Tìm về thiên nhiên…
Từ lâu, vùng phụ cận nông nghiệp xung quanh chân núi Ba Vì đã được chọn là vùng bảo tồn, thuần hóa và phát triển đa dạng các giống gốc về một số sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt bản địa. Hiện nay vẫn tồn tại và phát triển các cơ sở nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Trung tâm nghiên cứu bò và phát triển đồng cỏ Ba Vì, Trung tâm nghiên cứu dê cừu thỏ, Trung tâm nghiên cứu măng, dứa suối Hai, gà lơ go, các loài cây lâm nghiệp…
Cũng chính nơi đây, đã hình thành các làng nghề nông nghiệp truyền thống từ rất lâu đời như: Làng chè Ba Trại, làng Việt cổ Đá ong Đường Lâm, làng thảo dược người Dao Ba Vì và các trang trại, nông hộ chăn nuôi bò sữa, trồng rau lấy giống từ rau rừng, trồng hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu, bò vàng Ba Vì.
Cơ duyên đã đưa TS Ngô Kiều Oanh trở thành người nghiên cứu và làm quy hoạch du lịch cho vùng đất Sơn Tây từ năm 1987. Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, sau khi về hưu, bà tiếp tục về đây thực hiện ý tưởng xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp – trang trại Đồng Quê Ba Vì (Ba Vì Homestead), tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, tới nay đã được 10 năm.
Thực chất, đây là một hình thức phát triển mối giao hòa giữa tự nhiên, văn hóa và con người ở các đô thị với nông thôn, thông qua việc đến ở, nghỉ dưỡng (homestay), thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, trải nghiệm đời sống đồng quê và hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi sạch trong khung cảnh gia đình, làng quê ấm cúng.
Đến đây, du khách sẽ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam dựa vào thiên nhiên như: Cấy lúa, úp nơm, bắt cá bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng và rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái và sao chè khô, cho đà điểu, dê, cừu, thỏ, bò sữa ăn…
Với sức hấp dẫn và ý nghĩa toàn diện, lớn lao của mình, trang trại Đồng Quê Ba Vì đã được lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng giải thưởng Bông Lúa Vàng 2012 vì những cống hiến cho nông nghiệp và giáo dục văn hóa đồng quê Việt Nam.
Chính tại nơi đây, TS Ngô Kiều Oanh đã hướng dẫn cho từng gia đình cách trồng, chế biến chè sạch, cách bảo vệ, bảo tồn và phát triển các sản vật đặc trưng của địa phương. Và cũng tại đây, nhiều bản làng, nhiều nông hộ, người dân đã ý thức được việc nuôi dưỡng và bảo tồn giá trị văn hóa, từ đó nuôi sống và tạo ra kinh tế trên chính mảnh đất của mình.
Cháy hết mình với văn hóa dân tộc
TS Ngô Kiều Oanh (quê gốc Vĩnh Kim, Tiền Giang) sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức. Thân sinh bà là cố Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn, Bộ trưởng hai bộ (Kinh tế và Canh nông) đầu tiên của nước ta. Ông nội bà là cụ Ngô Minh Ứng, lớn lên trong một gia đình đại điền chủ có hàng ngàn mẫu ruộng, ông cũng là một trí thức yêu nước nổi tiếng ở Nam bộ.
Mẹ của TS Ngô Kiều Oanh đậu tú tài thời Pháp, nhiều năm làm việc trong tổ thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị ruột của bà cũng là một nhà khoa học nổi tiếng - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Ngô Kiều Nhi, người đã được giải thưởng danh giá Kovalevskaya.
Năm 1967, bà được cử đi học ngành Điều khiển học thuộc Trường Đại học Năng lượng Mátxcơva. Năm 1981, theo đề nghị của Viện trưởng Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô thời bấy giờ, bà sang Nga làm TS khoa học và trở về Việt Nam năm 1985, làm cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Việt Nam.
Hiếm thấy một nữ tiến sĩ khoa học lại có một đam mê và tâm huyết lớn lao đối với sứ mệnh bảo vệ văn hóa truyền thống, các vùng quê, các làng nghề truyền thống hàng ngàn năm. TS Ngô Kiều Oanh cũng là người đã cùng nhóm phóng viên một tờ báo có trụ sở tại Hà Nội phát hiện và kiến nghị cơ quan chức năng để bảo vệ danh lam thắng cảnh văn hóa chùa Hương khỏi một dự án xây dựng nhà máy rác thải gần đó.
|
Được tự tay gieo hạt, trồng cây và nhặt rau, làm thành gỏi cuốn là một trải nghiệm đáng nhớ tại Ba Vì Homestead. |
Bà cũng là người lên tiếng mạnh mẽ khi khu làng cổ Đường Lâm bị xâm hại, tham gia đấu tranh cho sự nguyên vẹn của khu vườn kỳ lạ Long An cùng vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ, đóng góp và bảo tồn việc cây đa nghìn năm tuổi ở Ba Vì…
Không chỉ thế, TS Ngô Kiều Oanh còn đi rất nhiều nơi trên thế giới, lăn lộn từ Nam chí Bắc, đến tận các vùng quê hẻo lánh, tới từng nhà người dân nghiên cứu, tìm hiểu. Tận mắt thấy hình ảnh những người nông dân nghèo khổ, bệnh tật vì thực phẩm bẩn, ô nhiễm, bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế khó khăn nên bà đã quyết tâm tìm kiếm mô hình phù hợp để áp dụng vào nông nghiệp Việt Nam. Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi khắp năm châu, bốn biển bà nhận thấy mô hình du lịch nông nghiệp chính là một giải pháp rất quan trọng giúp người dân thoát ra khỏi vòng vây đói nghèo, bệnh tật.
“Để những nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp cũng như người nông dân hiểu được bản chất du lịch nông nghiệp là gì, cần làm gì và được gì, việc xây dựng ý tưởng cho mô hình là rất quan trọng. Một trong những điều cấu thành du lịch nông nghiệp chính là nông nghiệp hữu cơ: Các sản phẩm (sản vật) dùng cho du khách được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, dựa vào nền tảng tự nhiên, văn hóa nông nghiệp bản địa.
Một yếu tố quan trọng khác là sự hợp tác, xây dựng một cộng đồng gắn bó, tương tác, trung thực trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tại các làng nghề nông nghiệp truyền thống và hoạt động du lịch ăn ở, tham quan”, TS Ngô Kiều Oanh chia sẻ.
Thượng tôn pháp luật, doanh nghiệp thành công
“Khi được gắn kết song hành với du lịch, ngành Nông nghiệp rất phấn khởi vì họ sẽ được bán sản phẩm, nông dân kiếm được thu nhập, được giao lưu với khách du lịch. Từ đó, tạo động lực cho bà con suy nghĩ, phấn đấu khởi nghiệp, suy nghĩ cách bán hàng, đi học cách bán hàng”, TS Ngô Kiều Oanh cho biết.
Tại Việt Nam, chủ trương đổi mới nông thôn về mọi mặt của Đảng và Chính phủ đã và đang tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông- lâm - ngư nghiệp truyền thống. Ngược trở lại, du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới nhanh hơn và bền vững, bởi tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm và bảo tồn văn hóa gốc của thôn quê, tạo nên giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.
Theo TS Ngô Kiều Oanh, để tạo một hệ sinh thái du lịch nông nghiệp bền vững, có 5 khó khăn cần vượt qua và chỉ có thể vượt qua khi có bàn tay điều phối của Nhà nước. Một là, cần có chủ trương nghiên cứu xây dựng nền tảng lý luận mang tính thực tiễn và đặc thù cho nền du lịch nông nghiệp truyền thống.
Hai là, xây dựng chính sách quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch cần sự liên kết chặt chẽ từ các cấp lãnh đạo đến các cộng đồng cư dân nông nghiệp (nông hộ, trang trại, các trung tâm khuyến nông lâm ngư nghiệp, các hợp tác xã).
Ba là, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông thôn từ tên gọi đến nội dung hoạt động chuẩn xác để dễ dàng quảng bá. Bốn là, hỗ trợ kinh phí đào tạo kỹ năng cho các nông hộ về việc tiếp đón du khách và tiếp thị sản phẩm. Năm là, chiến lược quảng bá, truyền thông cần sự phối hợp tích cực từ các cơ quan báo chí.
Luôn miệt mài cống hiến, luôn sống và làm việc theo pháp luật, đó là những điều người ta tìm thấy ở TS Ngô Kiều Oanh. Người ta càng ấn tượng hơn về một nhà khoa học tâm huyết với văn hóa dân tộc, với làng quê Việt Nam và nhớ tới trang trại Đồng Quê, với những ý tưởng và nỗ lực, quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ từ một người phụ nữ nhỏ bé nhưng kiên cường, mà mọi người vẫn gọi một cách thân thương là “Tiến sĩ lội ruộng”…
Tận mắt thấy hình ảnh những người nông dân nghèo khổ, bệnh tật vì thực phẩm bẩn, ô nhiễm, bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt, kinh tế khó khăn nên bà đã quyết tâm tìm kiếm mô hình phù hợp để áp dụng vào nông nghiệp Việt Nam. Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi khắp năm châu, bốn biển bà nhận thấy mô hình du lịch nông nghiệp chính là một giải pháp rất quan trọng giúp người dân thoát ra khỏi vòng vây đói nghèo, bệnh tật.
Thực chất, đây là một hình thức phát triển mối giao hòa giữa tự nhiên, văn hóa và con người ở các đô thị với nông thôn, thông qua việc đến ở, nghỉ dưỡng (homestay), thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, trải nghiệm đời sống đồng quê và hưởng thụ các đặc sản thiên nhiên tươi sạch trong khung cảnh gia đình, làng quê ấm cúng.
Đến đây, du khách sẽ được tham gia trực tiếp vào các hoạt động nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam dựa vào thiên nhiên như: Cấy lúa, úp nơm, bắt cá bằng những dụng cụ làm bằng tre, trồng và hái các loại rau rừng , rau thảo dược, xem cách làm mật ong, tự hái, sao chè khô, cho đà điểu, dê, cừu, thỏ, bò sữa ăn…