Tuổi trẻ tự hào
Những bản làng, ngọn đồi, quả núi đã ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử. Biết bao công trình phúc lợi xã hội, những dãy nhà, những con đường trải nhựa được nối dài từ thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hóa) đi các xã, xuống đến các xóm. Cảm giác mỗi lần trở về quê hương cách mạng là mỗi lần xuyến xao và vững tâm, bởi cuộc sống phát triển từng ngày. “Sự thay đổi ấy có phần đóng góp rất lớn của lớp lớp con cháu các cụ cán bộ tiền khởi nghĩa”, ông Trần Dương Thịnh - Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên tâm sự.
Ông Thịnh là con cụ Trần Văn Bính, cán bộ tiền khởi nghĩa. Cụ Bính sinh hạ được ba người con thì cả ba đều thành đạt, đều là cán bộ chủ chốt trong các ban, ngành của địa phương. Ông Thịnh cũng dẫn ra biết bao tấm gương thanh niên, tuổi trẻ sôi nổi trong các hoạt động xã hội, lao động sản xuất, học tập và thành đạt. Nhiều em là người dân tộc thiểu số vùng ATK đã vượt khó, noi gương cha ông, trở thành những tấm gương hiếu học.
Theo lời giới thiệu ấy, tôi đã tìm về xã Kim Phương và gặp anh Ngô Văn Đắc, một tấm gương thanh niên phát triển kinh tế trang trại. Với những nỗ lực bản thân, anh đã trở thành ông chủ cung cấp giống nhím, gà cho bà con trong vùng. Hay như anh Đặng Xuân Ngọc ở thôn Phú Hội 2, xã Sơn Phú, trở thành ông chủ trang trại cây chè giống được nhiều người ngưỡng mộ. Ngọc sinh năm 1987, đã lập gia đình, hiện nay tạo công ăn việc làm cho hơn 20 thanh niên địa phương.
Anh tâm sự: “Từ thế hệ cán bộ tiền khởi nghĩa, đến chúng tôi là thế hệ thứ ba hoặc thứ tư. Chúng tôi tự hào, và từ lòng tự hào ấy biến thành động lực để cố gắng phấn đấu. Tự hào đồng nghĩa với nỗ lực đóng góp xây dựng quê hương”.
Lớp cha trước, lớp con sau
Câu hát ấy đã vang lên trong hành trình trở về ATK Định Hóa. Và một lần nữa, anh Đặng Văn Chung, Phó Trưởng Công an huyện Định Hóa nhắc lại khi nghĩ về thời của cha ông thuở trước. Anh Chung là con của cán bộ tiền khởi nghĩa, cùng ở tuổi 92.
“Cha mẹ đã dạy cho anh em chúng tôi bền trí. Và chúng tôi cố gắng vượt khó để học hành và xây dựng quê hương. Hơn chục năm trước thôi, vùng này nghèo lắm. Chính những người trẻ Định Hóa đã tỏa đi học cái chữ, gieo cho con chữ nảy mầm nơi những bản làng xa xôi của ATK. Bản thân tôi nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ sự bình yên quê hương nên vào lực lượng vũ trang”, anh Chung tâm sự.
Cùng niềm tự hào và tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước, ông Phan Đăng Long (quê ở xã Tân Dương, hiện là Chi cục trưởng Chi cục Thống kê Định Hóa). Ông Long sinh ra trong gia đình đông con, bố là cụ Phan Vinh, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Huyện ủy các huyện Định Hóa, Phú Lương. Năm 1979 cụ Vinh về hưu và tiếp tục làm công tác xã hội tại địa phương. Suốt cả cuộc đời, cụ sống giản dị, làm việc hết mình.
Ông Long tâm sự: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của bố tôi vô cùng giản dị. Ngay cả ở thời bình ông cũng được người dân kính nể. Chúng tôi học được lòng yêu nước và tận tụy của bố và đức hy sinh của mẹ”.
Những giá trị truyền thống, tinh thần cách mạng kiên cường từ thế hệ đi trước đã được tôn bồi bởi thế hệ đi sau. Chắc lẽ vì thế, chính những vị cán bộ tiền khởi nghĩa thật sự an lòng. Hai cụ Đặng Văn Vinh và Sằm Thị Văn hiện sống sum họp cùng cháu con ở thôn Kim Tiến, xã Kim Sơn (Định Hóa). Các cụ hiện vừa là chỗ dựa tinh thần cho cháu con, vừa là những chứng nhân lịch sử quan trọng, được chính quyền tỉnh Thái Nguyên rất quan tâm. Trong buổi trò chuyện với chúng tôi tại gia đình, cụ Vinh đã khái quát lại quãng đời hoạt động cách mạng của mình, đồng thời thể hiện niềm vui, nhờ hồng phúc tổ tiên nên con cái ngoan ngoãn, thành đạt.
Cụ Vinh khoe: “Con cả Đặng Văn Hùng tôi là Đại tá trong Quân đội, con thứ Đặng Thái Dũng từng làm Bí thư Đảng ủy xã, con thứ ba Đặng Thị Nga làm Hiệu phó Trường THCS xã Quy Kỳ. Còn con út tôi giữ chức vụ Phó Trưởng Công an Định Hóa. Dù trước đây gia đình rất nghèo nhưng tất cả đều ham học. Thế hệ tôi đã cống hiến, tôi cũng bảo các con, các cháu cũng tích cực làm việc, chung tay xây dựng quê hương, lúc nào cũng phải đặt công việc chung lên hàng đầu”.
Hai cụ Đặng Văn Vinh và Sằm Thị Văn cùng cháu nội. |
Chúng tôi cũng tìm đến nhà cụ Nguyễn Phúc Liên (85 tuổi), thôn Quan Lạn, xã Phú Đình. Ngôi nhà nhỏ nơi cụ Liên đang sinh sống cùng con cháu chỉ cách đồi Tỉn Keo khoảng một cây số. Cụ kể: “Đồi Tỉn Keo nơi Bác Hồ ở và làm việc là đất của gia đình ông Ma Tiến Đàm. Hồi ấy, khu vực này heo hút lắm. Để bảo đảm bí mật, nhân dân trong vùng thực hiện “ba không”: Không nghe, không biết, không thấy. Mỗi khi Bác và các lãnh đạo Trung ương Đảng di chuyển đi nơi khác hoạt động, nhân dân trong vùng lại thay nhau trông nom, bảo vệ để khi các đồng chí trở về vẫn có ngay chỗ ở và làm việc”.
Đất Thái Nguyên nói chung, ATK Định Hóa và các vùng ATK2 nói riêng còn rất nhiều người con tiêu biểu cho những gia đình giàu truyền thống, yêu nước, tích cực phát huy tinh thần cách mạng trong thời kỳ mới.
Ông Lương Văn Hiền, Phó ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa, con cụ Lương Văn Thắc cán bộ tiền khởi nghĩa tâm sự: “Tinh thần cách mạng sáng đẹp của các cụ thuở trước đã soi rọi, lan truyền sang chúng tôi. Vâng, không chỉ có lòng tự hào suông mà mọi người có thể nhìn thấy, chúng tôi thể hiện niềm tự hào đó như thế nào để truyền thống sáng đẹp ấy mãi mãi như ngọn lửa cháy sáng”.