“Tự chỉ trích” - bài học thời sự từ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ

Sáng qua - 8/7, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh), Ban tổ chức cấp quốc gia tổ chức mít tinh trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2012).

Sáng qua - 8/7, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh), Ban tổ chức cấp quốc gia tổ chức mít tinh trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 - 9/7/2012). 
Một tiết mục văn nghệ tại buổi Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Một tiết mục văn nghệ tại buổi Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Đến dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn An - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Huỳnh Đảm - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, nguyên Bí thư TƯ Đảng, Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, các đồng chí tướng lĩnh, đại biểu lãnh đạo một số địa phương cùng đại biểu các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát một số điểm quan trọng, nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhấn mạnh: “…Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và hiểu rõ hơn cuộc đời và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; rút ra những bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay”. 
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng. Từ một học sinh đang học trung học (Trường Bưởi), với lòng yêu nước, sự nhạy cảm chính trị và nhiệt huyết cách mạng, Đồng chí đã tiếp cận và giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, sớm trở thành hội viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Bác Hồ sáng lập. Khi bị địch bắt, bị giam cầm, tra tấn tại nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Văn Cừ đã cùng với các đồng chí của mình “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”.
Chính tại nơi “địa ngục trần gian” này, Nguyễn Văn Cừ được tiếp cận các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin; được các đồng chí lớn tuổi hơn có nhiều kinh nghiệm và trình độ lý luận giúp đỡ, Đồng chí đã nắm bắt được nhiều vấn đề lý luận, tiếp thu được những quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó nghiền ngẫm, đúc rút các bài học soi rọi cho quá trình hoạt động thực tiễn của mình.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có tư duy lý luận sắc sảo, sáng tạo; nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được Đồng chí giải quyết một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tế khách quan. Sáng kiến thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, tại Hội nghị BCH TƯ Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1938, chứng tỏ Đồng chí nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm chỉ đạo của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản, tập trung vào nhiệm vụ xây dựng mặt trận chống phát xít.
Năm 1939, trước nguy cơ phát xít và Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, những phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra mặt chống phá đảng cộng sản. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm chống bọn tờrốtkít và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. 
Nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ
Nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những quyết định đúng đắn, quan trọng, góp phần chuyển hướng chiến lược của cách mạng nước ta ở những thời điểm lịch sử. Đầu tháng 4-1938, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng.
Trong một loạt bài viết đăng trên báo Dân chúng, Đồng chí đã phân tích tình hình, vạch rõ nguy cơ chiến tranh phát xít ở Châu Á và Đông Dương, kêu gọi nhân dân đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa chống chiến tranh phát xít. Chuẩn bị để Đảng rút vào hoạt động bí mật, chủ động ứng phó với tình hình diễn biến mau lẹ, Đồng chí đã cho phát hành cuốn Công tác bí mật của Đảng, gửi đến đảng bộ các cấp. 
Ngày 6/11/1939, hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường khủng bố cách mạng nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 BCH TƯ Đảng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Hội nghị đã phân tích thấu đáo tính chất cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai; vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh; những chính sách của đế quốc Pháp; thái độ của các giai cấp, tầng lớp xã hội, từ đó vạch ra đường lối chính trị của cách mạng trong tình hình mới.
Hội nghị chủ trương tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, xác định giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc là nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam; đồng thời quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Phương pháp cách mạng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến tới khởi nghĩa vũ trang…
Do có chủ trương chuyển hướng chiến lược đúng đắn và sự chỉ đạo kịp thời mà phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển, lực lượng cách mạng tránh được tổn thất khi kẻ thù trở mặt đàn áp, khủng bố.
Đáng tiếc là, giữa lúc phong trào vận động giải phóng dân tộc mới bắt đầu tiến triển thì đầu năm 1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác của Đảng bị bắt. Tuy nhiên, những chủ trương và quyết định đúng đắn do Hội nghị TƯ 6 vạch ra tiếp tục được các Hội nghị TƯ tiếp theo kế thừa, phát triển, đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945…
Tại buổi lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn nhấn mạnh, trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi.
Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng... vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ của Đảng”; không giấu giếm khuyết điểm; cũng không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng phá hoại... Những tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến nay vẫn còn nguyên giá trị…
PV (lược ghi)

Đọc thêm