Từ 21/9: Các địa phương phải xây dựng và thực hiện kế hoạch xã hội học tập

(PLVN) - Sau khi Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập có hiệu lực, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập, hướng dẫn đánh giá, chấm điểm, xếp loại đơn vị học tập cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa phương.
Ảnh minh họa

Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, xếp loại đơn vị học tập và áp dụng đối với cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; cơ quan thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; cơ quan thuộc UBND huyện; cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện.

Đơn vị học tập được hiểu là các cơ quan, đoàn thể mà trong đó mọi người được tạo điều kiện thuận lợi và có nhu cầu tự học, học tập thường xuyên, học cách học cùng nhau nhằm mở rộng hiểu biết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo Bộ GD&ĐT, mục đích của việc xếp loại, đánh giá là tạo cơ hội và điều kiện cho thành viên trong đơn vị được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng mẫu hình công dân học tập trong các đơn vị, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập; cung cấp cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện và huy động nguồn lực hỗ trợ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của các thành viên trong đơn vị;  là căn cứ để xem xét đánh giá kết quả công tác hằng năm của đơn vị và các thành viên trong đơn vị.

Có 3 nhóm tiêu chí đánh giá đơn vị học tập theo quy định mới của Bộ GD&ĐT: Thứ nhất, các tiêu chí về các điều kiện để xây dựng đơn vị học tập (tối đa 30 điểm) gồm: đơn vị có chủ trương hoặc kế hoạch cho thành viên học tập thường xuyên (tối đa 10 điểm); đơn vị có các quy định cụ thể nhằm động viên thành viên học tập (tối đa 10 điểm); đơn vị quan tâm đầu tư các nguồn lực, bao gồm tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và những điều kiện đảm bảo để đáp ứng nhu cầu học tập của thành viên (tối đa 10 điểm).

Nhóm thứ 2 là các tiêu chí về kết quả học tập của thành viên (tối đa 30 điểm) gồm: 100% thành viên trong đơn vị có kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng hàng năm được lãnh đạo đơn vị phê duyệt (tối đa 10 điểm); 100% thành viên trong đơn vị tuân thủ kỷ luật lao động, nội quy làm việc trong đơn vị, có tinh thần hợp tác, đoàn kết và trao đổi (tối đa 05 điểm); 100% thành viên trong đơn vị hoàn thành đầy đủ chương trình học tập, bồi dưỡng bắt buộc theo quy định của Nhà nước (tối đa 10 điểm); 100% thành viên trong đơn vị đạt từ danh hiệu “Lao động tiên tiến” trở lên (tối đa 05 điểm).

Nhóm thứ 3 là các tiêu chí đánh giá hiệu quả, tác động của xây dựng đơn vị học tập (tối đa 40 điểm) gồm: 100% thành viên trong đơn vị đáp ứng đầy đủ các năng lực và phẩm chất của công dân học tập (tối đa 25 điểm); đơn vị đạt từ danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” trở lên (tối đa 10 điểm); góp phần tạo lập môi trường chia sẻ tri thức với các đơn vị khác (tối đa 05 điểm).

Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT quy định việc đánh giá, xếp loại đơn vị học tập theo phương thức chấm điểm. Tổng số điểm tối đa cho tất cả các tiêu chí là 100. Việc xếp loại theo 4 loại gồm: Loại tốt: Tổng số điểm đạt được từ 85 điểm đến 100 điểm; Loại khá: Tổng số điểm đạt được từ 70 điểm đến dưới 85 điểm; Loại trung bình: Tổng số điểm đạt được từ 50 điểm đến dưới 70 điểm; Loại chưa đạt: Các trường hợp còn lại.

Thông tư cũng bắt buộc các đơn vị tổ chức tự đánh giá, xếp loại theo các tiêu chí quy định và gửi báo cáo kết quả tự đánh giá, xếp loại đơn vị học tập về Sở GD&ĐT (đối với các đơn vị cấp tỉnh); Phòng GD&ĐT (đối với các đơn vị cấp huyện). Thời gian gửi báo cáo tự đánh giá, xếp loại chậm nhất trong Quý I của năm sau.

Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT chủ trì tổ chức kiểm tra việc đánh giá, xếp loại đơn vị học tập của các đơn vị và tổng hợp kết quả trình Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định công nhận kết quả đánh giá, xếp loại đơn vị học tập và công bố công khai. Việc đánh giá, xếp loại đơn vị học tập được thực hiện định kỳ một năm một lần.

Sau khi thông tư có hiệu lực, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập của địa phương; căn cứ tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp loại đơn vị học tập quy định trong Thông tư này, UBND cấp tỉnh hướng dẫn đánh giá, chấm điểm, xếp loại đơn vị học tập cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình ở địa phương; bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra, thanh tra, tổng kết việc đánh giá, xếp loại đơn vị học tập.

Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT được Bộ GD&ĐT ban hành ngày 6/8/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21//9/2020.

Đọc thêm