Trước đó, trong cuộc làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những đánh giá rất cao về vai trò, nhiệm vụ của những người làm báo. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường.
“Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hy sinh và nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước”, Thủ tướng đánh giá đây là truyền thống vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam, cần tiếp tục giữ gìn và phát huy.
Trong chiến tranh hay hòa bình, báo chí đều thể hiện vai trò quan trọng, là một phần của cuộc sống, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, được biết thông tin là nhu cầu của mỗi người. Một ví dụ gần nhất, khi cả nước phải đối mặt dịch COVID-19 với đầy khó khăn, thách thức, càng thấy rõ vai trò của báo chí. Báo chí đã tuyên truyền, cổ vũ, kêu gọi, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng cảm trong nhân dân về các biện pháp chống dịch, tiêm chủng, đoàn kết, tương thân, tương ái trong lúc khó khăn; chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Báo chí cũng phản ánh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với tinh thần đoàn kết để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch; nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Báo chí đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện những mô hình mới, kinh nghiệm hay, cách làm tốt, những tấm gương điển hình trong đời sống xã hội.
Trong cuộc làm việc với Hội Nhà báo mới đây, có một chỉ đạo khiến các nhà báo cần phải đào sâu suy ngẫm. Đó là Thủ tướng yêu cầu báo chí tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn đang được dư luận quan tâm, đi vào những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế. Phản ánh sinh động, khách quan, đa chiều, toàn diện, khoa học, sâu sắc và có giải pháp cho từng vấn đề. Đặc biệt, tăng cường thông tin phân tích, phát huy vai trò báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Không né tránh những vấn đề tiêu cực, góp phần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng đưa tin theo hướng xây dựng, tìm ra cách khắc phục, giải quyết theo hướng nhân văn, nhân đạo, theo đường lối của Đảng và quy định của pháp luật để đem lại cảm xúc, niềm tin, cái nhìn và kết quả tích cực hơn cho cộng đồng.
Trong giai đoạn công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước, toàn dân thực hiện ngày càng quyết liệt, hiệu quả; những chỉ đạo trên của Thủ tướng giúp những người làm báo ngày càng vững tin, tận tâm dốc sức; để ngày càng khẳng định vai trò, sứ mệnh của nền báo chí cách mạng nước nhà.
PLVN