Từ biệt vị tướng đầu tiên của đại ngàn Tây Nguyên

(PLO) -Ngày 13/1/2018, sau một thời gian lâm bệnh cùng với tuổi cao sức yếu, Thiếu tướng Y Blốk Êban đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng, hưởng thọ 97 tuổi. Ông là vị tướng đầu tiên của các dân tộc Tây Nguyên, Chủ tịch Ủy ban quân quản Đắk Lắk vào năm 1975 và là Chủ tịch tỉnh đầu tiên sau 1975 của tỉnh Đắk Lắk.
Thiếu tướng Y Blốk Êban và vợ
Thiếu tướng Y Blốk Êban và vợ

Trong cuốn hồi ký “Đi trọn tuổi xanh” do Hội Cựu chiến binh Đắk Lắk xuất bản, Thiếu tướng Y Blốk Êban viết: “Ngày tôi được giác ngộ vào Việt Minh cũng chính là ngày Đảng tái tạo tôi sau cái hình hài mà mẹ tôi cưu mang từ hạt bắp, củ rừng và mạch nước của ông bà để lại…”.

Thiếu tướng Y Blốk Êban sinh năm Tân Dậu 1921, tại buôn Chư Dluê, thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) trong một gia đình Ê Đê có 7 anh chị em. Khi Y Blốk Êban 2 tuổi thì cha ông - ông Y Chăm Byă qua đời. Mẹ ông phải dắt díu đàn con đi làm tôi tớ cho chủ nô Ma Nhơn trong vùng để kiếm sống. Do thông minh và ham học hỏi nên dù đi ở đợ, Y Blốk Êban vẫn học hết tiểu học. 

15 tuổi, Y Blốk Êban bị Pháp bắt vào lính khố xanh làm phục dịch và sau đó làm gác tù tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, với âm mưu lấy người Việt trị người Việt, thực dân Pháp sử dụng hầu hết cai tù là người Ê Đê bản địa. “Nhưng chúng không ngờ rằng, tại nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này lại chính là trường học cách mạng của những người yêu nước”. Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, Y Blốk Êban được tiếp xúc với một số tù chính trị như: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Hồng Chương, Bùi San… và được tuyên truyền để trở thành cơ sở cách mạng. Sau khi giác ngộ lý tưởng, ông được giao nhiệm vụ vận động những người lính gác ngục bỏ hàng ngũ đi theo cách mạng và Y Blốk Êban đã âm thầm xây dựng lực lượng trong lòng địch để chờ thời cơ. 

Ngày 20/8/1945, Y Blốk Êban đã dẫn đầu trung đội lính khố xanh biến buổi chào cờ của Trần Trọng Kim do phát xít Nhật dựng lên thành cuộc mít tinh ủng hộ cách mạng và giành chính quyền về tay nhân dân. Hành động táo bạo, bất ngờ và bí mật của Y Blốk Êban dưới sự chỉ đạo của Tỉnh bộ Việt Minh và Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk đã khiến cho chính quyền Trần Trọng Kim không kịp trở tay. Chiến công đầu tiên này đã đưa Y Blốk Êban đứng vào hàng ngũ cách mạng, ông được tham gia vào Ủy ban lâm thời của tỉnh Đắk Lắk.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hầu hết cán bộ ở Tây Nguyên nói riêng và miền Nam nói chung đều tập kết ra Bắc. Trong khi đó, Liên khu V lại muốn Y Blốk Êban ở lại để hoạt động trong lòng địch, giữ vững cơ sở cách mạng ở Đắk Lắk. Tư lệnh Liên khu V lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Chánh đã ký quyết định bổ nhiệm Y Blốk Êban làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 120 để đưa ra Bắc huấn luyện.

Quãng thời gian học tập ở miền Bắc đã giúp ông trưởng thành rất nhiều. Ở đó, ông được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; được bồi dưỡng thêm về lý tưởng cách mạng, nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Năm 1958, Y Blốk Êban lại trở về với núi rừng Tây Nguyên sau khi được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn quân hàm Trung tá. Trở lại chiến trường xưa, Y Blốk Êban giữ trọng trách Quyền Tư lệnh Quân khu VI, Tư lệnh phân khu Nam. Là một người chỉ huy từng xông pha khắp các trận địa, làm cho quân địch khi nghe đến cái tên Y Blốk Êban vừa khiếp sợ, vừa nể trọng.

Đỉnh cao trong sự nghiệp cách mạng của Y Blốk Êban cũng như những người làm cách mạng ở Tây Nguyên cùng thời với ông chính là chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Ngày 18/3/1975, Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y Blốk Êban - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk làm Chủ tịch đã ra mắt trước 300 đại biểu nhân dân tại đình Lạc Giao.

Cuốn hồi ký “Đi trọn tuổi xanh” kể nhiều chuyện đi làm địch vận của Y Blốk Êban như chuyện ông đã đến tận nhà thuyết phục Chánh tổng buôn Bu Bơ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn N’Trang Lơng phụ trách vùng Tây Nguyên tên NĐắk đi theo cách mạng. Ở Phú Nhơn có một chánh tổng tên là Xã Đỏ, người Gia Rai, giàu có, uy thế trùm cả một vùng. Thấy rõ là nếu vận động được ông ta có cảm tình với cách mạng thì sẽ “nắm” được tất cả dân vùng Củng Sơn, Cheo Reo, Ma Đ’rắc, Đắk Lắk, chàng thanh niên vừa gia nhập đội ngũ những người làm cách mạng Y Blốk Êban bèn tìm đến nhà ông ta với tư cách người đi săn xin được đến làm quen và có thể thì kết nghĩa anh em. 

Vào nhà Xã Đỏ, Y Blốk Êban nhìn lên vách nứa thấy cơ man mũi lao nhọn bằng gỗ mun, có tua bằng lông đuôi voi, cán được nạm những vòng thiếc sáng loáng. Sau khi nghe Y Blốk Êban bày tỏ mong muốn của mình, chẳng nói chẳng rằng, Xã Đỏ cất tiếng gọi đàn gà và bốc một nắm bắp ném ra sân. Sau khi chứng kiến tài bắn tên của Y Blốk Êban, chánh tổng Xã Đỏ xem Y Blốk Êban như thượng khách... Sau này, biết Y Blốk Êban là Việt Minh, Xã Đỏ giữ kín tung tích và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ông hoạt động.

Trong Hồi ký của mình, Tướng Y Blốk Êban cũng tâm sự về chuyện ông cùng anh em suýt bị kỷ luật vì “không trung thực với Trung ương, nhận quá tiêu chuẩn” khi bàn giao số vàng được giao vận chuyển từ Khu IV đem về Liên khu V để mua xe đạp thồ phục vụ cho chiến dịch sắp mở. Số vàng ghi trong giấy tờ là 20kg nhưng cân được 25kg. Ông phải giải thích mãi, nhiều đồng chí lãnh đạo mới hiểu, rằng họ đã sơ suất không lấy giấy xác nhận cấp vàng bổ sung... Năm 41 tuổi, Y Blốk Êban lập gia đình với nữ du kích Kpă Hngót và có với nhau 4 người con trai.

Đọc thêm