Như vậy, so với cùng kỳ năm 2019, số người tử vong do mắc bệnh dại đã tăng hơn, có các trường hợp bệnh dại xuất hiện ở những tỉnh trước đây không có trường hợp bệnh nào.
Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất. Khi đã có dấu hiệu lâm sàng thì tỷ lệ tử vong là 100%. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật.
Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh hiệu quả, nhưng ước tính hàng năm có khoảng 59.000 người ở hơn 150 quốc gia, chủ yếu từ những nhóm dân cư nghèo hoặc dễ bị tổn thương, tử vong do bệnh dại. Khoảng 40% nạn nhân là trẻ em dưới 15 tuổi.
Tại Đông Nam Á, hàng năm, tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.
Nhân dịp Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi Hợp tác và tiêm chủng để phòng bệnh dại. Đồng thời, 2 tổ chức này khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác đa ngành hơn nữa nhằm gia tăng sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vắc xin cho người và động vật; tăng cường nhận thức của người dân về bệnh dại; đạt được mục tiêu “biến cam kết thành hành động” ở cấp cao để chấm dứt bệnh dại.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa sự đầu tư của quốc gia vào các chương trình phòng chống và loại trừ bệnh dại ở các cấp.
“Trong khi cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang còn tiếp diễn, chúng ta không được để gián đoạn nỗ lực chung nhằm đảm bảo các dịch vụ y tế quan trọng, bao gồm chương trình loại trừ bệnh dại quốc gia", TS Kidong Park nhấn mạnh.
Ông bổ sung thêm: “Chúng ta cần phải thúc đẩy để có được những chính sách và cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo sự sẵn có, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả vắc xin dại cho cả chó và người”.
Các chuyên gia cảnh báo, người bị chó cắn nếu không tiêm phòng sẽ có thể phát bệnh dại. Không phải 100% người bị chó cắn đều bị dại. Nguy cơ nhiễm dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm con vật có bị dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không… Tiêm phòng dại ngay sau bị chó cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất.
Theo ThS.BS Bùi Ngọc An Pha, Cố vấn chuyên môn, Nguyên GĐ Y khoa VNVC nhấn mạnh, khi bị chó cắn dù là chó lành hay chó dại cũng cần xử trí theo các bước sau: Vệ sinh vết thương, băng bó vết thương và tiêm phòng.
Cụ thể, sau khi bị chó cắn tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.
Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.
Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.
Tiếp đến, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.
Bên cạnh đó, ThS.BS Bùi Ngọc An Pha cũng đặc biệt lưu ý, để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, người bệnh không nên làm những điều sau: Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương. Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá. Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.