộc và cải tạo, thằng Nghĩa được trở về nhà. Nó thấy ngôi nhà mình đổi khác. Treo đầy đèn kéo quân và góc là “công trường” chế tạo đồ chơi. Bọn trẻ con cũng đổi khác. Chúng thường tụ tập dưới hiên sân mát mẻ để học làm đồ. Nó hỏi ông Dương:

- Ông đã học ở đâu đấy ạ?

- Làm đèn kéo quân thì ông đã có nghề từ trong máu – ông Dương nói – còn những thứ khác ông có thể học thêm ở nhiều nơi.

- Ông khéo tay thật! - thằng Nghĩa khen - Vậy ông dạy cho cháu nhé.

- Được, được, chỉ cần cháu muốn học.

Ông Dương ôm thằng cháu đích tôn vào lòng. Đôi mắt nó có đôi phần đờ đẫn. Dáng người nó vẫn gầy xương xương như trước đây. Nhưng suy nghĩ của nó đã thay đổi. Ông bảo, cháu đừng tái nghiện, cũng đừng chơi bời lêu lổng. Bây giờ phải quay lại học. Cháu học với bạn năm sau, ít tuổi hơn cũng không sao. Nhưng cháu phải quyết tâm.

Mấy ngày đầu thằng Nghĩa ở bên ông. Nó kể về chuyện cai nghiện, chuyện các bạn cai trong đau đớn và có đứa đã tìm cách trốn trại, và bị bắt lại. Ông Dương cố gắng không gợi đến lòng tự ái hay chạm vào nỗi đau của Nghĩa, mà mở lời động viên, thu hút nó bằng niềm đam mê đèn kéo quân.

Một tuần sau đám bạn hư vẫn tìm đến thằng Nghĩa. Nó từ chối không gặp, nhưng tìm đến lần ba thì Nghĩa lại theo bạn. Nó đi hát karaoke. Nó tụ tập nhậu nhẹt khuya, đá bóng, rồi lại xảy ra xô xát. Anh Khắc theo dõi tóm được, lôi về. Đưa đến trước mặt ông Dương, anh nói:

- Bố ạ, nếu nó không ngoan ngoãn, vâng lời thì chỉ có nước đuổi đi. Hoặc lại cho nó vào trại cải tạo.

 Ông Dương nhìn thằng cháu. Nó cúi gằm mặt.

- Không ai là đồ bỏ đi cả. Ngay cả cháu. Trong nhà ai cũng thương và chẳng ai chửi cháu là thằng nghiện. Cháu sẽ lỡ dở cả cuộc đời nếu tự hủy hoại mình. Cháu sắp đủ 18 tuổi rồi, cần phải có trách nhiệm với bản thân hơn.

Nghĩa ngồi bần thần ở góc vườn. Trong nhà không ai nói đến nó. Tối ấy trăng sáng, ông Dương trở ra, vẫn thấy Nghĩa ngồi lì ngoài đó. Ông bảo: “Vào ăn cơm đi cháu, mọi người gọi nhiều lần rồi”. Nó trả lời: “Cháu không muốn ăn!”. Trăng mỗi lúc mỗi sáng. Ông Dương đặt tay lên vai cháu, bảo: “Cháu nhìn trăng đi. Mặt trăng đẹp biết bao. Suốt hàng tỉ năm trăng soi rọi cho con người. Cháu biết không, mỗi người như một vì tinh tú. Chúng ta phải có trách nhiệm với bản thân. Cháu thấy em trai và bọn trẻ con khác rồi đấy, bây giờ rất ngoan ngoãn. Cháu biết vì sao không, vì các em ấy đã học được cách có trách nhiệm với bản thân. Chúng ta sống giữa cộng đồng, gia đình và những điều tốt đẹp, chúng ta phải làm đẹp cuộc sống chứ. Nói thì có thể cháu nghĩ ông lắm điều, sáo rỗng, nhưng cháu nghĩ mà xem. Nếu ai cũng bỏ học, bỏ việc đi chơi, tiêu tiền, nghiện hút, rồi sinh ra trộm cắp, đánh nhau chết người. Vậy thì làm sao có cuộc sống bình yên. Cái Thu hay chơi với cháu, con nhà bác Tám nó đạt học sinh giỏi cấp huyện năm vừa rồi đấy. Giá cháu cũng được như nó…”.

Nhắc đến cái Thu, thằng Nghĩa chợt nín lặng. Gió vườn thổi nhẹ. Trăng vàng soi chiếu qua kẽ lá. Nghĩ đến cô bạn có nụ cười tươi rói, với đôi má có hai lúm đồng tiền, Nghĩa thấy xấu hổ. Nhà Thu quá nghèo. Mẹ nó bị mắc bệnh ung thư rồi chết, thế mà vẫn vươn lên, thật nghị lực biết bao! Nó nhìn sang ông. Dù là dưới trăng, nó vẫn thấy râu tóc ông óng ánh bạc. Ông đã già rồi, giờ vẫn phải đi học để dạy cho bọn trẻ. Bỗng nó rùng mình ớn lạnh.

Thằng Nghĩa tự nhủ, nó sẽ theo bạn chơi nốt một lần nữa, rồi bảo chúng là đừng bao giờ đến tìm. Tối hôm ấy chúng tụ tập ở quán bia ngoài thị trấn uống rượu. Lũ choai choai chuốc nhau say mèm. Lúc tan cuộc, thằng Đô đèo thằng Lật phóng ẩu, đâm vào xe tải đỗ ven đường, tóe máu. Hai thằng được đưa đi bệnh viện cấp cứu…

Cái chết của thằng Lật khiến thằng Nghĩa ân hận mãi. Nếu Nghĩa không khích bác để tổ chức nhậu say, thì đã không xảy ra sự việc đau lòng. Điều khiến ông Dương day dứt vô cùng, là đã không làm tiệt nọc cái thói huênh hoang của thằng cháu nội. Giờ đây nó giam mình vào việc học. Nó muốn trốn nỗi ám ảnh ấy bằng việc học và vâng lời gia đình. Ông Dương nửa vui, nửa lo.

***

Gia đình mừng là thằng Nghĩa đã từ bỏ hẳn con đường nghiện ngập, thói đua đòi. Nó đã biết dạy các em học bài và nhanh trí nắm bắt được kỹ thuật làm đèn kéo quân của ông Dương. Một hôm, Nghĩa nói với ông nội: “Bạn Thu bây giờ học trước cháu hai lớp rồi. Nhưng bạn ấy vẫn bảo, cháu cứ học thì sẽ có cơ hội… với bạn ấy. Cháu đã làm một chiếc đèn để tặng bạn ấy mùa trung thu này. Cháu sẽ không bỏ lỡ cơ hội, ông nhỉ?”.

Giữa mùa thu, trăng vàng treo trên không trung mênh mông, thả xuống nhân gian những giọt trăng óng ánh diệu kỳ.

Truyện ngắn của Hải Miên