Gương sáng Pháp luật

Từ cậu bé chăn bò đến Tiến sĩ Quả Cầu Vàng 2022

(PLVN) - TS Lương Văn Thiện (SN 1992, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (CNTT), Trưởng nhóm nghiên cứu AIoT Lab, ĐH Phenikaa (Hà Đông, Hà Nội), là tiến sĩ trẻ nhất trong top 10 nhà khoa học nhận giải thưởng “Quả Cầu Vàng 2022” về lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số và tự động hóa với nhiều thành tích, công trình nghiên cứu giá trị thực tiễn cao.

Trở về để “truyền lửa” đam mê nghiên cứu

Sinh ra, lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Ninh Bình, bố mẹ làm nông dân, đi cấy thuê có tiền nuôi hai con ăn học; hiểu được chỉ có tri thức mới có thể thoát nghèo, từ nhỏ cậu bé đã quyết tâm cố gắng học tập.

“Ngày ấy không có tiền đi học thêm, gia đình lại không có truyền thống về học vấn, tôi tự tìm và xin lại sách cũ để luyện bài tập. Có khi vừa chăn bò, vừa lôi sách ra học, nên khi mới học xong lớp 6, tôi đã làm hết các bài tập trong sách cho năm học tiếp theo”, TS Thiện nhớ lại.

Từ cậu học sinh nghèo trường làng, trường huyện, đến trường chuyên của tỉnh, rồi đỗ hệ Kỹ sư tài năng ĐH Bách khoa Hà Nội, xin được học bổng tiến sĩ tại Vương quốc Anh; mới đây TS Thiện là 1 trong 10 chủ nhân của giải thưởng Quả cầu vàng 2022; là giải thưởng do Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn TNCS HCM trao tặng các cá nhân xuất sắc không quá 35 tuổi, đến từ các Viện nghiên cứu, trường ĐH trong nước, những tài năng trẻ người Việt đang học tập làm việc tại nước ngoài. TS Thiện là 1 trong 3 gương mặt đạt giải thưởng thuộc lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số và tự động hóa.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng các tài năng trẻ nhận Giải thưởng “Quả Cầu Vàng 2022”.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chúc mừng các tài năng trẻ nhận Giải thưởng “Quả Cầu Vàng 2022”.

TS Thiện kể, trong thời gian theo học tại nước ngoài, anh được một trong những GS hàng đầu thế giới về công nghệ viễn thông tuyển vào Nhóm nghiên cứu Communications Group của ĐH Southampton. Nhưng với khát vọng cống hiến cho đất nước, anh lựa chọn quay về, làm một giảng viên ĐH với khát vọng truyền lại tri thức, đam mê học tập, nghiên cứu cho các bạn trẻ.

“Tôi muốn trở về để “truyền lửa”, định hướng trực tiếp cho các bạn sinh viên (SV) bởi tôi nhìn thấy chính mình khi xưa, đôi lúc mông lung, mơ hồ về con đường học tập để phát triển bản thân. Thông qua mỗi giờ dạy trên giảng đường, tôi chia sẻ với SV về tầm quan trọng, trách nhiệm của việc học với chính người thân, bạn bè của các em để đem lại giá trị cho bản thân và xã hội. Tôi mong các bạn trẻ đừng sợ bất kỳ mục tiêu gì. Hãy dám nghĩ lớn, dành thời gian vào những điều bổ ích, giúp nâng cao thái độ, chuyên môn, đừng ngại mình không đủ nền tảng mà hãy mạnh mẽ tham gia nhóm nghiên cứu để làm việc, học được những tính cách, kỹ năng tốt ở bạn bè, thầy cô”, TS Thiện nói.

Ngay khi về nước, TS trẻ quyết định chọn công việc trở thành một giảng viên ĐH, Khoa CNTT và thành lập nhóm nghiên cứu AIoT ở ĐH Phenikaa. “Nghiên cứu chuyên sâu thường rất khó, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực rất lớn, đam mê, tâm huyết, không bỏ cuộc; bởi nhiều khi dành rất nhiều thời gian, công sức nhưng vẫn chưa ra được giải pháp. Tôi kỳ vọng sẽ truyền được động lực tốt nhất, giúp các em vượt qua thử thách trong nghiên cứu”, TS Thiện tâm sự.

TS Lương Văn Thiện.

TS Lương Văn Thiện.

Nỗ lực tìm kiếm phát triển nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao

Mỗi ngày, có hàng trăm công trình nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT được công khai trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế nên việc nắm bắt được hết thông tin đó sẽ rất khó khăn. “Tôi phải đọc rất nhiều sách trắng (white paper) công khai ở các diễn đàn công nghệ để phát triển ý tưởng, tìm ra được một hướng đúng để theo, để biết đó là tương lai. Hơn nữa, cơ sở quan trọng là cần có một nhãn quan chính xác và kiến thức nền đủ rộng, bám sát thực tế, tránh làm ra cái xã hội không cần. Vì thế, tôi luôn quan niệm: “Sự lựa chọn quan trọng hơn sự nỗ lực” để cẩn trọng trước mỗi sự lựa chọn về ý tưởng nghiên cứu””, TS Thiện bật mí.

Một trong những đề tài nghiên cứu của anh được ứng dụng thực tiễn và cho kết quả cao là “Giải pháp trí tuệ nhân tạo phát hiện bất thường trong dữ liệu chuỗi thời gian (ADT - Anomaly Detection for Time-series data)”. Hiện giải pháp này đã được chuyển giao và ứng dụng tại Trung tâm Đo kiểm sửa chữa thiết bị viễn thông Mobifone (TCty Viễn thông Mobifone), giúp nhanh chóng phát hiện những trạm viễn thông, cell di động tế bào có diễn biến bất thường về chất lượng mạng (như suy giảm lưu lượng) và chất lượng truyền dẫn. Từ những phát hiện đó để đưa ra cảnh báo kịp thời, kết hợp phân tích nguồn dữ liệu kỹ thuật khác, hỗ trợ kỹ sư xác định nguyên nhân gây ra bất thường cũng như đưa ra phương án xử lý. Qua đó giúp nhà mạng nhanh chóng khắc phục sự cố bất thường, đảm bảo chất lượng mạng tốt nhất.

TS Thiện còn cho ra đời Hệ thống chấm công, điểm danh bằng nhận diện khuôn mặt FaceRA. Sản phẩm đã được triển khai để điểm danh SV ra vào tại AIoT Lab, ĐH Phenikaa với độ chính xác cao (>99%), độ trễ thấp (~ 1s), có khả năng chống giả mạo như dùng ảnh hoặc video có khuôn mặt để điểm danh.

TS Thiện cùng cộng sự cũng đã kỳ công nghiên cứu giải pháp phân tích dữ liệu y tế về hệ miễn dịch người Việt (DAVIS - Data Analytics for Vietnamese Immune Systems). Giải pháp giúp lần đầu tiên xác định hằng số miễn dịch cho người Việt, giúp xác định những thông số xét nghiệm quan trọng để xác định người bị ung thư hay người bị nhiễm trùng toàn thân sepsis. Nhờ những chỉ số quan trọng này mà bác sĩ có thể nhanh chóng chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất, tránh mất thời gian và nguồn lực khi phải xét nghiệm quá nhiều chỉ số. Giải pháp đã được chuyển giao cho nhóm nghiên cứu của GS Huỳnh Đình Chiến tại ĐH VinUni và BV VinMec.

TS Thiện trong một giờ lên lớp.

TS Thiện trong một giờ lên lớp.

“Thái độ quan trọng hơn trình độ”

Mỗi nhà giáo đều có cách giảng dạy khác nhau, nhưng với TS Thiện, anh luôn đau đáu làm sao truyền động lực, năng lượng, thái độ làm việc tốt nhất đến SV: “Một khẩu hiệu mà tôi luôn nói với SV của mình là: “Thái độ quan trọng hơn trình độ”. Nếu có thái độ học tập tốt, có sự kiên trì, quyết tâm đúng đắn thì sẽ đạt được những kết quả cao trong học tập nghiên cứu”.

“Tôi luôn hướng dẫn các em phải cố gắng trau dồi kiến thức bằng cách đọc sách thật nhiều. Sách là con đường ngắn nhất để mình làm chủ kiến thức, là tinh túy nhân loại đúc kết lại, là những nguồn kiến thức giúp ích rất nhiều người thành công. Do đó, ngay từ lúc thành lập AIoT Lab, tôi đã xây dựng tủ sách trong Lab với những cuốn sách hay và cần thiết, phù hợp nhất cho SV. Bản thân tôi đã đọc hết các cuốn sách đó nên sẽ thuận lợi hơn trong việc chỉ cho các bạn cuốn sách này hay ở đâu, nên đọc thế nào”.

TS Thiện và các bạn SV còn đề ra các câu khẩu hiệu khác giúp thúc đẩy tinh thần như: Hành động bất chấp sợ hãi; trách nhiệm không trừ một ai, deadline (hạt chót – NV) không sai một giờ. “Mục tiêu giúp các SV trong AIoT Lab trở thành chuyên gia trong lĩnh vực hẹp của mình, không chỉ giỏi về chuyên môn mà nhân cách phải đẹp, được xã hội yêu quý”, TS Thiện nói.

Bên cạnh công tác giảng dạy, TS Thiện còn dẫn dắt nhiều nhóm SV đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi SV nghiên cứu khoa học, SV khởi nghiệp. Một số sản phẩm có hàm lượng KHCN cao đã được ứng dụng trong thực tế, một số công trình nghiên cứu đã được trình bày tại các Hội nghị khoa học quốc tế.

“Gắn bó với Phenikaa, điều khiến tôi thấy tự hào chính là thành quả của những SV do mình tâm huyết hướng dẫn đạt được tại các cuộc thi”, TS Thiện nói. Mới đây, từ 7 - 10/11/2022, nhóm 3 SV do TS Thiện hướng dẫn, trong đó có bạn là SV năm nhất, đều là tác giả chính của 3 bài báo khoa học tham gia thuyết trình trước bạn bè quốc tế tại Hội nghị Asia Pacific Signal and Information Processing Association ở Thái Lan.

“Tôi mong muốn tất cả học sinh, SV, dù có xuất phát điểm khó khăn, hãy luôn cố gắng vươn lên thoát nghèo. Chúng ta có thể làm được, chỉ cần có quyết tâm và sự học hỏi”, TS Thiện nhắn nhủ.

TS Thiện cùng nhóm nghiên cứu còn đang ấp ủ hàng loạt dự án, công trình trí tuệ nhân tạo có tính ứng dụng cao trong cuộc sống. “Khi quyết định về nước, tôi biết sẽ có rất nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Nhưng tôi tin, ở đâu có ý chí, ở đó có con đường. Tôi luôn kỳ vọng có thể cống hiến một phần nhỏ nhoi cho sự phát triển của nước nhà. Đến thời điểm này, tôi thấy quyết định trở về quê hương cống hiến của mình là hoàn toàn đúng đắn. Tôi có nhiều năng lượng và động lực hơn khi làm việc ở Việt Nam”, TS Thiện chia sẻ.

TS Thiện đã có 19 bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí khoa học quốc tế; tác giả chính 10 bài báo khoa học đã đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo/hội nghị quốc tế. TS Thiện còn có nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao ứng dụng trong thực tế như; có 1 sản phẩm được ứng dụng phạm vi địa phương/đơn vị; chủ trì 1 đề tài cấp cơ sở đã nghiệm thu đạt yêu cầu; tác giả của 1 sách giáo trình được nhà xuất bản uy tín phát hành.

Năm 2022, TS Thiện đạt danh hiệu Giảng viên xuất sắc trong hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học, ĐH Phenikaa.

Đọc thêm