Từ đại ca "giang hồ" thành Vua trồng rừng

Ra tù về với hai bàn tay trắng, người vợ má ấp tay kề bao năm đã bỏ đi. Năm 2005 anh bắt đầu làm lại cuộc đời. Chỉ trong mấy năm đã gây dựng được một cơ nghiệp với hơn 400 ha rừng, một trang trại 5 ha nuôi cá, vịt, gà và hơn 50 con lợn rừng, tổng tài sản ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ra tù về với hai bàn tay trắng, người vợ má ấp tay kề bao năm đã bỏ đi. Năm 2005 anh bắt đầu làm lại cuộc đời. Chỉ trong mấy năm đã gây dựng được một cơ nghiệp với hơn 400 ha rừng, một trang trại 5 ha nuôi cá, vịt, gà và hơn 50 con lợn rừng, tổng tài sản ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Khi chúng tôi đến thì anh đang bận sửa lại căn nhà đang ở. Nói là đại ca, nhưng bây giờ nhìn Trịnh Văn Yên (khu 2 thị trấn Kỳ Sơn huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình) bây giờ nhìn hiền lắm. “Hôm qua đi nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhà báo à”, Yên khoe.

Ngày lạc lối

Yên sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Thủa nhỏ học giỏi và khôn ngoan nhất so với 4 anh chị em trong nhà. Bố mẹ anh từng hy vọng sau này Yên sẽ học hành nên người để “đổi vận” và làm rạng danh gia đình. Tuy nhiên, thầy cô, mái trường đã sớm phai nhạt trong mắt Yên, bao nhiêu hy vọng của bố mẹ cũng tiêu tan khi Yên bỏ học gia nhập đội buôn gỗ lậu. Vốn khôn ngoan, lanh lẹ nên chỉ vài năm “đi phụ” Yên đã tự mình đứng ra thành lập đường dây gỗ lậu xuyên các tỉnh Tây Bắc. Từ ngày Yên lên ngai ông chủ, các chủ gỗ khác cứ lần lượt…về vườn. Mỏ tiền từ gỗ lậu cung đường Tây Bắc do một mình Yên thống lĩnh. 20 tuổi, Yên đã có tất cả, tiền nhiều không đếm hết, đặc biệt ngôi vị thống soái trong thế giới lâm tặc vùng Tây Bắc. 

Lúc đang ngự trị ngôi vương cũng chính là lúc Yên bất ngờ lâm nạn. Lần đó cũng như nhiều chuyến hàng khác, Yên dễ dàng đánh bại mọi đối thủ để “trúng thầu” cung cấp gỗ cho một đại gia ở Hà Tây (cũ). Chuyến hàng lớn từ Sơn La về trót lọt nhưng khi chở gỗ đến bàn giao đối tác lại không nhận với lý do chất lượng kém. Yên vui vẻ sang tay cho một chủ khác nhưng một tay trung gian khét tiếng, người đã “cò” cho Yên bán hàng cho đại gia kia thấy như thế là bị xúc phạm. Một tối, Sáu kéo lũ đàn em đến nhà đại gia kia hỏi tội, Yên là người đi cùng để chứng kiến. Cứ tưởng chỉ là cuộc nói chuyện thông thường ai ngờ đến nơi Sáu lập tức dí súng vào đầu chủ nhà và ra lệnh cho đàn em vơ vét hết những gì có thể gọi là phạt vi cảnh..

Vụ cướp diễn ra táo bạo công khai khiến ai cũng khiếp sợ. Lập tức công an vào cuộc, người trung gian và đồng bọn lần lượt bị tóm gọn. Riêng Yên, từ người chứng kiến trở thành kẻ tòng phạm và vì sợ án tù tội nên từ ngày đó anh trốn biệt tăm. Yên có lệnh truy nã toàn quốc. Đi đâu cũng thấy báo đài đưa tên và ảnh nên Yên càng sợ. Ngày đó, tội danh dùng vũ khí cướp còn hiếm lắm. Yên tin chắc Sáu sẽ bị tử hình, còn Yên nếu bị bắt cũng chung thân.

Yên đã lang bạt khắp nơi để trốn công an. Sơn cùng ngõ hẻm nào Yên cũng tìm đến nhưng chẳng chỗ nào anh yên thân vì lệnh truy nã đã có ở khắp nơi. Yên bảo, lúc đó cũng nhờ cái uy lớn nên mỗi lần cái tên anh xuất hiện ở bãi vàng thì các “cai” ở đây lại phải “phúng” cho anh ít tiền bạc hoặc vài quả đồi để anh bán lấy tiền lẩn trổn. Nhờ cái vẻ bề ngoài hộ pháp, khuôn mặt lạnh lùng, cái tiếng từ vụ cướp táo tợn và ở lưng quần luôn sẵn khẩu súng nên trong giới “anh chị” ai cũng kiềng nể Yên. Đến đâu Yên cũng có người che chở và sẵn sàng cấp tiền cho anh.

Từ đại ca "giang hồ" thành Vua trồng rừng ảnh 1
Sau những ngày hoàn lương, vốn "lận lưng" của Yên bây giờ đã hàng chục tỷ đồng.

Khi trong nước bị truy đuổi gắt gao, Yên tính phải trốn sang Hồng Kông. Sống ở Trung Quốc một thời gian với ý định vượt biên nhưng chẳng thành. Không sang được Hồng Công, Yên quay về Tuyên Quang, quê vợ. Yên thay tên đổi họ và sống ở đó cho đến năm 1998. Năm đó, khi đã yên tâm rằng công an đã quên hẳn cái tên Trịnh Văn Yên anh trở lại Hoà Bình với nghề buôn hoa quả. Trong một lần chuẩn bị mang phân bón lên Sơn La để đổi hàng Yên đã bị công an Hoà Bình tóm gọn ngay tại chợ trong sự ngơ ngác của mọi người. 10 năm trốn chạy kết thúc, trong mười năm đó dù Yên không gây thêm tội danh nào nhưng anh vẫn phải trả giá bằng 10 năm tù giam.

Người trả nợ rừng

Những ngày ở trong trại giam lại là thời gian anh thấy minh thanh thản nhất. Mười năm trốn chạy chưa một lần Yên có giấc ngủ ngon lành, lúc nào thấy bóng dáng công an là hoảng loạn, có khi về ốm liệt mấy ngày trời. Trong trại, anh mới có thời gian ngồi ngẫm lại những gì đã trải qua. Thấy dại dột khi đã chạy trốn, thấy có lỗi với bố mẹ, anh em. Đặc biệt mỗi lần nghĩ đến người vợ, đến đứa con nhỏ anh lại rơi nước mắt. Sự đời cũng lắm trái ngang. Người vợ mà anh từng má ấp môi kề, từng thề non hẹn bể, từng khóc và hẹn ngày đoàn tụ khi anh bước chân vào trại đã thay lòng đổi dạ. Chỉ một thời gian ngắn Yến đi cải tạo, vợ đã mang đơn vào trại bắt anh phải ly hôn. Đau đớn, đắng cay anh đành chấp nhận làm theo ý vợ. Nỗi đau đó càng làm cho anh quyết tâm hơn để làm lại cuộc đời. Nhờ cải tạo tốt, năm 2005, Yên được đặc xá trước thời hạn ba năm.

Về đến nhà anh quyết tâm làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng, khi người vợ mà anh từng má ấp môi kề bao năm cũng đã bỏ đi. Quyết tâm làm lại cuộc đời anh xin thầu lại toàn bộ 1,3 ha mặt nước của Hợp tác xã Đoàn Kết và gần 4ha ao của một số hộ dân ở khu II thị trấn Kỳ Sơn bỏ hoang. Không có kiến thức anh đi học hỏi khắp nơi để nuôi cá, chép, trôi mè và vịt. Vốn không có thì vay anh em, bạn bè. Vụ đầu Yên “trúng lớn” khi thu hoạch trên 40 triệu đồng. Có chút vốn, anh mở rộng trang trại còn nhận thầu thêm được 6ha đất rừng hoang để trồng keo.

Tiền nhỏ đẻ tiền to, năm 2006, trang trại của Yên đã cho thu nhập được 100 triệu đồng. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm anh tiếp tục mở rộng sản xuất chăn nuôi. Đến năm 2008, anh đã có trong tay 210 ha rừng keo hai năm tuổi, 1000 con vịt đẻ. Thấy vị trí gần đường 6 giao thông thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm về thành phố Hà Nội anh nuôi thêm lợn rừng lai lợn địa phương. Giống lợn này vừa dễ nuôi, giá thành cao phù hợp với điều kiện trang trại rộng. Năm ngoái, anh đã thu hoạch lứa đầu tiên từ chăn nuôi lợn để mua được căn nhà ba tầng ở thị trấn Kỳ Sơn. Đến nay, anh đã có 400 ha rừng, trang trại có hơn 50 lợn rừng, 5 ha nuôi cá, hàng nghìn con vịt đẻ.

Trang trại của Yên cũng tạo việc làm cho hơn 100 người. Hầu hết nguồn thu nhập từ trang trại được Yên đầu tư vào trồng rừng. “Sang năm tôi bắt đầu khai thác 30 ha rừng lứa đầu tiên. Ước tính mỗi ha cho thu hoạch từ 60- 70 triệu đồng”, Yên, chia sẻ. Tính sơ qua  anh thu được trên dưới 2 tỷ đồng. Và anh được xem là vua trồng rừng ở Hòa Bình. Yên hiện được xem là người giàu có bậc nhất ở Hoà Bình về rừng.

Hữu xạ tự nhiên hương, sau khi ở tù về, chị Vũ Thị Ngần,  một cô gái quê ở Hải Dương đem lòng yêu anh. Hai người đã nên vợ nên chồng và hiện có hai đứa con xinh xắn.

Tôi có nợ với rừng, đây là lúc tôi trả nợ rừng. Tôi còn dự định biến những cánh rừng của tôi sẽ là khu du lịch sinh thái lý tưởng ở Hoà Bình”, tạm biệt khách xa, Yên nói lên ước mơ của mình.

Việt Lâm

Đọc thêm