Thích là đi
Theo khảo sát của PV, tại một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Tô Hiệu, Đào Tấn… tình trạng người đi bộ không đi theo tín hiệu đèn giao thông, sang đường không đúng nơi quy định, vượt dải phân cách vẫn diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, tại những khu vực đã có cầu vượt qua đường như Xã Đàn, Hoàng Quốc Việt, Chùa Bộc, Tây Sơn,… ý thức chấp hành luật giao thông của người đi bộ cũng rất thấp.
Đường Phạm Hùng (đoạn đối diện bến xe Mỹ Đình), mặc dù có hầm sang đường dành cho người đi bộ cách chưa đầy 100 mét nhưng phần lớn mọi người vẫn chọn cách đi tắt để băng qua đường, bất chấp làn xe cộ đông đúc đang lưu thông. Điều đáng nói là hầu hết những người vi phạm khi được hỏi đều biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, mất an toàn giao thông nhưng chỉ vì nhanh, vì tiện mà họ vẫn bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng đánh cược cả tính mạng để sang đường.
Thực tế cho thấy, việc xử phạt người đi bộ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là điều vô cùng cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn và ùn tắc giao thông.
Có tạo điều kiện thì mới dễ xử phạt
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm đồng tình, không ít ý kiến cho rằng việc xử lý người đi bộ vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều chỗ chưa thật sự hợp tình bởi nhiều khi chính bản thân người đi bộ muốn chấp hành đúng luật cũng khó.
Nguyên nhân chính là do hiện nay không ít tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, phần vỉa hè dành cho người đi bộ đang bị tái lấn chiếm, thương mại hóa trở thành nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe khiến việc tuân thủ luật của người đi bộ gần như bất khả thi, buộc lòng phải đi xuống lòng đường dù biết trước nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Vỉa hè nhiều nơi bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, trông giữ xe máy thì lấy đâu ra chỗ cho người đi bộ. Hay có những chỗ không có vỉa hè thì người dân phải đi tràn xuống lòng đường. Nếu như thế mà cũng bị xử phạt thì vô lý quá” — một người dân sống trên đường Trần Quốc Toản cho hay.
Ngoài ra, việc phân bổ vị trí biển báo, đèn báo hiệu, vạch sơn kẻ đường, hầm chui, cầu vượt cho người đi bộ qua đường còn bất hợp lý. Trên thực tế, có nhiều tuyến đường, khoảng cách giữa các vạch kẻ đường dành cho người đi bộ cách nhau khá xa nên nhiều người đành tiện đâu sang đấy.
Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay hạ tầng giao thông ở Hà Nội chưa đồng bộ, một số vỉa hè quá hẹp, diện tích dành cho người đi bộ gần không có. Tại các khu vực đông dân cư, gần các trường đại học, trung tâm thương mại, cầu vượt, điểm mở dành cho người đi bộ qua đường còn quá ít, không bảo đảm khoảng cách, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó là sự thiếu ý thức của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Tất cả những điều này đã vô hình trung tạo thành rào cản, gây khó khăn cho cả việc tuân thủ luật của người dân cũng như việc xử phạt của cơ quan chức năng. Chia sẻ thêm thông tin liên quan, theo Đại úy Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 Công an thành phố Hà Nội, hiện tại việc xử lý người đi bộ vi phạm vẫn gặp những khó khăn nhất định. “Với lực lượng cảnh sát giao thông, xử lý vi phạm về giao thông liên quan, người ta không có giấy tờ, không có tiền thì mình không thể giữ người được.
Về cơ bản, chúng tôi chỉ xử lý các trường hợp đi lên đường cao tốc và nhắc nhở đối với một số trường hợp đi vào nơi không dành cho người đi bộ qua đường. Chủ yếu nhất vẫn là nhắc nhở để người dân nâng cao ý thức” — Đại úy Chinh thông tin.
Rõ ràng, việc áp dụng luật mới xử lý hình sự đối với những người đi bộ vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là vô cùng cần thiết. Để quy định này thật sự có hiệu quả, thiết nghĩ thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền nhắc nhở, xử phạt để người dân tự nâng cao ý thức chấp hành; các cơ quan chức năng cần tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại, cung cấp các điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông để người dân có thể đi bộ đúng quy định.