Theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác TTCS, TTCS là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc TTCS. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác TTCS cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.
Trong đó, cần chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác TTCS.
Trên cơ sở đó, để đạt tỷ lệ mục tiêu nhận thức mà Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra, cần xây dựng được một Đề án TTCS BHTG nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các năm tới, từ đó gia tăng mức độ nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG.
Mục tiêu của chiến lược truyền thông là tạo dựng hình ảnh của BHTGVN - tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Để đạt được các kết quả và các mục tiêu của Đề án truyền thông, cần triển khai một số nhóm giải pháp và hành động truyền thông chiến lược như: Xây dựng các sản phẩm và kênh truyền thông; triển khai hợp tác truyền thông; ban hành quy chế và quy định quản lý, hướng dẫn công tác truyền thông; tổ chức bộ máy thực hiện công tác truyền thông; đào tạo kỹ năng truyền thông cần thiết cho cán bộ truyền thông; đầu tư nền tảng công nghệ phục vụ truyền thông.
Trong đó, chú trọng áp dụng các giải pháp hiện đại, ứng dụng các công cụ số hóa vào việc tuyên truyền đến công chúng, nâng cao tính năng kỹ thuật của website, cập nhật nội dung phù hợp với nhu cầu thông tin của công chúng cũng như theo sát các vấn đề được người gửi tiền quan tâm; xem xét, thí điểm thực hiện chương trình truyền thông thúc đẩy lan truyền (viral); tiến tới xây dựng hệ thống hỗ trợ trực tuyến cho người gửi tiền, sử dụng các công cụ như thư điện tử, tư vấn trực tuyến, mạng xã hội (Facebook, Zalo…) một cách hợp lý, có kiểm soát, qua đó kịp thời nắm bắt những thông tin tiêu cực để đính chính, tuyên truyền, giải thích, để tổ chức BHTG chính thức hiện diện trên mạng xã hội, đưa ra tiếng nói chính thức nhằm gìn giữ niềm tin của người gửi tiền.
BHTGVN cần đẩy mạnh việc tuyên truyền chính sách BHTG trên tất cả các mặt: quy mô tuyên truyền, chiều sâu thông tin, gia tăng tiếp cận tới các đối tượng công chúng, cần đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cách tính khoản chi dành cho tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTG của BHTGVN đáp ứng yêu cầu của hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG.
BHTGVN cũng cần xây dựng một Đề án truyền thông bao trùm, không bỏ lại nhóm đối tượng công chúng nào ở phía sau. Đồng thời, xác định rõ đối tượng công chúng cụ thể đối với từng chương trình truyền thông, nhằm đảm bảo thống nhất về kênh truyền thông, thông điệp truyền thông, nội dung truyền thông, hình thức thể hiện.
Đề xuất định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá sơ bộ nhận thức của người gửi tiền trên phạm vi toàn quốc với kích cỡ mẫu nhỏ, thực hiện thông qua công cụ trực tuyến hoặc thông qua điện thoại. Bên cạnh đó, nên có thời gian định kỳ đánh giá tổng thể nhận thức và hành vi của người gửi tiền trên phạm vi toàn quốc với kích cỡ mẫu lớn, do đơn vị khảo sát, nghiên cứu thị trường độc lập thực hiện.
Từ đó rút ra các giải pháp truyền thông tương ứng, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
Cùng với đó, để thúc đẩy nâng cao nhận thức của người gửi tiền về BHTG, cần một nỗ lực mạnh mẽ, toàn diện không chỉ của BHTGVN mà còn cần sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan có liên quan. Vì vậy, cần xây dựng được cơ chế phối hợp hiệu quả của BHTGVN và các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Bộ Tài chính... và các tổ chức tham gia BHTG như ngân hàng thương mại, Quỹ tín dụng nhân dân để tạo niềm tin cho người gửi tiền vào toàn hệ thống tài chính - ngân hàng.
Mức độ nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG tại Việt Nam
Theo thông tin từ BHTGVN, nhận thức của người gửi tiền về chính sách BHTG được xác định thông qua tỷ lệ người gửi tiền nắm được toàn bộ các yếu tố cốt lõi của chính sách BHTG như: tiền gửi được bảo hiểm, trách nhiệm nộp phí BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm, tổ chức chịu trách nhiệm trả tiền bảo hiểm; cách xử lý đối với tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm.
Trong số hơn 1000 người tham gia một cuộc khảo sát của BHTGVN, có gần 35% số người cùng lúc nắm được tất cả các thông tin cốt lõi về chính sách BHTG. Đồng thời, đa số người gửi tiền đã nhận biết được một phần nhưng không hiểu biết đầy đủ về các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG, chiếm tỷ lệ trên 61%. Đáng chú ý, có gần 4% người gửi tiền tham gia khảo sát hoàn toàn không nhận biết bất cứ thành tố chính sách nào nêu trên.
Trong khi đó, tỷ lệ nhận thức cụ thể đối với từng chỉ tiêu lại đạt rất cao. 77% người tham gia khảo sát biết về đơn vị tiền tệ của tiền gửi được bảo hiểm; 75,3% biết về trách nhiệm đóng phí BHTG thuộc về phía tổ chức tín dụng nhận tiền gửi; 60,8% biết về hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành; 81,1% biết rằng BHTGVN là tổ chức sẽ đứng ra trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền nếu tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản; 64% biết rằng sau khi được chi trả tiền bảo hiểm, khoản tiền gửi vượt hạn mức sẽ được chi trả sau khi thực hiện thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng.