Truyền thống và hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong dự thảo Luật Nhà giáo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến góp ý, một nội dung rất mới, thu hút sự chú ý góp ý của mọi người là quy định về chứng chỉ hành nghề với nhà giáo (CCHNNG).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khoản 4 Điều 5 dự Luật quy định “CCHNNG là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục (CSGD) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các CSGD khác”.

Theo khoản 3 Điều 15 dự Luật, chứng chỉ được cấp cho 4 nhóm đối tượng: 1. Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các CSGD đạt chuẩn nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành; 2. Nhà giáo được tuyển dụng vào các CSGD đạt chuẩn nhà giáo sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu đạt yêu cầu của kỳ sát hạch CCHNNG. 3. Nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp CCHNNG (nếu có nhu cầu); 4. Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan thẩm quyền và có nhu cầu.

CCHNNG sẽ có giá trị sử dụng toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam. Mỗi nhà giáo được cấp 1 hoặc hơn 1 CCHNNG.

Quy định trên có thể gây băn khoăn với một số người ở điểm, quan niệm truyền thống xưa nay người Việt có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Hiểu nôm na là ai dạy cho mình một chữ hay một nửa con chữ cũng là thầy của mình. “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp từ ngàn năm nay, phù hợp từ ngàn xưa và cho đến ngàn sau. Trong thực tế, bất kỳ ai cũng có một hay nhiều người thầy trong đời, dạy cho mình phân biệt đúng - sai, dạy cho mình nết ăn - cách ở, dạy cho mình cách đối nhân xử thế, dạy cho mình kinh nghiệm làm việc, dạy cho mình cách kiếm tiền hợp pháp, dạy cho mình những hành động có ích cho xã hội… Đó là những người thầy rất quan trọng, thậm chí có thể từ những kiến thức và sự chỉ dạy của họ, mang đến cho mình những bước ngoặt cuộc đời tốt đẹp hơn. Thế nhưng, ở góc độ nghề nghiệp, họ lại không phải là nhà giáo.

Cũng trong thực tế hiện nay, ở một số trung tâm “dạy học” và đặc biệt trên mạng, có tình trạng một số người dù chưa rõ trình độ, kinh nghiệm, nhân cách ra sao, nhưng vẫn tự nhận mình là “thầy, cô”, tự ý tổ chức dạy và học chưa rõ chất lượng ra sao, tự ý thu tiền người học. Đó cũng là một vấn đề cần cơ quan chức năng có quy định quản lý.

Tại một hội thảo mới đây, một ý kiến cho rằng, CCHNNG thể hiện một bước tiến quan trọng trong nhận thức về việc dạy học. Trên thế giới, có khái niệm để một việc làm trở thành một nghề, phải đáp ứng 4 điều kiện: Được đào tạo trình độ; có bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp; có chứng chỉ hành nghề; có tổ chức nghề nghiệp.

Như vậy, xét ở góc độ hiện đại, thì việc cấp CCHNNG không chỉ nâng cao vị thế người dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, còn bảo vệ quyền lợi người học, bảo đảm người học được giáo dục bởi thầy cô có trình độ chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp, đã được cơ quan chuyên môn thẩm định trình độ, năng lực, đạo đức.

Nhìn nhận rõ như vậy, để thấy rằng chúng ta không mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại. Một số người thầy trong đời của mỗi chúng ta, họ không phải nhà giáo và không cần CCHNNG, nhưng chúng ta vẫn dành cho họ những sự tôn trọng tuyệt đối. Với những nhà giáo chuyên nghiệp, thì cần thiết phải có CCHNNG, để công việc ngày càng chuyên nghiệp, quy củ hơn.

Đọc thêm