TS Nguyễn Đình Cung |
Thưa ông, có thể nói, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất kịp thời ban hành các văn bản tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất kinh doanh (SXKD) sau đại dịch Covid-19? Ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ này?
- Dịch Covid-19 tác động đến tất cả các nước không riêng gì Việt Nam. Có thể nói đây là cuộc suy thoái kinh tế chưa từng có. Để hỗ trợ DN và người dân, khôi phục nền kinh tế, các nước có quyết sách rất mạnh và nhanh để vực dậy nền kinh tế. Còn của ta, đúng là tác động của Covid-19 mạnh thật mà những báo cáo điều tra chưa nói hết được. Báo cáo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, 98% DN bị tác động bởi dịch Covid-19. Có những ngành nghề không còn hoạt động, hầu như không có doanh thu, doanh số. Cùng với đó, 5 triệu người mất việc, con số này bằng 10% số lượng lao động hiện nay…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất kịp thời ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết như Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Nghị quyết 41/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 3/2020, Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho SXKD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19...
Nhưng Chỉ thị, Nghị quyết chỉ là văn bản đôn đốc công việc, không phải là văn bản pháp quy. Về chính sách, chỉ thấy Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Nghị quyết 42/NQ-CP và một số tương tự. Đến nay DN chủ yếu được hưởng là giảm lãi suất ngân hàng, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ… nhưng cái này không phải DN nào cũng được hưởng vì phụ thuộc vào quyết định của ngân hàng. Đây là sự thỏa thuận giữa ngân hàng và DN.
Nhưng sự hỗ trợ này cũng có giới hạn để ngân hàng tồn tại chứ không phải hỗ trợ đến mức ngân hàng không tồn tại. Với Nghị định 41/2020/NĐ-CP, DN được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất 5 tháng. Sự hỗ trợ đó quá ít, quá nhỏ bé so với thiệt hại của DN, quá nhỏ bé so với các nước khác hỗ trợ DN người ta, mà cũng không thể so với các nước khác được…
Nhưng mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, trong đó đề cập đến việc giảm phí, giảm giá, lệ phí trước bạ với một số dịch vụ; giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ; miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; chỉ thu 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay…, thưa ông?
- Như tôi đã nói ở trên, Nghị quyết không phải văn bản pháp quy. Để thực hiện được, Quốc hội /Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thông qua (đối với thuế), các bộ, ngành phải soạn thảo Nghị định Chính phủ ban hành (đối với phí, lệ phí…) thì mới thực thi được.
Mặc dù nhìn vào chính sách thì thấy có tới 98% DN sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhưng thực tế phần DN được hưởng lợi không đáng kể. Bởi chỉ DN vẫn còn doanh thu để nộp thuế mới được hưởng lợi chính sách gia hạn nộp thuế hay giảm thuế, còn những DN khó khăn nặng nề đến mức không có doanh thu không có gì mà nộp thuế thì chính sách gia hạn thuế hay miễn, giảm thuế cũng không có ý nghĩa…
Hay có những chính sách xét về đạo lý là rất tốt, xét về nguyên tắc là chặt chẽ để tránh trục lợi nhưng với những điều kiện để hưởng chính sách được đưa ra, vừa không mang lại lợi ích gì cho DN lại có tác dụng ngược. Đơn cử như điều kiện hỗ trợ cho những DN có 50% số lao động nghỉ việc, DN bị thiệt hại 50% tài sản... DN ở tình trạng này thì coi như đã phá sản.
Mục đích của chúng ta là hỗ trợ DN duy trì hoạt động không để lao động mất việc, nhưng với điều kiện này, hóa chăng DN cho lao động nghỉ nhiều hơn để hưởng lợi chính sách? Hơn nữa, việc xác định thiệt hại cũng mất nhiều thời gian và thủ tục, trong khi DN cần hỗ trợ ngay để sớm phục hồi… Đúng là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất tích cực chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành với DN nhưng “lực bất tòng tâm”.
Nhưng những vấn đề như thế này đã được quy định trong Luật, thưa ông?
- Đúng như vậy! Vấn đề phải sửa Luật, ít ra những vấn đề này phải bàn trong chương trình nghị sự của Quốc hội. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, với rất nhiều vấn đề trọng đại, cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho SXKD, phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tôi đơn cử như trong bối cảnh hiện nay, thay đổi kịch bản tăng trưởng năm nay như thế nào? Quốc hội nói chưa có căn cứ? Đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu tăng trưởng 6% thì thu ngân sách như thế nào? Tăng trưởng 4 hay 5% thì thu ngân sách ra sao? Thu từng này, chi từng này thì khoản thiếu hụt bù ở đâu? Nếu bây giờ không bàn, cuối năm Chính phủ điều hành như thế nào? Đây là việc Quốc hội phải bàn mà bàn ngay từ kỳ họp này chứ không phải đợi đến tháng 10?
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!