[Truyện ngắn] Túi khen

Ông ấy nhất định là người không thể buồn được, tôi phán đoán, bởi dường như lúc nào ông cũng thừa mứa lạc quan không ngớt khen người khác bằng những từ trên cả mỹ miều. Chẳng biết ông lấy đâu ra lắm từ ngữ hay ho đến thế mà rộng lượng phóng khoáng ban phát cho hết thảy cả người mới quen lẫn người lớt phớt quen hoặc bạn nhậu thâm niên. Ai cũng trên tuyệt vời, tuyệt vời, hảo hảo, sáng láng, đẹp kinh điển… 
[Truyện ngắn] Túi khen

Nếu ví những lời khen của ông nhiều như lá cây, thì hẳn ông là một người được trịnh trọng trồng ở một nơi đất đai thật phì nhiêu. Ngay hôm gặp tôi trong một triển lãm khá nhộn nhịp của một người bạn họa sĩ nghiệp dư tên Trịnh, ông đã dốc bầu bộc bạch với tôi rằng ông vẽ hơi bị hay nhưng anh Trịnh còn vẽ hay hơn nhiều. Ông đồng thời khen mũi tôi nam tính nhưng mà xinh, mắt tôi to nhưng mà trong veo, giọng nói cao nhưng vẫn ấm áp nữ tính. Ô hay! Tôi là đàn ông chứ. Bộ trán hói của ông hơi bị rộng cũng khá xinh xắn trên gương mặt lấm tấm mồ hôi, có sở hữu một đôi mắt vừa đĩ lại vừa gian.

Tôi thường chuyện trò xã giao với văn nghệ sĩ, trong đó một số là mối thâm tình. Ở nước ta, ông nào cũng đa đá một tí thơ thẩn và thường đa đoan lắm tật. “Ông khen lắm” tên Hoàng Thiếu Hiệp và không biết có phải ông thiếu thật. Ngay sau màn cắt băng khai mạc ông đã có số điện thoại của tôi và hẹn hôm sau uống bia. Cuộc nhậu được hẹn ở một nơi khá mùi mẫn, ông có dắt theo một em da trắng khá ngon nghẻ nhưng mặt hơi bị “đao”. Ông bảo đây là em rất chi duyên dáng và giới thiệu với cô gái rằng tôi là người quảng giao và là một sếp to. Sếp to mà đồng lương không quá mười triệu đồng nhặt nhạnh bạc lẻ ư? Trong cuộc nhậu ông khen bia ngon mồi thơm và lúc cô gái đi vệ sinh, ông nói nhỏ với tôi da em nó “hơi bị thơm”. Ông cũng kể ra rất nhiều nhân vật bạn bè, ông nào cũng chỉn chu đứng đắn, chức tước đề huề. Đến những lúc liếc trộm ngực phụ nữ hớ hênh nơi công cộng cũng khéo léo đầy đặn trí thức.

- Tôi xem tướng, về sau ông còn phát nữa - ông Hiệp nâng cốc và giục cô gái có bàn tay nõn nà cùng “cạch” - Hình như ở Viện của ông lúc này đang thiếu người? Hôm tôi thấy loáng thoáng có cái mẩu tin đăng tuyển.

- Chuyện đó ông Hiệp cũng biết ư? Cách đây đã bốn tháng rồi và người đã tuyển được.

- Ông Đào viện trưởng đã tuyển xong rồi. - Tôi nói.

Sau câu nói của tôi, ông Hiệp móc ra từ túi khen cả mớ lời mùi mẫn. Tôi đoán ông tìm hiểu thông tin lãnh đạo viện tôi qua google và hình như muốn xin việc cho ai đó. Giọng ông thơn thớt:

- À, ừ đúng. Ông Đào có đức thương người. Ông ấy tốt bụng nhưng chỉ mỗi vóc hơi bị lùn. Mà chả sao. Lùn vẫn quý phái! Ha ha…

Tôi vờ không nghe thấy câu cuối và nâng cốc. Cô gái ngồi cùng nhìn lâu cũng bớt “đao”. Ông Hiệp độp luôn:

- Có thông tin tuyển dụng chính thức ông nói cho tôi biết nhé. Đội ơn người bạn nhân hậu trước. À mà ông có “cửa” nào không? Tôi có đứa cháu là con nuôi của thằng bạn xinh lắm, được việc, học hành ngon nghẻ, hai ngoại ngữ, cao thoáng, có nguyện vọng làm việc ở đó. Được quen ông là tôi tu từ chín kiếp đấy.

- Người ngoài nhìn vào thôi. Môi trường chỗ tôi bí lắm!

- Ấy, bí thì mới cần đến lớp trẻ. Gạo phải xay giã giần sàng thì mới trắng còn gì. - ông Hiệp móc thêm lời khen từ trong gan ruột - Tôi tin con bé đó làm được việc. Cháu nó làm ở công ty AZ rất được lòng, nhưng muốn thay đổi môi trường.

Sau bữa nhậu ấn tượng vì cách nói rổn rảng, sặc sụa xã giao của ông Hiệp, tôi còn bị tra tấn ba lần bằng điện thoại hỏi về “cửa” để vào nơi tôi công tác. Lần sau một người bạn sơ giao của tôi gọi mời làm chầu bia cỏ. Lúc đến thì thấy có mặt ông Hiệp. Hóa ra cuộc này do ông Hiệp thiết kế. Cuộc nhậu được chế biến thêm rất nhiều lời khen ông B giỏi quan hệ, chị D làm kinh tế khá, anh H rất giỏi cái khoản ấy… Tôi ừ hữ cho qua chuyện, nhưng quả thật lời khen không đúng lúc đúng chỗ, ban phát bừa bãi tạo cảm giác rất khó chịu.

Cách đây vài hôm tôi tìm hiểu thêm về con người này qua một người bạn, được biết ông Hiệp là giáo viên cấp ba về hưu non, nay nhễ nhại thuê một cửa hàng vừa bán cà phê, vừa tụ tập bạn bè chạy việc kiếm tiền uống rượu. Ông còn trang trí cho mình một tủ sách kềnh càng lớn dù ông hiếm khi sờ đến chúng. Mấy chục năm rồi cái kho lời khen của ông Hiệp không vơi cạn, ngược lại còn trở nên rổn rảng, đa dạng, ứ đầy. Ông như ông già Noel, với một túi quà lớn phát cho những đứa trẻ ngộ nghĩnh đáng yêu vào dịp đặc biệt. Nhưng túi quà của ông già Noel có lúc hết, còn của ông Hiệp thì không. Cảm như ở mọi kẽ chân, kẽ tay, kẽ tóc, kẽ răng, hốc mắt, các túi… chỗ nào ông cũng giắt lời khen. Khi dùng hết thì lời khen dường như lại được hấp thụ từ dạ dày, ruột non và tụ về một các kho trong ông. Quả là vĩ đại.

Ai chả biết, cuộc sống vẫn nảy ra những người quan trọng nịnh hót thích khen cấp trên, phụ tá hay thư ký cấp trên, rồi có khả năng uốn éo nịnh đầm cả cấp dưới chỉ để những người đó nể nang mình. Đúng ra là dùng miệng lưỡi thơn thớt để trao đổi, tìm kiếm lợi lộc và đã thành công. Ông Hiệp tận dụng tối đa kiểu ăn nói ba hoa trơn tru này. Nhiều người tố rằng ông còn có kiểu “khen cho chết”. Năm ngoái chỉ vì lời khen phó Giám đốc trước mặt Giám đốc Công ty bất động sản Thi Phát, mà ông giám đốc về “đì” cho ông phó phải chuyển đơn vị. Cũng thời gian ấy ông lại hô hố khen một ông bạn làm ở ngành văn hóa là sát gái trước mặt bà vợ hay ghen. Vậy là được đà, về nhà bà vợ tung ngôn chưởng tới tấp, rằng ông “ăn phở” phải nhiều lắm nên mới được tâng bốc như vậy. Hậu quả bà cau có giận ông một tháng hai ngày rưỡi. Đúng là khổ vì khen!

***

Tôi là một người biết ghi nhận người khác, nhưng không phải khen sống sượng, dễ dãi như ông Hiệp. Đơn giản thế thôi. Những năm qua tôi đã kể nhiều câu chuyện đẹp để giúp người khác và thực tiễn phát huy giá trị nhân văn. Công việc ở viện của tôi là nghiên cứu văn hóa, nhưng có cộng tác với một trung tâm dạy kỹ năng sống cho thanh niên. Cách đây ít năm, một học trò mời tôi về nhà làm “tư tưởng” cho bố cậu ta. Bố cậu là kẻ nghiện rượu chán đời bất cần, bỏ bê gia đình. Nhiều người nhìn vào sẽ coi là “hết thuốc chữa”. Với tôi thì không. Tôi đã kể một câu chuyện đẹp cho anh ta về người cha hy sinh bản thân để cứu hai đứa con tội nghiệp. Nghe một câu chuyện thì anh muốn nghe hai. Ba hôm sau chủ động gọi điện xin tôi kể thêm.

Những câu chuyện của tôi đã ngấm vào người, như một phương thuốc khiến anh thay đổi, có trách nhiệm với gia đình và bản thân hơn. Từ đó tôi nghĩ mình cần phải nhiệt tình kể những câu chuyện, mang thêm muối vào đời, rắc vào những ý nghĩ nhợt nhạt, những con người nguội lạnh cảm xúc. Từ đó, tôi tin những câu chuyện đôi khi là một phương thuốc hữu hiệu cứu được người. Con người chẳng có ai thật sự nhạt nhẽo. Những câu chuyện ấm áp mang giá trị lay động và mặn mòi như muối có sự cảm hóa. Thành công khá nhiều. Tôi giúp cậu sinh viên suýt ném đời mình vào vũng tối khi cậu chán nản bị tình phụ; giúp giám đốc công ty tân dược khổ sở vì không biết mình phải chữa chứng… thèm thuốc thế nào. Rồi giúp giảng viên trường ADB thoát khỏi khủng hoảng ghét chữ nghĩa nhưng thèm mùi giai tân… Tôi thành người đi gieo muối hay thành vị muối? Chả biết nữa. Tôi chỉ biết mình cần phải mặn. Gặp ai sống nhạt thì rắc cho mặn, thêm màu khát sống. Nhưng tôi quá nhỏ nhoi và muối tôi ít ỏi trước biển đời mênh mông.

Tôi vẫn cứ làm, với quyết tâm cao độ.

Vâng. Tôi kể những câu chuyện mỹ mãn hay và đẹp ở đời. Cuộc sống đã đủ ngột ngạt đáng sợ rồi. Cần phải trồng và tung hương thơm lên chứ các bạn nhỉ? Nhưng lúc này tiếp xúc với ông Hiệp, với những lời khen sống sít, kệch cỡm và có mục đích, tôi sợ mình… giống ông ấy. Rằng mình cũng đê tiện mang miệng lưỡi đi đá lung tung. Ít nhất tôi rùng mình sợ có kẻ khác nghĩ vậy. Tôi hoang mang nghi ngờ chính mình. Thậm chí có lúc tôi còn hỏi một người bạn tâm giao rằng tôi có giống ông Hiệp không? Người bạn đó ngăn: “Giống ông ta thế nào được? Ông là người đức độ, đang cứu người. Còn ông ấy dùng miệng lưỡi để trục lợi”. Vài người khác trả lời nghiêm túc rằng công việc tôi làm xứng đáng được vỗ tay khen.

An tâm rồi. Phải. Ông Hiệp dùng miệng lưỡi trục lợi. Cái lưỡi uốn ba tấc chen vào đời sống người khác, tạo ra những bất hòa, vết thương, rạn nứt. Làm sao việc của tôi giống việc ông ta!

***

Ông Hiệp cố tìm cách thơn thớt thân với tôi và một số người bạn khác. Lần này ông ta kết thân với một người mà tôi vừa giúp. Là anh Thiên, công tác ở trường Đại học K. Ông Hiệp biết anh Thiên qua một người bạn của tôi. Rồi biết tôi từng giúp anh Thiên. Gặp tôi, ông Hiệp giả dối vống lên:

- Úi trời ơi, trên cả tuyệt vời! Anh Thiên ơn ông lắm. Anh ấy bảo ông có công giúp đời anh ấy vượt qua sóng gió. Nếu không có ông đời anh ấy đã ra tóp. Phúc đức quá!

Tốc độ khen của ông còn nhanh hơn và gió và đậm đà hơn cả nước chấm mắm nguyên chất cộng ớt tươi. Chưa bao giờ tôi thấy phiền toái đến thế. Nhưng ông ta dai như đỉa. Cuộc sống thay đổi thế nào mà rồi sau đó, ông Hiệp lại trở thành người “kể chuyện” cho anh Thiên và một số người khác tôi từng kể chuyện giúp họ ổn định tinh thần. Từ anh Thiên, ông Hiệp bắt thân được với Hiệu phó trường Đại học K - nơi anh Thiên công tác. Ông Hiệp bắt thân với ông Hiệu phó bằng những “chưởng khen” vô cùng lợi hại. Đúng lúc nhiều người cùng cơ quan ghét thì ông Hiệu phó được tung lời khen, mát hết cả ruột, trôi vợi cả ấm ức.

Ông Hiệp lại khen con trai trước mặt ông Hiệu phó, rồi nhờ cậy mối lái để con trai ông có năng lực tầm thường được nhận vào làm việc. Ông Hiệp thả thính: “Cháu nó có bằng tiến sĩ rồi, thỉnh giảng ở vài trường. Nếu được ông nâng đỡ thì khỏi phải bàn, như diều gặp gió. Cháu nhà tôi nó tốt nết, tự làm cả một đề án được cấp trên khen”. Ông Hiệp không còn bỏ sót từ nào để tán dương con, mặc dù người bố biết đề án của con được mua bằng tiền (nhiều phần đi chép) và những mối quan hệ của ông. Ngày còn học đại học cậu chàng cũng nổi tiếng thói hay “cầm nhầm”. Phải nói ông Hiệp lọc lõi có năng khiếu “thổi” con lên mây xanh.

Con trai ông Hiệp được nhận vào công tác ở Đại học K. Tất nhiên con trai thừa hưởng gen của bố, nhưng thói hống hách trội hơn. Những ngày đầu mới đến còn điệu đà xởi lởi, một tháng sau ra sức “chém gió” bạt mạng không biết ngượng mồm. Kinh - con trai ông Hiệp được giao làm một đề tài về văn hóa người Mường. Kinh tuyên bố sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bốn tháng sau báo cáo Đề tài đã được triển khai nửa chặng đường. Đúng một năm sau rộng rãi nghiệm thu. Trước đó một số tiến sĩ được cử kiểm tra khả năng của Kinh, rằng đã làm đến nơi đến chốn chưa. Ban Giám hiệu Đại học K nắm được sự gian lận của Kinh, nên đã dự tính trong Lễ nghiệm thu đề tài sẽ xử lý. Ông Hiệp cũng được mời để chứng kiến thành quả bất hảo của con trai. Hôm gặp mặt, ông hớn hở sung sướng khoe con tài. Vừa nhận công tác được giao chủ nhiệm đề tài lớn và thành công mỹ mãn. Mặt ông giãn nở cơ bản là rộng. Mũi ông cơ bản phồng to.

Khách đến không đông lắm. Sau bài tổng kết, đánh giá đề tài, tất nhiên toàn ca ngợi của ông Hiệu phó - người đã vời Kinh về làm, thì một người có uy tín khoa học lâu năm trong trường đứng lên tuyên bố, đưa ra những chứng cứ cáo buộc Kinh ăn cắp thông tin và nghiên cứu trước đó để đưa vào đề tài chứ không chủ động làm. Kinh dẻo mỏ cãi khá trơn tru. Ông Hiệp cũng cãi và vẫn móc ra được những lời thơm như nước hoa để tung lên bảo vệ con. Ba vị tiến sĩ kia đưa ra những bằng chứng xác thực khiến bố con ông Hiệp cứng họng. Một người non nớt như Kinh không thể viết được những dòng chữ đậm chất khoa học như thế, nhưng lại để lộn xộn từng chương và thiếu lôgic. Sau cùng một vị tiến sĩ khoa học kết luận Kinh đã đi “chôm chỉa”. Bố con ông Hiệp đứng tim, rồi nhũn ra như một cây dưa bị phơi héo. Cả hội trường ngộp thở thất vọng. Lính mới mà đã tích lũy truyền thống làm bậy!?

Mọi người đổ dồn ánh mắt tố cáo về phía Kinh. Trời ơi, vậy mà còn lên giọng dạy đời. Đúng là chém gió. Ông Hiệp không biết giấu mặt vào đâu, còn Kinh phải nhận án kỷ luật nặng. Ông Hiệp gặp những người quen ở đó, dường như nhục nhã không dám ngẩng đầu lên. Túi khen của ông đã cạn. Gậy bố đập lưng con rồi. Sự mỹ miều mà ông bừa bãi ban cho con giờ khiến ông cau có, khổ sở. Ông mắng con: “Đồ mất dạy!”. 

Hai hôm sau, gặp tôi và Thiên, ông Hiệp dường như lại nạp đầy túi. Ông tuyên bố: “Sau cú ngã đó, cháu nó sẽ hùng dũng đứng lên làm lại!”. Ái chà, đúng là cà cuống chết đến đít còn cay!

Truyện ngắn của Quế Hương

Đọc thêm