Truyền tải điện Quốc gia "hẹn giờ" cán đích nhiều dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2022, EVNNPT có khá nhiều dự án phải hoàn thành, không thể kéo dài thời gian thi công do các điều khoản hợp đồng đã ký kết với đối tác quốc tế. Do đó, tập trung mọi nguồn lực để về đích các dự án này là mục tiêu hàng đầu của EVNNPT
Năm nay, Dự án đường dây 500kV mạch 3 sẽ phải hoàn thành
Năm nay, Dự án đường dây 500kV mạch 3 sẽ phải hoàn thành

Năm 2022 nhiều thách thức

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã có một năm 2021 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với nhiều dấu mốc đáng nhớ như đưa vào hoạt động trạm biến áp số đầu tiên, đưa vào sử dụng nhiều đường dây 500kV có ý nghĩa quan trọng trong giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo. Đặc biệt, việc hoàn thành đóng điện trạm biến áp 220 kV Lạng Sơn đã ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử EVNNPT: toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã có lưới truyền tải điện quốc gia.

Theo đánh giá của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài trong công tác đầu tư xây dựng và đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, những kết quả trên đã thể hiện những cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên EVNNPT trong công tác đầu tư xây dựng. Thành công của năm 2021 có lẽ sẽ là áp lực với Tổng công ty này trong năm 2022 khi kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao, đặc biệt nhu cầu điện của miền Bắc đang tăng dần trong khi nguồn điện ở khu vực này không tăng.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT cho biết, năm 2022, dự báo EVNNPT sẽ phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Do đó, để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 về sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và tài chính, EVN sẽ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là thực hiện chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” của Tập đoàn.

Cùng với đó, phải tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tổng công ty. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ theo lộ trình đã được phê duyệt, đặc biệt là chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành, đầu tư xây dựng, quản lý: tài sản, vật tư thiết bị và nguồn vốn.

Đặc biệt, EVNNPT cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật vận hành và kiểm tra, bảo vệ hành lang tuyến đường dây cao áp; Xây dựng các tiêu chuẩn, kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị lâu năm có chất lượng suy giảm nhằm ngăn ngừa sự cố và tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện; Điều quan trọng là tập trung thực hiện các giải pháp để quản trị rủi ro trong EVNNPT, quản trị dòng tiền hiệu quả; đảm bảo thu xếp hiệu quả và đủ vốn cho công tác đầu tư xây dựng; chủ động, tích cực triển khai các hình thức huy động vốn không có bảo lãnh của Chính phủ.

Lãnh đạo EVN và EVNNPT kiểm tra tiến độ thi công đường dây 220kV Thanh Hóa - Vinh

Lãnh đạo EVN và EVNNPT kiểm tra tiến độ thi công đường dây 220kV Thanh Hóa - Vinh

Đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng

Năm 2022, EVNNPT có khá nhiều dự án phải hoàn thành, không thể kéo dài thời gian thi công do các điều khoản hợp đồng đã ký kết với đối tác quốc tế. Do đó, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các dự án này là mục tiêu hàng đầu, trong đó hoàn thành dự án đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Vân Phong là thách thức lớn nhất. Ngoài ra, hoàn thành 100% các dự án của đường dây mạch 3 (hiện mới xong đoạn Dốc Sỏi - Pleiku 2, còn gặp khó khăn đoạn Quảng Trạch - Vũng Áng - Dốc Sỏi).

Ông Tùng cho biết, EVNNPT sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Ngoài ra, các đường dây giải tỏa các dự án năng lượng tái tạo, thủy điện khu vực Tây Bắc và các dự án phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc cũng sẽ được tập trung hoàn thành.

“Chúng tôi đã có những kế hoạch, giải pháp đồng bộ, hiệu quả trước nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của các dự án do tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường”, ông Tùng nói.

Tổng công ty tin rằng sẽ thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả và cán đích xuất sắc kế hoạch năm với các chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản lượng điện truyền tải đạt khoảng 205,4 tỷ kWh, tăng 2,25% so với năm 2021; Tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải thực hiện đạt 2,3%;

Đặc biệt sẽ khởi công 44 dự án (8 dự án 500 kV, 35 dự án 220 kV và 1 dự án 110 kV); Hoàn thành, đưa vào vận hành 73 dự án (21 dự án 500 kV, 51 dự án 220 kV và 1 dự án 110 kV)…, với tổng giá trị đầu tư xây dựng khoảng 22.361 tỷ đồng. Ngoài ra, EVNNPT hướng đến mục tiêu không để xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan, tất cả các chỉ tiêu suất sự cố thực hiện thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch EVN giao.

Đọc thêm