Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cũng đánh giá: Ở cương vị người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, coi đây là một dấu mốc, là bước chuyển quan trọng và việc thực hiện thành công Nghị quyết chính là “tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Trên cơ sở điểm lại những kết quả đáng khích lệ sau 2 năm triển khai Nghị quyết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế mà chắc chắn những người tâm huyết với sự nghiệp tư pháp, pháp luật nước nhà không thể không trăn trở, đó là: “cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong Nhân dân”. “Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu”…
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thông qua Nghị quyết 27 |
"Đồng chí đã chỉ rõ những việc ở tầm bao quát, chiến lược trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cần được thực hiện để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam"
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, một trong những điều rất đặc sắc trong bài viết là Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra ngay những việc mà mỗi đảng viên, mỗi chi bộ cơ sở Đảng có thể làm được ngay và nên làm ngay. Đó là, cần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở Đảng, theo hướng “bên cạnh việc triển khai, quán triệt, học tập văn bản, nghị quyết của cấp trên như cách làm hiện nay thì nội dung sinh hoạt chi bộ cơ sở Đảng cần nghiên cứu, bổ sung các chuyên đề như: nội dung pháp luật cần triển khai; các vấn đề mà thực tiễn pháp lý đặt ra liên quan đến quyền lợi của người dân; vấn đề phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cần giải quyết; các vấn đề dư luận xã hội, quần chúng quan tâm cần định hướng về quan điểm, nội dung chính sách, pháp luật và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…”
"Thực hiện ngay sự đổi mới này chính là hành động mà mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi tế bào của tổ chức Đảng thiết thực góp phần cùng toàn thể Nhân dân lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, “tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” - TS. Nguyễn Văn Cương khẳng định.